Sẽ cưỡng chế, di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt trượt ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 2 vụ sạt lở liên tiếp trong vòng 5 ngày ở cùng một thôn khiến 3 người thương vong, UBND tỉnh Lâm Đồng ra công điện hỏa tốc về việc chủ động phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Sẽ cưỡng chế, di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt trượt ở Lâm Đồng ảnh 1

Khu vực bị sạt lở khiến 2 người thương vong vào ngày 20/7

Ngày 21/7, UBND tỉnh Lâm Đồng có công điện hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành chức năng về việc chủ động phòng, chống sạt lở trong mùa mưa bão.

Theo UBND tỉnh, do mưa lớn kéo dài trong thời gian qua, một số tuyến đường xảy ra tình trạng sạt lở đất làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân.

Sẽ cưỡng chế, di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt trượt ở Lâm Đồng ảnh 2

Lực lượng chức năng giải phóng đất đá bị sạt lở xuống đường, phục hồi việc lưu thông trên quốc lộ 27 vào đêm 20/7

Mặt khác, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo trong những ngày tới, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã hình thành và có khả năng mạnh lên thành bão gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai.

Đối với huyện Đam Rông, địa phương vừa liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở ở thôn Trung tâm (xã Đạ K’Nàng), huyện phải tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả sự cố; kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân xảy ra sạt lở để rút kinh nghiệm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới liên tiếp xảy ra sạt lở làm chết người.

Huyện Đam Rông khẩn trương cưỡng chế di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để tránh trú tạm thời; tuyệt đối không được tự ý quay về khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có chức năng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khẩn trương tập trung huy động các y bác sỹ, máy móc, trang thiết bị, thuốc men và tập trung cứu chữa nạn nhân bị thương đảm bảo kịp thời, với các điều kiện tốt nhất.

UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc được giao chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm và tuyệt đối không để người dân tiếp tục cư trú tại các khu vực có nguy cơ sạt trượt. Đối với những hộ không chấp hành phải cưỡng chế di dời.

Tại những khu vực gần các vị trí có nguy cơ sạt trượt, cần vận động người dân tạm thời tránh trú tại nhà người thân để đảm bảo an toàn, nhất là vào ban đêm; đồng thời, chính quyền địa phương chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Các huyện, thành phố phải thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết để cảnh báo kịp thời đến người dân tại các khu vực có mưa lớn, nhất là các hộ dân ở khu vực sườn dốc, mái taluy cao, gần sông, suối...; phát huy hiệu quả lực lượng xung kích tại địa phương theo phương châm “ba sẵn sàng”, tổ chức trực ban 24/24h trong những ngày mưa bão để kịp thời ứng phó sự cố có thể xảy ra.

MỚI - NÓNG
Dừng tàu chở khách du lịch Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn
Dừng tàu chở khách du lịch Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn
TPO - Ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chỉ đạo ứng phó với bão YAGI (bão số 3), trong đó có các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch đi tham quan trên các đảo trong ngày xảy ra mưa bão; dừng hoạt động tàu, phà giữa bờ và các đảo.