Sông quê

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - Dù bận rộn hay trở ngại đến mấy, tôi cũng cố gắng để mỗi năm đưa vợ con về quê ít nhất một lần, đó là vào dịp Tết. Mỗi lần về quê, điều tôi luôn muốn làm là gieo mình, lặn ngụp giữa dòng sông quê như thời con trẻ. Có vô vàn lý do để tôi khao khát được làm điều đó.

1. Quê tôi nằm trong một thung lũng - “Thung lũng sông Vệ” (địa danh nổi tiếng khi năm 1967 lực lượng đặc nhiệm Mỹ Tiger Force tiến hành thảm sát đẫm máu dân lành), cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 25 km về phía Tây - Nam. Con sông Vệ chia thung lũng làm hai nửa Đông và Tây. Nhà tôi bên bờ Tây.

Ba tôi tập kết. Sau giải phóng miền Nam, ông đưa cả gia đình về nơi chôn nhau cắt rốn của mình sinh sống, và phần đời quan trọng nhất của tôi gắn với nơi này. Vào một ngày mùa hè nắng nóng, vừa bước chân về đến quê sau hành trình dài mệt nhọc, tôi- một cậu bé đã gào rú lên vì sung sướng khi nhìn thấy dòng sông hai bờ xanh mát bóng tre. Không chờ đợi ai cho phép, giữa trưa, mấy anh em tôi lén kéo nhau ra sông tắm. Mùa hè, sông cạn nhưng vẫn có những lạch nước sâu. Lần đầu tiên được tắm sông, tôi không biết cách nào để cưỡng lại dòng chảy nên đã bị cuốn vào vũng nước sâu quá đầu. Lúc tôi đang chới với “giã gạo”, uống nước ùng ục thì có một bàn tay túm lấy đầu, kéo tôi ra khỏi nơi nguy hiểm. Đó là Việt, con cô em gái út của ba tôi. Vai em nhưng Việt lớn hơn tôi mấy tuổi và thường xuyên tắm sông nên có đủ kinh nghiệm, sức lực để giành lấy sự sống cho tôi.

Năm học lớp Năm và những năm cấp hai, trường nằm bên bờ Đông, tôi và đám bạn bên bờ Tây ngày ngày qua sông đi học. Mùa nắng nước cạn, xắn quần lội. Mùa mưa đi đò. Con đò ngày ấy bằng nan tre, chỉ chở được khoảng mươi người và phải chống chèo bằng tay. Những lúc mưa lũ, nước dâng cao, gió mạnh, con đò càng trở nên bé nhỏ, từ người lái đò lẫn khách không một tấm phao nhưng chả ai biết sợ là gì.

Ngày ấy, cả thôn Đồng Miếu nơi tôi ở chỉ có mỗi cái giếng, nước trong vắt, ngọt lừ. Vì là nguồn nước quý nên mọi người cùng quy ước chỉ dùng để nấu ăn, uống. Mọi việc tắm, giặt của người dân đều ở ngoài sông. Mỗi trưa, đám trẻ chúng tôi thường lùa trâu bò ra sông ngâm mình. Cuối mỗi ngày, già trẻ, gái trai lại lũ lượt kéo nhau ra sông xả bỏ mồ hôi, bụi đất sau một ngày lam lũ.

Tắm sông thích nhất là khoảng thời gian sau lũ, thường vào cuối tháng 10 âm lịch, cho đến Tết. Lúc đó, lòng sông rất sạch, nước sông đầy ăm ắp, lành lạnh trong khi trời nắng đẹp, ấm áp. Đám trẻ trâu chúng tôi khoái đứng trên mô đất cao phi xuống dòng nước chảy mạnh. Cứ sau một hồi lặn ngụp lại lên bờ phơi nắng. Cũng chính vì cảm giác tuyệt vời ấy mà chúng tôi thường rủ nhau thi bơi từ bên này qua bên kia sông và không ít lần tôi suýt trả giá đắt vì đuối nước.   

Sau lũ, ba tôi thường thả chà dưới sông. “Chà” là những cành cây tươi để nguyên lá, được chặt đều nhau, dài chừng sải tay trẻ con và bó lại như bó củi. Trước đó, ba đã đi thám thính chỗ để đặt chà, đó thường là ở mé sông sâu bên lở, nước chảy mạnh. Đóng mấy cây cọc xung quanh rồi đặt những bó chà xuống và buộc dây giữ cho chà không trôi, đồng thời lấy đá đè cho chà nằm sát xuống đáy sông. Cây thường dùng làm chà là duối. Vỏ duối khi ngâm vào nước lâu ngày sẽ bong ra, chất nhớt và có mùi thum thủm của vỏ duối trở thành loại thức ăn khoái khẩu cho tôm, cá. Đặt chà sau lũ là bởi thức ăn trong nước đã bị nước lũ cuốn trôi nên cá, tôm các loại thường rúc vào chà tìm kiến thức ăn, đồng thời tránh dòng nước xiết. Cứ vài ngày, ba lại ra sông dỡ chà và lần nào tôi cũng đi cùng. Ba ngụp xuống sông, lần tay nhè nhẹ gỡ từng bó chà đặt vào chiếc rổ rất to, loại rổ chuyên dùng cho việc dỡ chà, rồi từ từ đưa lên khỏi mặt nước. Tôi đứng trên bờ kéo rổ lên, những con tôm, cá, chình trong bó chà rơi ra, nằm gọn trong rổ. Đưa tay bắt từng con đang giãy đành đạch cho vào giỏ, cảm giác sung sướng ngất ngây. Mỗi lần dỡ chà, cả nhà lại được bữa ăn tươi - điều vô cùng quý giá trong thời buổi tem phiếu, thịt cá quý như vàng. Không ít lần, gần trưa 30 Tết, hai cha con đi dỡ chà đem về để mẹ chọn những con tôm, cá ngon nhất làm cơm cúng rước ông bà.

2. Lên cấp 3, chúng tôi phải đi 15 km đường đất đá, vượt qua suối đèo để ra thị trấn trọ học và thường mỗi tuần về nhà một vài lần. Không còn phải sang sông mỗi ngày, nhưng con sông Vệ vẫn gắn bó và chạy dọc theo đường chúng tôi đi học. Vào những chiều nắng đẹp, dòng sông như dải lụa loang loáng ánh bạc lượn giữa thung lũng xanh. Những ngày mưa bão, gió thốc, đường trơn, không thể đạp xe, đám học trò nghèo lầm lũi đội mưa, dắt xe đi dọc bờ sông đến trường. Khi lũ lụt, nước dâng trắng đồng, ngập cả làng mạc và đường sá, chúng tôi cuốn tất cả gạo, mắm, áo quần, sách vở vào tấm nilon và cùng dìu nhau bơi qua suối. Chỗ nào không thể bơi qua, chúng tôi buộc chặt những thứ ấy, thậm chí cả củi để đun nấu vào xe đạp rồi vác tất cả trên vai đi đường vòng, băng đồi, trèo núi, vượt qua cả trường lũy (thành lũy cổ, được công nhận Di tích quốc gia). Quê tôi được mệnh danh là “Suối bùn”, bởi sau mỗi trận lũ lụt, nước rút để lại lớp bùn non màu mỡ có khi ngập đầu gối. Những lúc ấy, trên đường đến trường, cả xe và người đều nhuốm bùn non.

Nhờ cố gắng, không ít đứa học trò lam lũ bùn đất chúng tôi đã bước vào cổng trường đại học cao vời vợi và sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà báo…        

Hồi sinh viên, mỗi lần về quê ăn Tết là vui không kể siết. Ngoài được gặp người thân và được ăn no dù đôi khi chỉ là khoai sắn, lũ bạn còn có dịp gặp lại nhau hàn huyên đủ chuyện trên đời. Và, điều không thể thiếu là lại được đắm mình vào dòng nước trong xanh, mát lạnh; được gặp lại những sinh hoạt mang tính mùa vụ ở bến sông. Vào những ngày cận Tết, việc vệ sinh, làm đẹp nhà cửa luôn là điều tối quan trọng, và bến sông nhộn nhịp như trẩy hội, người người giặt giũ chăn, màn, chà rửa nồi xoong cùng vật dụng gia đình... Dù ở xa bến sông cũng có thể nghe tiếng bộp bộp vang lên từ chiếc gậy của người giặt chiếu vỗ vào những chiếc chiếu nổi lênh trên mặt nước.     

Trong dòng chảy ký ức miên man về dòng sông quê, giữa những bờ bãi lao xao còn có những mạch ngầm sâu kín của một thời trai trẻ. Nhớ khi còn là sinh viên năm thứ 3, vào chiều tối mùng 3 Tết, cô bạn học thời phổ thông từ bên bờ Đông sang bờ Tây chúc tết họ hàng, tiện thể ghé thăm ba thằng chúng tôi ở gần nhà nhau. Trừ tôi, một trong hai thằng bạn còn lại vốn có tình ý với cô gái. Chúng tôi cùng nhau hàn huyên, say chuyện đến tận khuya thì chợt nhận ra cô gái phải về nhà. Cả ba chúng tôi cùng đưa cô bạn về trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Nửa đêm không thể tìm đâu ra đò, cách duy nhất đưa cô bạn về nhà lúc này là lao mình băng qua dòng nước tê buốt.

Ngỡ tưởng đây là cơ hội ngàn năm có một để thằng bạn vốn có tình ý với cô gái lập chiến công và “đốn ngã” nàng. Nhưng chờ mãi chả thấy chàng ra tay, thế là tôi đành trở thành “hiệp sĩ” bất đắc dĩ. Tôi cởi phăng chiếc áo khoác và chợt rùng mình vì gió lạnh, song vẫn nhanh chóng định vị hướng đi để đưa cô bạn tiến vào dòng nước lạnh như băng. Càng ra giữa sông, nước càng sâu. Một tay dắt cô bạn, tay còn lại tôi giơ chiếc áo khoác lên cao để khỏi bị ướt. Đến chỗ sâu nhất nước ngập ngang mũi, tôi phải nâng cô bạn lên để khỏi bị ngợp. Sau một hồi chới với giữa dòng sông giá buốt, cuối cùng chúng tôi cũng sang được bờ bên kia. Khi vừa lên khỏi mặt nước, gió thốc, cơ thể chúng tôi như đóng băng, tê cứng. Điều tôi có thể làm lúc đó là choàng chiếc áo khoác của tôi cho cô bạn, rồi không ai bảo ai, hai đứa ôm chầm để giữ hơi ấm cho nhau. Cả hai cùng khuyu xuống bãi cát trong đêm đen kịt. Một lúc sau hồi tỉnh, cô bạn lần cởi mấy lớp áo của mình hong ra ngoài gió cho chóng khô, và điều gì đến đã đến. Đôi gò bồng đảo để trần trong hơi thở phập phồng của cô gái áp sát vào ngực tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi biết da thịt con gái trong trạng thái tê cóng. Ôm nhau được một lúc, khi cơ thể ấm trở lại, tôi giúp cô bạn mặc áo rồi tiếp tục đưa cô về tận nhà. Lúc tôi lội sông quay về thì trời đã sang ngày mới và hai thằng bạn đã rời khỏi bờ sông từ lúc nào chẳng rõ. Về đến nhà, tôi lên cơn sốt và nằm li bì 3 ngày đêm.

3. Hành Tín quê tôi là xã Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ (nay được tách làm hai xã: Hàng Tín Đông và Hành Tín Tây). Nơi đây là địa chỉ đỏ và là căn cứ cách mạng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời Tây Sơn, thung lũng này là trường luyện quân của anh em nhà Nguyễn Huệ. Suối bùn là sân sau của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ lừng danh nổ ra ngày 11/3/1945 và dòng sông Vệ là đường thủy huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực cho cuộc khởi nghĩa và cho cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Từ ngày còn sinh viên, tôi và Huỳnh Kiên (hiện là phó Ban đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên) cùng một đứa bạn khác, đều là người con nơi này, đã đi sưu tầm, nghiên cứu để viết lịch sử xã nhà nên càng có cơ hội để hiểu và tự hào về mảnh đất và dòng sông quê mình.        

Với tôi, sông Vệ không chỉ là một con sông, mà là linh hồn và máu thịt. Khi tôi ngụp lặn, dòng sông là thế giới cổ tích với tất cả những gì lung linh, huyền ảo hiện ra, và tôi được thỏa sức vùng vẫy trong thế giới của mình. Úp mặt vào dòng sông, tuổi thơ tôi loáng loáng hiện về với bóng dáng mẹ tôi lam lũ gánh gồng từng rổ khoai sọt sắn từ nương rẫy sang chợ bên bờ Đông bán kiếm tiền nuôi gia đình và cho anh chị em tôi ăn học. Úp mặt vào dòng sông, tôi thấy cả bầu trời cao rộng, tình quê chan chứa. Khi ngẩng đầu lên, dòng sông là niềm kiêu hãnh về những con người quê tôi nghèo khổ, lam lũ nhưng ngoan cường. Dòng sông không chỉ chảy suốt cuộc đời của chính con sông và mang phù sa bồi đắp bãi bờ mà còn chảy suốt cuộc đời tôi, mang phù sa bồi đắp cho đứa con tít tắp xa quê.

Sông quê ảnh 1Có một nhà hiền triết hiện đại đã nói, đại ý: thật may mắn cho những con người có được một quê hương. Nơi có đất, có nước, có nắng và gió. Xét theo câu nói này, Đại Dương là người may mắn. Anh có cả một dòng sông tuổi thơ ru mát tâm hồn. 
Tuổi thơ, như trong tạp bút này của Đại Dương, không phải là toàn những kỷ niệm êm đềm. Nó cũng như con sông của anh, có cả nỗi buồn đau và những lần hút chết, những kỷ niệm đầu đời trong trẻo và nhói đau… 

L.A.H

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.