Theo Vụ Kết cấu Hạ tầng (Bộ GTVT), các tuyến quốc lộ đang được nâng cấp, có lan can chắn hai bên đường nên hàng ăn, nhà hàng dọc đường khó tồn tại. Xây dựng các TDN (đúng quy chuẩn) sẽ tạo điều kiện cho kiểm soát thời gian lái xe khách (không quá 4 giờ liên tục), đảm bảo an toàn, mỹ quan giao thông.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh nói: “Tôi chờ quy hoạch này từ lâu. Không đâu như nước mình, dọc đường là hàng vạn quán cơm, phở, trông nhếch nhác vô cùng. Quán nào làm cơm ngon cho nhà xe là họ vào, không quan tâm hành khách ăn ra sao. Tuy nhiên, cái khó là huy động nguồn vốn để xây dựng”.
Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện cả nước có 7 TDN được công nhận; trong đó, 3 trạm được Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Tuy nhiên, 3 trạm này được giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý, lượng phương tiện hạn chế so với các trạm tư nhân. Vì thế, tư nhân hoá trong đầu tư và quản lý TDN sẽ là định hướng chính.
Hiện, có 42 TDN gần đạt tiêu chuẩn do tư nhân đầu tư. Trong quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, các địa phương hầu như đã xác định được nhà đầu tư. Để khuyến khích tư nhân đầu tư, Bộ GTVT đề nghị nhà nước miễn thuế đất, đầu tư một số hạng mục như bãi đỗ xe, khu vệ sinh. Về cơ chế vận hành, Vụ trưởng Vận tải Khuất Việt Hùng cho biết, hiện chưa thể bắt buộc xe khách vào TDN. Về lâu dài, sẽ có các biện pháp để đảm bảo cho hoạt động vận tải khi vào các TDN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh khuyến cáo, Bộ GTVT cần xây dựng cơ chế kiểm soát về giá để phòng ngừa các TDN độc quyền trong dịch vụ, thành các điểm “cơm tù” quy mô lớn.