“Sẽ kháng cáo vụ Nữ hoàng Biển”

Cục NTBD sẽ kháng cáo và có thể sẽ kiện ngược Cty được cấp phép tổ chức Nữ hoàng Biển
Cục NTBD sẽ kháng cáo và có thể sẽ kiện ngược Cty được cấp phép tổ chức Nữ hoàng Biển
TP - Bị xử thua trong vụ kiện Nữ hoàng Biển, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết sẽ kháng án lên Tòa án nhân dân tối cao.

Còn Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, đây là vụ việc thú vị, ý nghĩa - nhân Hội nghị tổng kết một năm ra đời Nghị định và Thông tư về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, diễn ra sáng 21/3 tại Hà Nội.

Sẽ kháng cáo

Thông tin Cục NTBD bị xử thua trong vụ kiện với Cty Rồng Việt xôn xao mấy ngày qua. Trước đây, đại diện Cục từng rất tự tin về quyết định thu hồi giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng Biển từng cấp trước đó cho Rồng Việt. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn trong vai trò chủ trì hội nghị sáng 21/3 khích lệ Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương tranh thủ diễn đàn để cung cấp thêm thông tin về phiên tòa sơ thẩm hôm 18/3.

“Trong Hiến pháp, trong Luật Hành chính và Luật Tổ chức bộ máy đã nêu rõ: Đơn vị vào cấp giấy phép thì đơn vị đó thu hồi nếu các đơn vị tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Điều 4, mục 4 của NĐ 79 cũng nêu rất rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp, thu hồi giấy phép”, ông Chương khẳng định.

Cục trưởng cũng cho rằng, hội đồng xét xử của tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa “cố ý bẻ cong các quy định của pháp luật”, “không hề đả động tới 5 sai phạm nghiêm trọng của đơn vị tổ chức”, mà chỉ thụ lý vụ việc có rút giấy phép hay không. Đây là kịch bản mà Cục đã tiên lượng.

Ông Chương miêu tả chánh án tại buổi xét xử “tay cầm tờ giấy run run, mặt nhợt nhạt đi, tuyên án xong về phòng đóng chặt cửa, không trả lời phỏng vấn”.

Sau phiên xử hôm 18/3, Rồng Việt thông báo có thể kiện Cục NTBD đòi bồi thường thiệt hại tiền tỷ, do việc rút giấy phép gây ra. Còn Cục khẳng định sẽ kháng cáo lên tòa án tối cao sớm nhất.

Ông Chương nói, không bao giờ có nghị định nào lại ghi cụ thể Cục NTBD có vai trò thu hồi giấy phép. Thực tế, đây là cơ quan quản lý về nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm trong lĩnh vực này. Nếu Thông tư hướng dẫn có quy định chi tiết hơn, sẽ không có vụ kiện ầm ĩ này. Mà văn bản luật về biểu diễn nghệ thuật, thời trang cũng do cán bộ Cục NTBD thảo ra. Đại diện Cục cũng khẳng định, năm nay sẽ sửa ngay Thông tư 03, và tiến hành xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, trình Quốc hội vào năm 2015.

Tuổi thọ ngắn

Nghị định 79 về hoạt động biểu diễn và trình diễn thời trang ban hành ngày 5/10/2012, có hiệu lực từ 1/1/2013. Bộ VHTT&DL ban hành Thông tư 03 quy định chi tiết một số điều của Nghị định, hiệu lực thi hành từ 15/3/2013. Trong hội nghị sáng 21/3, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn chỉ ra: Đây là hành lang pháp lý rất quan trọng để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa.

Tuy nhiên, ông Hồ Anh Tuấn thừa nhận: “Trong quá trình triển khai thông tư, nghị định xuất hiện những bất cập, tôi đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ (Cục NTBD, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ) phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến. Sắp tới, chúng tôi đề nghị sửa Thông tư 03. Trong quá trình chỉnh sửa, nếu có vướng mắc gì về Nghị định 79, yêu cầu cơ quan chức năng của Bộ đề nghị với chính phủ cho sửa Nghị định phù hợp hơn”.

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) chỉ ra những bất cập: Cần có quy định về cấm cho mượn, cho thuê giấy phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và có chế tài cụ thể hành vi này để có cơ sở xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về thời hạn thẩm định cấp giấy phép theo quy định 5 ngày làm việc, thời hạn trả lời văn bản thông báo là quá ngắn, gây bất cập: Sở VHTT&DL- nơi tiếp nhận và tổ chức biểu diễn không biết được nội dung, nhiều chương trình diễn ra không đúng hồ sơ cấp phép, chất lượng không đảm bảo. Hay Nghị định 79 quy định chương trình phải được Hội đồng nghệ thuật duyệt, nhưng lại chưa có Quy chế hoạt động của Hội đồng nghệ thuật.

Đại diện nhiều sở VHTT&DL cũng chung quan điểm về sự thiếu chặt chẽ, cụ thể của những văn bản này. “Hiện nay nói là sơ hở thì chưa hẳn, nhưng nhìn kỹ thì đã xảy ra vụ việc đáng tiếc. Như vụ kiện cáo Nữ hoàng Biển tạo ra dư luận không tốt về luật pháp, giữa người thực thi luật pháp và cơ quan quản lý nhà nước. Phải chăng nên rà soát xem Cục cấp phép nhưng việc thu hồi giấy phép có nên thuộc Cục hay là thuộc về Thanh tra Bộ. Nếu nơi tổ chức mà có sai phạm thì thu hồi giấy phép là hợp lý, nhưng cũng nên xác định rõ cơ quan nào có chức năng đó”- NSND Mai Tư, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa.

“Văn bản mới được hơn một năm mà đã phải sửa đổi rồi. Đây là điều mà các cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản, lãnh đạo Bộ phải rút kinh nghiệm. Lần sửa tới, cần quan tâm Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về việc hội nhập rất toàn diện: Công tác quản lý cũng phải sửa đổi cho phù hợp, toàn diện và sâu sắc hơn. Tôi rất sợ là nếu chúng ta vẫn giữ tư duy cũ”, ông Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

“Việc doanh nghiệp kiện các cơ quan quản lý nhà nước là chuyện bình thường. Điều này hết sức thú vị, ý nghĩa và cần thiết trong cuộc sống dân chủ hiện nay. 

Thông qua việc này, nếu có gì sai, sơ hở sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tự hoàn thiện mình để phục vụ tốt hơn; đồng thời để xã hội hiểu biết hơn về pháp luật, vì có những người kiện mà không hiểu rõ pháp luật, tôi chưa nói trường hợp cố tình. Lãnh đạo Bộ tiếp tục theo dõi diễn biến, nếu Cục NTBD làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước Bộ, trước pháp luật, còn doanh nghiệp sai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Thứ trưởng 

Hồ Anh Tuấn

MỚI - NÓNG