Ven Đê

Minh họa: Bình Minh.
Minh họa: Bình Minh.
TP - Tôi có nước da ngăm ngăm, mồ hôi khen khét, suốt ngày chạy nhông nhống như chó hoang sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm… Từ nhà tôi muốn sang nhà nó phải băng qua một quãng, ở giữa là mấy ô đất người ta bỏ hoang, đủ các loại cây đua nhau mọc um tùm. Tôi thích lắm, vì ở đó là cả một thế giới. Mùa hè đấy là nơi làm tổ của lũ chim cuốc, ếch nhái cứ kêu uôm a uôm uôm suốt cả buổi tối. Mùa đông những bông lau nở trắng như bông, tụi tôi vẫn thường ngắt về làm cờ để hô xung phong đánh trận…

Khu nhà tôi ở nằm sâu trong ngõ nhỏ, dưới chân đê, sát bờ sông nên thường xuyên bị ngập úng, rác rưởi, hôi thối… Xóm tôi xơ xác, tiêu điều tập trung mấy gia đình có thu nhập thấp nên diễn ra đủ các cảnh tượng của cuộc sống cùng mánh khóe mưu sinh hằng ngày…

Bố tôi là bộ đội, thời trước công tác biền biệt mãi tít ở một tỉnh biên giới xa xôi, nhờ có chút công lao, chức tước nên được điều về thành phố làm việc trong một cơ quan, thấy mỗi lần về nhà bố đeo quân hàm trên vai tôi rất tự hào khoe với lũ bạn: Bố tao là bộ đội có súng chúng mày ơi! Mẹ tôi chỉ là cô gái quê, xinh đẹp nết na, thấy anh lính xa nhà được về phép, ngưỡng mộ nên đem lòng yêu thương. Thế là hai người được họ hàng vun vén rồi tổ chức đám cưới ngay cuối kỳ nghỉ phép đó. Tôi chỉ biết tình yêu của bố mẹ rất đẹp bởi những lá thư, mỗi lần nhận được thư mẹ thường mang ra bậu cửa ngồi đọc rồi tủm tỉm cười, hai gò má căng ra đỏ ửng. Từ khi bố được chuyển công tác về thành phố mẹ tôi cũng quên luôn cái bậu cửa và những lá thư bởi cả nhà đã chuyển theo bố ra mua đất ở cái xóm nhỏ này.

Ra thành phố, mẹ tôi không có nghề ngỗng, lại là cô gái quê mùa bản tính nhút nhát, nhưng vì yêu chồng thương con nên đành phải nhắm mắt quẩy đôi quang gánh lao vào đám người hỗn độn làm đủ thứ việc để kiếm thêm tiền nuôi con và trả nốt món nợ mấy cây vàng đã vay để ra thành phố mua đất dựng nhà. Những lúc bố mẹ đi vắng, tôi luôn bị khóa cửa nhốt vào trong nhà bởi tính ngổ ngáo như mèo hoang chó dại…

Nó thì khác, bố mẹ là dân lưu manh chuyên nghiệp, họ gặp nhau ở đầu đường xó chợ rồi thích nhau về ở cùng rồi sinh ra nó. Tuy bố mẹ ngổ ngáo thế nhưng ngược lại nó có nước da trắng với cặp môi đỏ ửng như con gái. Bố mẹ nó buôn bán hoa quả ở chợ gầm cầu, gọi là chợ thế thôi nhưng thực chất nó là nơi tập kết hàng của những kẻ buôn bán xào xáo đủ loại. Bố mẹ nó đi vắng suốt ngày, đến tối mịt mới ở chợ lục đục kéo nhau về nhà tính đếm nên chẳng bao giờ dòm đến nó. Nó tha hồ lang thang chơi khắp nơi như con chim sổ lồng. Tôi thèm được như nó lắm, phải đến khi bố mẹ về mới được chạy nhông nhống như con cún xổng khỏi cũi, đến lúc đấy tôi và nó lại thầm thì rồi dính chặt lấy nhau. Nó thương tôi lắm, mỗi lúc tôi bị nhốt trong nhà là nó lại mang bi ra tự một mình chơi trước sân để tôi xem. Chơi bi chán rồi nó lại bầy đủ các trò khác để lấy lòng tôi. Nhiều hôm trời nắng mồ hôi nó vã ra như tắm. Buổi trưa nắng nóng ngoài sân tôi lấy cái chiếu rồi luồn qua song cửa bảo nó uốn vòm lại như túp lều chui ra chui vào. Thế là cả hai đứa cùng rúc rích ở trong hai cái tổ như con chim sẻ. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất mỗi khi được ở trong chốn riêng tư của mình.

Nhưng cũng có những hôm chúng tôi được thả tự do ở ngoài. Lúc bố mẹ vắng nhà rồi nó đi hái lá cây, nhặt sỏi về xếp đầy nhà. Thích thú lắm, thế là cả hai hú hí cười với nhau quên cả thời gian. Nhiều hôm mẹ đi làm về đột xuất, nhà cửa lộn tùng phèo, bà lấy roi tét cho quắn mông đít. Tôi và nó hãi lắm. Nhưng đến sáng hôm sau lại quên ngay, lại bắt tay vào những trò chơi mới.

Bố nó là người đàn ông cộc cằn, ông dám văng tục với bất kỳ ai khi không đúng ý mình. Mẹ nó đã cung cúc làm nhưng hễ vô tình để xảy ra lỗi nhỏ nào trong công việc là ông sẵn sàng không tiếc những lời thóa mạ:

- Cái con mẹ này, hôm nay đổ cả xe xoài. Chó thế đấy…

Tôi không biết có phải khi văng tục là người ta ghét nhau hay sao? Nhưng mẹ nó cũng là người không vừa:

- Ối giời ơi, tôi nẫu lắm rồi. Ông nói ít thôi. Đàn ông gì mà lèm nhèm thế. Hỏng thì thôi. Vứt mẹ nó đi.

- Cô đúng là đồ gái đĩ già mồm. Cứ hoang phí thế thì có mà lấy c… mà ăn.

Bố mẹ nó về. Tuy nó chẳng nói gì, nhưng tôi biết trong lòng nó rất buồn, và xấu hổ khi đám con nít trong xóm cứ bắt chước câu chửi của bố mẹ nó mà răn nhau. Nhà nó thế đấy, mỗi lúc trời tối là ồn ã và văng tục. Nó như có hai con người cùng tồn tại. Lúc bố mẹ ở nhà thì im thin thít ngồi ở xó giường, khi họ đi vắng rồi nó mới đúng là con người thực, vui tươi và hiếu động. Nó thèm được như tôi. Tuy bị nhốt nhưng luôn được bố mẹ thương yêu… Thỉnh thoảng nó lại cất giấu những quả xoài to như bắp tay mang sang cho tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cái hương vị ngọt ngào và thơm thơm của xoài chín…

Nhà chúng tôi ở đúng vào cái nơi tụ thủy, cứ mỗi khi mưa là nước dâng lên biến ngõ thành sông. Tụi tôi thích lắm, có đủ các loại đồ chơi của lũ trẻ con nhà giàu trôi về, chúng tôi hò hét nhau mang chậu, rồi đủ các loại thúng mủng ra làm trò. Có lần nó lấy một chiếc dép xốp rồi cắt thành hình con thuyền. Tôi chợt nảy ra sáng kiến lấy giấy thủ công cắt thành cánh buồm. Nhưng nó bảo: Trời mưa như thế này giấy sẽ ướt mất. Ừ nhỉ! Thế mà tôi không nghĩ ra. Rồi nó chạy về nhà, lát sau mang ra một mảnh vải màu đỏ. Ôi! Cánh buồm đỏ thắm, chúng tôi cười khúc khích, nó bảo nhất định sau này lớn lên sẽ làm thủy thủ. Làm thủy thủ sẽ được đi đây đi đó, rồi nó sẽ chở tôi đi khắp nơi trên thế giới, chẳng phải ở nhà nghe bố mẹ chửi. Nó còn hỏi mày biết đại dương là cái gì không? Thú thực tôi cũng chẳng biết thế nào là đại dương cả, xem trên tivi thấy con tàu đang rẽ sóng. Thế cánh buồm của chúng tôi cũng đang xuôi theo dòng nước ra sông, ở ngoài kia nhất định là biển… Chúng tôi ríu rít rủ nhau suốt ngày nghịch nước. Ở nhà chúng tôi mải chơi quá, nước lên khiến đồ đạc trong nhà nổi lềnh bềnh. Thôi chết thật rồi, như thế này mẹ về sẽ tét đít mất. Chúng tôi hò nhau cất đồ đạc lên gác xép…

Sau đợt nước lên ít hôm tôi thấy nó bị mẹ mắng, nó bỏ sang nhà tôi rồi ngủ quên ở góc nhà. Sáng ra như thường lệ, bố mẹ tôi khóa trái cửa đi làm. Thế là có nó ở luôn đấy, tôi hỏi nó làm sao bị mẹ đánh. Nó dụi dụi đôi mắt sưng mọng vì khóc, nói: "Tại mày, mày bảo phải làm cánh buồm, thế là tao đã lấy quần xilíp của mẹ cắt ra…".

Chuyện ấy rồi cũng nhanh chóng quên đi. Có hai đứa ở trong nhà buồn chán, nó lại đầu têu, chúng tôi được một bữa hò hét, phá phách. Bao nhiêu nồi niêu đều được lôi ra làm trống gõ. Mỏi mồm, tôi bảo nó lấy quân hàm của bố đeo lên vai, đội mũ kê pi vào chơi trò đánh trận. Tôi đánh trống, nó cầm thanh kiếm gỗ đứng lên bàn chỉ về phía trước hô xung phong. Trận chiến của chúng tôi không có quân lính…

Ở trường tôi với nó học chung một lớp, nó đầu têu các trò nghịch ngợm thì không ai bằng, và chẳng sợ ai bắt nạt hết. Trong lớp ai cũng sợ nó thật. Không đứa nào dám qua mặt. Nó là đại ca của một vài đứa cũng rất hùng hổ. Nhưng nó không bao giờ bắt nạt tôi. "Tao và mày khác nhau, nhưng tao rất thích mày". Nó từng nói như vậy. Thấy tôi thân với nó bố không cấm, nhưng mẹ lại thở dài:

- Mẹ không cấm, nhưng con ít chơi với nhà kia thôi. Hôm nay mẹ đi họp phụ huynh thấy nó học kém lắm. Lại nói tục chửi bậy và đánh nhau nữa.

- Con thấy bạn ấy tốt với con lắm - Tôi cãi - Bạn ấy hay bênh vực con.

Nhưng tôi thấy mẹ nói đúng. Nhà nó ngày nào cũng chửi nhau. Ngôn ngữ chợ búa đem ra sử dụng hàng ngày. Có hôm tôi thấy mặt mẹ nó tím bầm. Cả đêm nồi niêu bát đĩa loảng xoảng. Mày mày tao tao náo loạn cả ngõ. Ấy vậy mà hôm sau lại thấy âu yếm đèo nhau đi lấy hàng. Nhưng chơi với tôi chẳng bao giờ thấy nó văng tục chửi bậy cả, có chuyện gì nó cũng nhường nhịn tôi. Thấy bố tôi đi làm về là nó nem nép chào… Bố tôi độ lượng: "Các cháu phải chơi ngoan, không được chửi bậy". Nó ngoan ngoãn đáp lại: "Vâng ạ!". "Nhưng tại sao đi họp phụ huynh bác thấy cô giáo bảo cháu hư lắm?". Nó thanh minh: "Không phải đâu ạ, tại chúng nó cứ trêu cháu, chúng nó bảo bố mẹ cháu lưu manh chợ búa". Bố tôi xoa đầu nó nhìn xa xăm…

*

*           *

Thế rồi bỗng tôi thấy nó đến trường không ngổ ngáo nữa, bỗng nhiên nhà nó giàu lên nhất khu, người ta đồn bố mẹ nó trúng mánh làm ăn lớn, có người độc mồm độc miệng bảo nhà nó buôn ma túy. Bố mẹ nó thường xuyên vắng nhà. Nó lại rủ tôi sang nhà chơi. Đúng là nhà nó giàu thật! Hôm nào tôi cũng thấy mẹ nó mang về một túi thịt quay hay một cái chân giò béo múp. Nó không bị mẹ mắng nữa và có nhiều đồ chơi mới. Nào ô tô, xe tăng, máy bay… Tôi chỉ có một con ô tô bé tí tị. Lấy từ trong hộp bánh mẹ nó mua tặng hôm sinh nhật. Món đồ chơi duy nhất trong thời thơ ấu của tôi.

Khu xóm nghèo ngày ấy. Lắm lúc tôi thèm được như nó, nhà tôi lúc nào cũng ăn rau triền miên. Nhìn miếng thịt tôi thèm thuồng, mỗi lần sang nhà nó chơi về tôi kể chuyện mẹ rớt nước mắt, đi chợ mẹ mua thịt về, loại thịt bèo nhèo… Cả nhà có ba người nhưng bố mẹ chẳng ăn miếng nào cả. Có một lần, mẹ ốm, bố mua thịt ép mẹ ăn, tôi tròn mắt: "Ơ, thế người lớn cũng biết ăn thịt hả bố?". Bố mẹ chỉ lặng quay mặt đi.

Chiều chiều, từ bên nhà nó vọng sang tiếng dao thớt, mùi thức ăn thơm phức bay sang làm bố mẹ tôi rất ái ngại. Mẹ tôi nói: "Anh xem việc phân nhà ở cơ quan sắp đến lượt chưa? Ở thế này thì khổ con cái quá!". Hôm nhà nó làm giỗ. Tôi nhìn thấy con gà luộc vàng ươm. Mẹ nó thấy tôi ngồi ngoài cửa liền gọi vào xúc cơm cho tôi ăn. Đấy là bữa cơm đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy ngon. Tôi nhìn mẹ nó đầy ngưỡng mộ. Mẹ nó to béo. Những ngón tay nần nẫn đeo nhẫn vàng. Khi tôi đang cắm đầu ăn thì mẹ nó giở túi tiền đếm sột soạt giữa nhà. Chao ôi là tiền.

*

*           *

Thế rồi bố tôi cũng được phân nhà mới. Hôm nhà tôi chuyển đi, nó đứng lặng ở đầu ngõ, cứ đứng tần ngần nâng vạt áo lên cắn. Tôi rất vui nhưng chẳng biết nó nghĩ gì. Đồ đạc nhà tôi mang theo cũng chẳng có nhiều, chỉ có chiếc giường gỗ dổi là quý giá nhất, còn lại toàn những thứ lỉnh kỉnh không đáng giá. Chiếc mũ kê pi của bố tôi cũ quá rồi, chắc bố cũng đã được phát mũ mới nên tôi mang ra tặng lại nó, nhận chiếc mũ nó lấy tay phủi bụi rồi đưa lên đầu đội, chiếc mũ rộng vành nên xoay tít trên đầu, vành lưỡi trai dốc ngược về phía sau gáy.

Khi xe sắp chạy, nó bùi ngùi: "Bao giờ mày lại về chơi với tao…". Nó chạy về nhà cầm thanh kiếm gỗ mang ra: "Đây là quà bố tao mua ở Sài Gòn, mày cầm lấy làm kỷ niệm". Tôi mê mẩn nhìn thanh kiếm và biết ơn nó. Món quà tuyệt vời. Xe chạy rồi vẫn thấy bóng nó nhỏ xíu xa xa…

Ngôi nhà tập thể mới của nhà tôi nằm mãi tận trên gác bốn. Từ ngày chuyển về tôi không còn được chạy nhảy tự do như trước nữa. Tôi hay ngồi nhìn thanh kiếm nó tặng. Không biết giờ này nó làm gì?

*

*           *

Giờ này tôi đã là một phóng viên. Tôi năng nổ đi nhiều và viết nhiều. Một hôm tòa soạn giao làm một loạt phóng sự về tình hình vi phạm ở các xóm ổ chuột, tôi trở về cái ngõ nhỏ ngày xưa. Căn nhà tôi vẫn còn đây, vẫn ẩm thấp và bé nhỏ nhưng chủ nhà đã khéo bày biện khiến nó trở nên ấm cúng. Nhà nó còn đấy. Nhưng chẳng thấy bóng dáng nó.

Chần chừ mãi rồi tôi cũng mạnh dạn gõ cửa. Ngôi nhà im ắng. Vẻ cũ kỹ rêu phong dấu ấn của những lần nước lên. Sao bây giờ tôi lại thấy cái ngõ này nó bé đến vậy. Ngôi nhà của nó cũng không còn nguy nga, tráng lệ như tòa lâu đài trong ký ức thơ dại của tôi. Cuộc đời đổi thay. Giờ đây gia đình tôi tuy không hẳn là khá nhưng cũng đã có của ăn của để. Anh em chúng tôi đều thành đạt. Không biết gia đình nó cuộc sống ra sao? Tôi gõ cửa lần nữa. Bà cụ già còng lưng ra mở. Nói mãi bà mới nhớ ra tôi. Mắt bà lòa lòa trong ánh sáng nhá nhem. Bà xoa đầu tôi. Bây giờ đã là chàng trai cao lớn với cặp mắt kính cận trên mắt. Tôi hỏi về nó thì bà bỗng bật khóc. Những giọt nước mắt đùng đục của người già.

- Nó đi cải tạo rồi. Ở trung tâm cai nghiện tận Ninh Bình ấy.

Rồi bà kể. Giọng nghèn nghẹn, đứt quãng:

- Nó theo bọn bạn hư hỏng lêu lổng suốt ngày. Lúc nhà cháu dọn đi, nó buồn lắm, cả khu xóm này chẳng đứa nào thân với nó nữa. Năm lớp tám thì nó bỏ học. Thế rồi nó đi luôn. Có khi hai, ba ngày, có khi một tuần mới về. Công việc làm ăn của bố mẹ nó cũng không còn suôn sẻ. Tiền bạc cứ đội nón ra đi. Bây giờ bố mẹ nó đi bán cây cảnh ở góc công viên. Mỗi lần nó về bố nó lại chửi. Nó chán lại bỏ đi. Rồi một hôm nó bị người ta giải về nhà. Nó nghiện ma túy cháu ạ. Đau xót lắm. Bố nó nóng tính. Đánh nó một trận bò lê bò càng. Nó đau quá không bỏ đi được nữa. Bố nó ra chợ đặt một cái xích sắt. Đây cháu này - Bà chỉ vào cái dây xích to bằng cổ tay nằm lăn lóc ở gầm giường - Bố nó xích nó vào chân giường. Nó gào khóc, chửi bới lăn lộn. Có hôm nó tự cắn vào mồm lênh láng máu. Mẹ nó sợ quá lén lút thả nó ra. Thế là nó biến luôn. Một tháng sau, công an gọi điện bảo nó bị đưa vào trại cai nghiện ở Ninh Bình. Đã hơn một năm rồi mà bố mẹ nó chưa vào thăm lần nào. Bà muốn đi thăm nó mà lại yếu quá. Cháu lúc nào vào với nó hộ bà.

Tôi ân hận vì mình đã chẳng về thăm nó lần nào. Giá mà có tôi ở bên cạnh chắc chắn nó chẳng bao giờ đến nông nỗi này? Cũng tại tôi mải chuyện học hành rồi quên bẵng mất cậu bạn thuở ấu thơ… Ngồi trước màn hình máy tính mà nước mắt tôi không cầm nổi, tôi sẽ viết một bài phóng sự về cuộc đời nó? Mà có thể cũng không thể viết hết trong một bài báo. Tôi bất lực…

Bỗng tôi thấy hình ảnh xóm nghèo đẹp tuyệt.

Thế nào tôi cũng phải về Ninh Bình thăm nó.

Hà Nội, 12/2014

Ven Đê ảnh 1Một câu chuyện mang phong vị rất thật, gợi nhớ lại cảnh sống trong những xóm nghèo ngoại ô thời bao cấp với bao vui buồn và những cảnh đời đối nghịch dưới mắt con trẻ. Nhưng chính vì thế, với nhiều tình tiết được mô tả kỹ càng, truyện ngắn lấy được từ người đọc những cảm xúc bình dị nhưng sâu lắng.

Nguyễn Thị Minh Thủy sinh năm 1980, hiện làm việc tại Nxb Quân đội nhân dân.

L.A.H

MỚI - NÓNG