Sóng gió thương trường- Kỳ cuối: Mưu sâu kế hiểm

Vườn chè Xuân Trường.
Vườn chè Xuân Trường.
TP - Ngày 19/9, trước khi lên máy bay ở TPHCM để sang Trung Quốc khai mở thương trường cho trà Ô long Hà Linh, chị đăng tấm ảnh ăn sáng cùng bạn bè tại một khách sạn lên Facebook với lời chú thích đầy hứng khởi “thẳng tiến Quảng Đông”. Ít ai ngờ rằng chỉ vài ngày sau chị phải chết tức tưởi nơi xứ người.

Lật tẩy chiêu bẩn của các đối thủ cạnh tranh

Những tháng cuối năm 2014, hơn chục tờ báo, kênh truyền hình và website báo điện tử ở Đài Loan đưa tin chè Lâm Đồng trồng trên vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin. “Các bản tin và lời đồn ác ý này lan rất nhanh. Phía Đài Loan đã ách khoảng 70 container chè Ô long thành phẩm nhập khẩu từ Việt Nam lại để kiểm tra. Riêng công ty mình có 4 container với khoảng 11 tấn chè đã qua chế biến trị giá hơn 2 tỷ đồng chưa biết đến bao giờ mới được thông quan. Đó là chưa kể một số người mua chè của mình để xuất khẩu sang Đài Loan, nay cũng gặp cảnh dở khóc dở cười tương tự nên quay sang khất nợ. Không chỉ các doanh nghiệp điêu đứng, thua lỗ vì trà bị ách lại thời gian dài mà hàng ngàn hộ trồng chè lao đao”, ngày ấy chị Linh bức xúc nói với chúng tôi. 

Nhạy bén và am hiểu thương trường Đài Loan, chị Linh cho rằng đây là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ. Trên thế giới, trà Ô long chủ yếu sản xuất ở Đài Loan, Trung Quốc với năng suất bình quân 8 tấn/ha, cao nhất là 12 tấn/ha, thế nhưng Đà Lạt - Lâm Đồng đã đạt năng suất bình quân 15 tấn/ha, có vùng lên đến 18 tấn hoặc 20 tấn/ha. Việc sản xuất chè Ô long tại Việt Nam có lợi thế hơn hẳn Đài Loan nên giá cả cạnh tranh hơn. Có thể vì vậy mà một số người làm chè ở Đài Loan tung tin thất thiệt để hạ uy tín hòng khóa cánh cửa nhập khẩu chè Việt Nam vào Đài Loan.  

Chị đốc thúc Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Lâm Đồng và Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại TPHCM lên tiếng phản đối, đồng thời soạn văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng TƯ đề nghị có văn bản khẳng định vùng trồng chè của địa phương này không hề bị nhiễm dioxin thời chiến tranh. Mặt khác chị cùng đại diện của các cơ quan này gấp rút lên đường sang Đài Loan đưa ra các chứng lý phản bác việc đưa tin bịa đặt, ác ý; yêu cầu gỡ bỏ các thông tin thất thiệt; đề nghị các cơ quan chức năng kiểm nghiệm ngay các lô trà, nếu không nhiễm dioxin phải cho thông quan.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng, phụ nữ mà tiên phong sang tận xứ người để tranh đấu, không sợ sao? Linh đáp, biết là có thể nguy hiểm nhưng bị chơi xấu và o ép đến như vậy mà ngồi yên thì sẽ mất hẳn thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh. Trong khó khăn chung của những người làm trà Ô long Việt, bản thân mình có điều kiện thì tự lao vào mà tháo gỡ thôi.

Đến cuối tháng 11/2014, cơ quan chức năng Đài Loan thông báo chính thức trà Việt không nhiễm chất dioxin và cho thông quan hơn 70 container trà Ô long Việt đã bị ách lại từ mấy tháng trước. “Dẫu đã giải oan cho chè Việt nhưng việc kiểm tra của cơ quan chức năng Đài Loan đối với hàng nông sản nhập từ Việt Nam vẫn rất khắt khe. Mặt khác, người tiêu dùng Đài Loan vẫn còn tâm lý dè chừng, e ngại đối với các loại chè nhập khẩu từ Việt Nam”, chị Linh tâm tư.

Khốc liệt cuộc chiến thương trường

Tình hình trên cùng cuộc chia tay giữa hai vợ chồng mà hệ lụy là những mâu thuẫn về việc phân chia tài sản và thị trường bán hàng đã khiến việc xuất khẩu trà của Cty Hà Linh sang thị trường truyền thống Đài Loan gặp nhiều khó khăn. Theo người nhà của chị, có đối tượng thường xuyên gây áp lực ngáng đường làm ăn của chị ở Đài Loan. Một số đại lý tiêu thụ trà Ô long của Hà Linh ở Đài Loan bị hăm dọa nên không tiếp tục đặt hàng.

Người thân của chị cho biết gần đây chị than, làm ăn với đối tác nước ngoài khó hơn trước nhiều. Họ thường ghi nợ, thậm chí găm nợ… Nhiều đối tác nước ngoài đang nợ tiền của công ty. Theo luật sư Trương Quang Quý, người hỗ trợ pháp lý cho Cty TNHH Hà Linh, mươi ngày trước khi bay sang Trung Quốc, giám đốc Hà Linh có xuất 3 tấn trà Ô long kèm theo lô hàng của một công ty khác (Cty HaiYil) qua Trung Quốc nhưng chưa lấy được tiền.

Kho còn tồn mấy chục tấn trà đã qua chế biến, đợt thu hoạch chè kế tiếp của công ty và 40 hộ liên kết cũng cận kề. Do gặp khó khăn chồng chất ở thị trường truyền thống Đài Loan nên khi có người môi giới hợp tác làm ăn với đối tác Trung Quốc, Linh hồ hởi lao theo hướng này. Chị đã đàm phán và đạt được thỏa thuận làm ăn với đối tác đến từ Trung Quốc tại TPHCM và chuyến bay sang Trung Quốc lần này là để cụ thể hóa thỏa thuận giữa các bên.

Trước khi đi, giám đốc Linh giao cho luật sư Quý soạn thảo một hợp đồng kinh tế rồi dịch sang tiếng Trung Quốc. Hợp đồng có những điều khoản cụ thể về giá cả, lượng hàng nhưng mục khách hàng (bên mua) lại để trống. Khi luật sư thắc mắc về chuyện lạ lùng này, giám đốc giải thích khách hàng yêu cầu giữ bí mật, khi ký kết ở Trung Quốc sẽ ghi tên vào. Về lý do đơn thương độc mã đi thương thảo hợp đồng ở nước ngoài, giám đốc nói “người môi giới yêu cầu tôi đi một mình, nếu có người thứ hai họ sẽ không ký hợp đồng”. Rồi trấn an luật sư rằng, hãy yên tâm vì bà đi với một người quen.

Em gái của chị Linh là Hà Ngọc Hương kể, trước khi đi Trung Quốc, chị đã ghé thăm nhà Hương (xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt) và trò chuyện hơn một tiếng đồng hồ. Chị hồ hởi khoe chuyến đi này sẽ đàm phán với đối tác bên đó về tiêu thụ sản phẩm. Đối tác đề nghị cho họ góp vốn 20% vào Cty Hà Linh để làm ăn lâu dài. Tuy nhiên chị Linh không tiết lộ danh tính đối tác. Đau đớn làm sao khi chỉ mấy ngày sau gia đình nhận tin báo chị chết ở Trung Quốc.

Sóng gió thương trường- Kỳ cuối: Mưu sâu kế hiểm ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen cho giám đốc Hà Thúy Linh.

Theo công điện khẩn của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, bà Hà Thúy Linh được bạn hàng mời uống nước, sau đó bị hôn mê, cướp toàn bộ tài sản, hộ chiếu tại thôn Cửu Giang Thùy, thị trấn Thường Bình, thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Bà được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong vào sáng sớm ngày 22/9. Theo chẩn đoán y tế, bà Linh bị tổn thương tuyến tụy và vỡ trực tràng do ngoại lực tác động. Khi sang Trung Quốc, người nhà của chị được biết ít phút trước khi chết, chị tỉnh lại, nói với các y bác sĩ là đi cùng một bạn hàng vào một quán nước, sau đó mê man và bị đánh đập, bị cướp...

Hiện có nhiều luồng dư luận về nguyên nhân cái chết của nữ doanh nhân. Một số ý kiến cho rằng chị bị sát hại ở Trung Quốc vì liên quan đến việc chống chuyển giá và lật tẩy chiêu bẩn của các đối thủ cạnh tranh khi tung tin đồn chè Lâm Đồng nhiễm dioxin. Nhiều người cho rằng, đây không đơn thuần là vụ cướp tài sản mà là hành vi giết người: Bản hợp đồng giấu tên người mua, chuyến đi Quảng Đông một mình theo người môi giới là cái bẫy được giăng sẵn… Dư luận mong muốn các cơ quan điều tra của Trung Quốc và Việt Nam làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết đầy uẩn khúc của nữ giám đốc đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng.

Ban đầu gia đình dự định sẽ hỏa thiêu tại Trung Quốc rồi đưa tro cốt của chị về gửi tại một ngôi chùa ở Đà Lạt. Tuy nhiên, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM và Lâm Đồng quyết định hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để đưa thi thể chị về an táng tại Đà Lạt.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói chị là người đầy tâm huyết với ngành chè, góp nhiều công sức đưa trà Ô long thành sản phẩm trà tiêu biểu của Đà Lạt; xây dựng được mô hình liên kết rất tốt giữa doanh nghiệp với nông dân. Tỉnh chỉ đạo các ban ngành chức năng sẽ có phương án hỗ trợ để duy trì hoạt động công ty của chị và đảm bảo quyền lợi của hàng chục hộ nông dân liên kết.
MỚI - NÓNG