Sóc Trăng với khát vọng phồn vinh

Chùa Dơi Sóc Trăng – một điểm đến du lịch nổi tiếng.
Chùa Dơi Sóc Trăng – một điểm đến du lịch nổi tiếng.
TP - Sóc Trăng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, anh hùng bất khuất. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nơi đây đã có 15.309 liệt sỹ, 49.355 người có công với cách mạng, trong đó có 2.177 mẹ Việt Nam Anh hùng; 49 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước, mảnh đất kiên trung này luôn khát vọng vươn lên, xóa bỏ đói nghèo, hướng tới sự phồn vinh.

Phát triển toàn diện

Đến với Sóc Trăng, nhiều người hết sức ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Hầu hết các con đường về nông thôn đã được bê tông và nhựa hóa, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông hàng hải, đường thủy nội địa cũng được đầu tư phát triển tạo điều kiện tốt cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngành công nghiệp Sóc Trăng cũng đạt được nhiều thành tựu cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 là 27.236 tỷ đồng. Tỷ trọng khu vực I, II, III lần lượt là 40,4% - 17,2% - 42,4%. Tăng trưởng của ngành công nghiệp vừa làm gia tăng giá trị kinh tế vừa tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Sóc Trăng.

Nổi bật trong giai đoạn này là cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp của tỉnh cũng có sự chuyển biến tích cực. Ngoài công nghiệp chế biến thủy sản giữ vai trò chủ lực, các ngành phụ trợ như: sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí gia công, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn bước đầu đã phát triển. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn luôn quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế và xuất khẩu. 

Còn nhớ, vào năm 1992, khi mới tái lập tỉnh, Sóc Trăng không có khu - cụm công nghiệp (CCN) tập trung, thì hiện nay các khu, CCN đã được hình thành đáp ứng hiệu quả nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, KCN An Nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy 86,88% diện tích quy hoạch cho thuê; KCN Trần Đề đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án với diện tích 122,95 ha. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã phê duyệt thành lập 7 CCN, tạo tiền đề để ngành công nghiệp-TTCN tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ngành Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều dự án phát triển điện trên địa bàn, nổi bật là dự án Trung tâm nhiệt điện Long Phú quy mô 3 nhà máy, hiện 1 nhà máy đang được xây dựng. Đến nay, toàn bộ lưới điện trung thế là 22 KV và lưới điện phân phối trung hạ thế tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi lớn trong cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất, đến nay đã hoàn thành mục tiêu 100% xã có điện. 

Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, nhiệm vụ chủ yếu của ngành Công Thương giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 là thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công thương thực hiện xanh hóa sản xuất, cụ thể gồm: 8 chương trình, dự án ưu tiên về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; 2 chương trình, dự án ưu tiên về xanh hóa sản xuất. Đây là chủ trương chung của ngành Công thương về phát triển công nghiệp sạch.

Với định hướng phát triển trên, ngành Công thương Sóc Trăng vẫn tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xanh hóa sản xuất đối với các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu mà tỉnh có thế mạnh (gồm sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm, cá, gạo, rau củ quả...) và các đặc sản truyền thống (bánh pía, lạp xưởng, khô...). Song song đó, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đang được các ngành, các cấp tập trung khuyến khích, hỗ trợ các dự án sớm đi vào hoạt động, tạo ra các sản phẩm năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời...). Tính đến nay, cả 13/13 vị trí được quy hoạch xây dựng nhà máy điện gió tại Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020 đều đã có nhà đầu tư đăng ký khảo sát, trong đó 2 nhà đầu tư đã được cấp chủ trương và 1 nhà đầu tư đã khởi công dự án vào tháng 01/2018; các nhà đầu tư còn lại đã khảo sát, đo gió và đang lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư. Về điện mặt trời, đến nay đã có 8 nhà đầu tư được chấp thuận cho nghiên cứu, khảo sát để lập dự án đầu tư.

Sóc Trăng với khát vọng phồn vinh ảnh 1 Ngày hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng.

Ðổi thay đến tận làng quê

Trong những năm qua, Sóc Trăng tập trung thực hiện tốt công tác dân tộc-tôn giáo; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 11,85%, giảm 3,47% so với năm 2016. Trong đó hộ nghèo người dân tộc Khmer là 17,95%, giảm 5% so với năm 2016. Năm 2017 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 25.579 người, vượt 8,85% kế hoạch, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin, có sự chuyển biến tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Tại thị xã miền biển Vĩnh Châu, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện đáng kể, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Cùng với những dự án trọng điểm về hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện do Trung ương hỗ trợ đầu tư, nhân dân đã thực hiện nhiều công trình phục vụ cộng đồng và cải tạo bộ mặt nông thôn. Ở xã Đại Tâm của huyện Mỹ Xuyên, nơi có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ông Trần Chín Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm, cho biết: Xã có  cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích gần 600 ha. Từ năm 2014, xã đưa bộ giống mới vào sản xuất cho lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha. Cùng với đồng lúa là vùng rau xanh, rộng hơn 100 ha. Đồng quê Đại Tâm thêm sống động bởi khu ao, đầm nuôi thủy sản. Những vựa tôm, cá tiền tỷ nơi đây được cấp nước bởi hệ thống kênh, mương có quy hoạch đồng bộ.

Sóc Trăng với khát vọng phồn vinh ảnh 2 Khu sản xuất tôm giống chất lượng cao tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vinh Châu..

Bên cạnh đó, Đại Tâm là xã có rất nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Hộ chăn nuôi bò sữa cũng có thu nhập tương đối ổn định. Hiện nay địa phương đang phát triển theo kế hoạch phát triển đàn bò sữa ở tỉnh, chuyển sang kết hợp giữa nuôi bò sữa và nuôi bò siêu thịt để tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân. Ngoài ra, người dân cũng phát triển mạnh về thương nghiệp, thương mại dịch vụ, cuộc sống người dân ngày càng ổn định, giàu có hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh-ông Trần Văn Chuyện cho biết: Những năm tiếp theo, để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ giải pháp và các khâu đột phá trên, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020; tăng cường công tác xúc tiến thương mại-đầu tư và huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đặc biệt là thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, để đưa Sóc Trăng sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.

Sóc Trăng với khát vọng phồn vinh ảnh 3
MỚI - NÓNG