Những ngày đầu ấp ủ, manh nha cho ý tưởng kinh doanh này, ông đã tiên lượng được những khó khăn, thách thức đang chờ ở phía trước. Thế của ông lúc đó chẳng khác gì kiến đấu voi, nhưng qua phân tích, ông thấy, thứ vũ khí mà các đối thủ của ông không thể có đó chính là tinh thần dân tộc của người Việt.
Ông hẳn tin sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình, chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của người Việt Nam vốn luôn tuôn chảy dòng máu tự hào tự tôn dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử.
Từ niềm tin đó ông đã tìm ra cho mình những giải pháp kinh doanh hợp lý và từng bước mở rộng thị phần, khẳng định thương hiệu và đi đến đánh bại các nhà tư sản người Hoa, người Pháp... để được xưng tụng là “Chúa sông Bắc Kỳ”.'
Chỉ trong vòng 10 năm sau ngày thành lập, Đế chế Bạch Thái Bưởi có tới 30 tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan với những đội tàu mang tên Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… chạy hầu hết các tuyến sông miền Bắc, rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh. Kinh doanh vận tải đường sông và tiếp đến là kinh doanh hàng hải là lĩnh vực thành đạt nhất trong sự nghiệp của ông.
Mười năm sau, 1928, nhà tư sản dân tộc chuyển hướng sang kinh doanh than đá. Ông chuyển nhượng các hãng tàu để lấy vốn đầu tư khai thác than đá, mua lại hai hầm mỏ của người Pháp và một lần nữa ông đã thành công. Than của ông được thị trường nội địa tiêu thụ và xuất khẩu ra nhiều nước mà khách hàng chính lại là Pháp và Nhật.
Ông được tôn là “Vua mỏ”. Câu nói bình dị mà nổi tiếng của ông thời đó được lưu truyền: “Người Việt Nam, đi tàu Việt Nam”. Nó có phải là tiền đề của câu: “Người Việt dùng hàng Việt” bây giờ!
Và, một trăm lẻ năm năm sau, lớp hậu sinh của nhà tư sản lẫy lừng Bạch Thái Bưởi đã được trang bị đầy mình phương tiện, kiến thức và trên hết là được tự do kinh doanh trong một đất nước hòa bình thống nhất, chính trị ổn định, nhưng, công bằng mà nói, những thương hiệu hào sảng tầm Bạch Thái Bưởi còn quá thưa vắng. Từ hàng tiêu dùng cho đến các sản phẩm công nghiệp, công nghệ, chúng ta thua sút và có xu hướng nhập là chính.
Những sản phẩm “của nhà trồng được” đang xuất thô và bị nhiều thương hiệu nước ngoài đồng hóa. Một bức tranh tổng thể mà nhiều chuyên gia cảnh báo là những doanh nhân Việt đang loay hoay, bối rối, tụt hậu và thua ngay trên sân nhà. Có chua chát quá không, khi những nhà đầu tư nước ngoài mỉa mai rằng đầu tư vào Việt Nam họ phải sản xuất từ cái sạc pin đến ốc vít.
Một câu hỏi nhức nhối đặt ra, tại sao doanh nhân Bạch Thái Bưởi trong điều kiện bị chèn ép, thiếu thốn và bộn bề khó khăn nhưng vẫn cạnh tranh và chiến thắng các đối thủ người Hoa, người Pháp? Phải chăng, lớp doanh nhân hậu sinh của ông cạn ý chí, thiếu tầm nhìn và bầu nhiệt huyết cho một khát vọng khẳng định thương hiệu Việt đã và đang nguội lạnh?
Công bằng mà nói, trong hàng chục vạn doanh nhân hiện nay mỗi người đang có những nỗ lực khác nhau để mang lại những giá trị không chỉ cho bản thân mà cho nhiều người khác. Câu nói này của Walter Elias (đồng sáng lập Walt Disney) có thể có ích chăng trong ngày doanh nhân Việt: “Tất cả những giấc mơ đều có thể trở thành sự thật nếu chúng ta có đủ can đảm để theo đuổi chúng”.