Sông Hàn, hai tuần sau sự cố…

Bảng quy định số lượng hành khách được chở và số điện thoại đường dây nóng của lực lượng chức năng được gắn ngay bên ngoài tàu. Ảnh: Thanh Trần
Bảng quy định số lượng hành khách được chở và số điện thoại đường dây nóng của lực lượng chức năng được gắn ngay bên ngoài tàu. Ảnh: Thanh Trần
TP - Sự cố chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 đêm 4/6 khiến toàn bộ tàu du lịch trên sông Hàn đồng loạt tự soi và tự hoàn thiện. Sau cuộc rà soát, siết chặt hoạt động của các lực lượng chức năng, gần một nửa tàu du lịch đã hoạt động, số còn lại - tàu cải hoán vẫn đang nằm bờ, sốt sắng sửa chữa, tu bổ.

Lấy lại niềm tin

Trao đổi với Tiền Phong, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay qua sự cố chìm tàu đáng tiếc lần này, du khách nên chủ động  đòi hỏi chủ phương tiện đáp ứng đầy đủ các yếu tố an toàn, đừng nên bị động chờ họ cung cấp. “Trước khi lên tàu, phải hỏi tàu được phép chở bao nhiêu người, hiện trên tàu có mấy người. Đồng thời yêu cầu chủ tàu cung cấp áo phao, các dụng cụ cứu sinh. Nếu phương tiện nào không đáp ứng được thì không nên đi”, ông Hùng nhấn mạnh.

11 tàu du lịch trên sông Hàn đã đón khách trở lại. Đây là những tàu đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, dịch vụ, an toàn, được lực lượng chức năng cho phép hoạt động. Vấn đề ông Khuất Việt Hùng lưu ý ở trên cũng được các tàu đồng loạt thực hiện.

Ngay trước lối lên, các tàu  treo bảng quy định số hành khách được phép chở, số điện thoại đường dây nóng của cảng vụ, cảnh sát giao thông, biên phòng kèm theo lời nhắc nhở hành khách mang áo phao. Ông Lê Văn Đông, chủ tàu du lịch Minh Trần, nói: “Không cần chờ khách hỏi, tụi tui chủ động báo trước tàu được phép chở mấy người. Có số điện thoại của lực lượng chức năng bên dưới, không tàu nào dám khai gian, chở ẩu đâu”.

Không chỉ vậy, đội tàu này còn lắp camera, bộ đàm, nhất cử nhất động trên tàu đều được camera ghi lại, truyền hình ảnh về Cảng vụ Đà Nẵng để cơ quan này theo dõi, xử lý.

Đón chuyến khách đầu tiên sau mười ngày nằm bờ, chủ tàu và đội ngũ nhân viên tàu du lịch Bảo Anh đặc biệt chú trọng khâu bảo đảm an toàn cho khách. Khách lên tàu có người hướng dẫn lối đi, chỗ ngồi, cách mặc áo phao y hệt như trên máy bay, thậm chí tự tay mang luôn cho những người còn lóng ngóng. 

Suốt quá trình chạy giữa sông, nhân viên liên tục nhắc nhở mọi người ngồi đúng vị trí, không chạy nhảy quá nhiều làm tàu dao động mạnh, dễ nghiêng. Chị Đàm Thu Thúy, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thấy rất an tâm khi được nhân viên hướng dẫn tận tình, trang bị áo phao và đặc biệt trước khi xuất bến có lực lượng chức năng lên kiểm tra số người trên tàu. Hy vọng sự chu đáo này sẽ tiếp tục phát huy để lấy lại niềm tin trong lòng du khách”.

Tự soi, tự sửa

14 chiếc tàu du lịch còn lại những ngày này vẫn chưa được nhổ neo, đây là các tàu hoán cải từ tàu cá hoặc tàu chuyên chở vật liệu. Tuy nhiên, tất cả đang cật lực sửa chữa những thiếu sót đáp ứng những yêu cầu của cơ quan chức năng.

Sông Hàn, hai tuần sau sự cố… ảnh 1

Nhân viên tàu du lịch Đà Nẵng kiểm tra lại ghế, áo phao, sửa chữa những thiếu sót để lực lượng chức năng kiểm tra, cấp phép hoạt động.

Bên trong các tàu, dãy ghế ngồi trước đây họ đối phó bằng cách buộc vào nhau, bắt dính vào tường nay đã cố định xuống mặt sàn chắc chắn. Trên mỗi ghế đều trang bị áo phao, có tàu còn “thủ” thêm chục chiếc phòng khi gặp sự cố cấp bách. Những tàu không được phép đưa khách lên tầng hai (thực chất là mái tàu) đã “dọn” hết cầu thang, trả lại lối đi thông thoáng.

Chủ tàu du lịch Công Danh, ông Trần Văn Thành, cho hay: “Trong đăng kiểm tàu chỉ được bố trí cho khách ngồi ở tầng một, nhưng vì chiều khách muốn lên trên hóng gió, chụp hình nên tui cho khách lên. Mới đây bị lực lượng chức năng “tuýt còi”, tui bỏ luôn cầu thang, không biến mái thành tầng hai nữa”. 

Trong khi đó, tàu du lịch Đà Nẵng của anh Nguyễn Phước Luân bị đoàn  kiểm tra phát hiện chưa cố định ghế, thiếu dụng cụ chống thủng và máy phát điện bằng xăng. Anh đang thuê thợ về khắc phục, mua sắm thêm thiết bị, máy móc phù hợp, đóng thêm cả trần mới để con tàu nhìn sáng sủa hơn. Một số tàu khác vẫn còn hạn đăng kiểm, tuy nhiên sau sự cố lật tàu, Chi cục Đăng kiểm số 4 yêu cầu đăng kiểm lại, các chủ tàu nghiêm túc chấp hành.

Ông Đặng Hòa, chủ tàu du lịch Tiên Sa, chia sẻ: “Tàu nào cũng gấp rút hoàn thành sửa chữa, tu bổ. Sai chỗ nào là tụi tui sửa ngay chỗ ấy. Thiếu thiết bị máy móc gì là mua liền. Có thể nói bây giờ tìm… không ra lỗi nữa, chỉ chờ đoàn đi kiểm tra tới nghiệm thu thôi. Vào mùa du lịch mà tàu nằm bờ, trong khi lương nhân viên vẫn phải trả nên chúng tôi rất khó khăn”.

Ông Hòa nói thêm điều ông và các chủ tàu lo ngại là du khách dè chừng với tàu hoán cải, dù những tàu này trước đây được đóng theo chủ trương, kêu gọi của thành phố. Ông tâm sự: “Nhìn các tàu chạy đón khách tụi tui cũng sốt ruột dù  hoán cải, nhưng tàu đã đáp ứng được mọi điều kiện cần và đủ, rất mong thành phố sớm cho hoạt động trở lại”.

100% lái tàu, thuyền viên có nghiệp vụ du lịch

Không chỉ các tiêu chí đăng kiểm, kỹ thuật, an toàn… được siết chặt, Sở Du lịch Đà Nẵng còn rà soát lại chứng chỉ nghiệp vụ du lịch của tất cả lái tàu, thuyền viên. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, một số tàu nhân lực ra vào thất thường nên xảy ra tình trạng thiếu chứng chỉ nghiệp vụ du lịch.

“Vừa rồi Sở đã mở khóa học cho những người còn thiếu chứng chỉ, tập trung vào khả năng giao tiếp, ứng xử, hướng dẫn du khách mang áo phao, các quy trình đảm bảo an toàn. Một số tàu phản ánh, nhờ lớp học sơ cấp cứu cho thuyền viên mà anh em đã cứu được rất nhiều du khách trong vụ chìm tàu vừa qua. Vì vậy, trong khóa học nghiệp vụ du lịch, Sở  đã bổ sung đào tạo thêm kỹ năng này”, ông Cường cho biết.

Sông Hàn, hai tuần sau sự cố… ảnh 2

Các tàu du lịch trên sông Hàn đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, an toàn hoạt động trở lại. Ảnh chụp đêm 14/6. Ảnh: Thanh Trần

Hiện tất cả các lái tàu, thuyền viên trên sông Hàn đã có chứng chỉ nghiệp vụ du lịch. Anh Nguyễn Khánh Trường, chủ tàu Biển Đảo Việt, cho biết: “Trước đây tui chỉ có chứng chỉ bơi lội, cứu hộ, bằng thuyền trưởng. 

Tưởng chừng đó là đủ cho hoạt động đưa khách đi lại trên sông nước, nhưng tham gia học nghiệp vụ du lịch mới phát hiện mình còn quá nhiều thiếu sót. Từ việc đón khách lên tàu, chở khách đi đều cần hiểu biết và kỹ năng, không thể áp dụng cảm tính của mình để hành xử trong du lịch được”.

Trong khi đó, anh Lê Văn Hoa, tàu du lịch Phú Quý xuất thân từ truyền thống bao đời theo nghiệp biển, khi gia đình quyết định đóng tàu làm du lịch, anh vội đi học ngay nghiệp vụ ngành này, sau đó còn học thêm chứng chỉ VTOS (Vietnam Tourism Occupational Skills Standards - Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) để phục vụ du khách tốt hơn. 

Anh chia sẻ: “Khách du lịch không phải là khách thường xuyên, có thể tới một lần và không bao giờ quay lại, tuy nhiên họ đòi hỏi rất cao. Tôi luôn nhắc anh em luôn luôn để ý tới thái độ của du khách, xem họ phản ứng như thế nào khi dùng dịch vụ của mình để khắc phục hoặc phát huy. Sau sự cố vừa rồi, nếu không phục vụ chuyên nghiệp thì du khách rất dễ “tẩy chay” du thuyền Đà Nẵng, ảnh hưởng không chỉ là các tàu đang hoạt động mà còn cả môi trường du lịch của thành phố”.

Những ngày này, anh Nguyễn Khánh Trường  vẫn đang gấp rút xin thủ tục để lập quầy bán vé. Trước đây, tàu anh chuyên hợp đồng với các đoàn khách, theo kiểu “đưa tiền, lên tàu” chứ không xuất vé ra. “Tàu đang xin thủ tục thành lập công ty, có con dấu  để bán vé ngay trước cầu tàu. Tôi nhận ra, trao cho khách tấm vé đầy đủ thông tin sẽ tạo được sự an tâm cho cả du khách lẫn chủ tàu, còn thể hiện sự chuyên nghiệp trong du lịch nữa”, anh nói.  

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết hiện tại còn 14 chiếc tàu du lịch trên sông Hàn chưa đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, thiết bị để phục vụ du khách. Sau sự cố chìm tàu đáng tiếc, Sở Du lịch liên tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các thuyền viên, kỹ năng ứng cứu, sơ cấp cứu cho du khách trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Liên quan vụ chìm tàu Thảo Vân 2 bị chìm trên sông Hàn, chiều ngày 17/6, Văn phòng Cơ quan CSĐT - PC44 (Công an TP Đà Nẵng) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với Võ Quốc Hùng (trú 162 Trần Phú, quận Hải Châu), chủ tàu Thảo Vân 2 và Nguyễn Ngọc Quân (trú 126 Trần Phú, Hải Châu) cùng về tội: “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

                Nguyễn Thành

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.