Minh bạch tiền ngân sách
Điểm mới nhất trong văn bản Cục Quản lý Công sản xây dựng để Bộ Tài chính trình Chính phủ là gì, thưa ông?
Bản trình mới nhất (cuối tháng 10/2014) khác xa so với dự thảo mô hình áp dụng ban đầu và văn bản dự kiến cách đây 1 năm. Theo tờ trình mới, đơn vị mua sắm tập trung chỉ làm một số việc, như tổng hợp lại nhu cầu của các đơn vị (năm nay cần mua bao nhiêu tài sản, loại gì). Trên cơ sở nhu cầu đó, theo Luật Đấu thầu, sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp.
Sau khi đã lựa chọn xong, giá cả phù hợp nhất, nhà cung cấp sẽ ký một thỏa thuận khung với nhà cung cấp đó. Từ thỏa thuận khung đó, đơn vị trực tiếp thụ hưởng tài sản sẽ ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp để nhận hàng, tiếp nhận các dịch vụ sau bán hàng. Tiền tiết kiệm được từ hình thức mua sắm, đơn vị được thụ hưởng sử dụng theo quy định pháp luật. Ở đây, đơn vị mua sắm tập trung không trực tiếp “liên quan” tới tiền và không phân phát tài sản. Làm theo cách thức này sẽ đáp ứng yêu cầu tăng cường mua sắm tập trung với nhiều mặt hàng mà theo cách thức cũ không thể làm được.
Mua sắm riêng lẻ, đơn vị chủ động và có nhiều cơ hội chọn hơn, tại sao Bộ Tài chính muốn đưa đề án “Mua sắm tập trung” áp dụng cho toàn quốc?
Đầu tiên là để kiểm soát được tiêu chuẩn định mức và chế độ quản lý sử dụng tài sản của nhà nước. Đơn vị mua sắm tập trung tách biệt hoàn toàn với đơn vị sử dụng tài sản, nên ít bị chi phối bởi các yếu tố khác. Các bên cứ đúng tiêu chuẩn, định mức để mua.
Thứ hai, sẽ công khai, minh bạch không xé lẻ để mua sắm trực tiếp hay chỉ định thầu. Ngoài ra, tiết kiệm rất lớn về chi phí nhân lực và tiền liên quan đến mua sắm tập trung. Hiện cả nước mua xấp xỉ 2.000 ô tô các loại, nếu mua sắm cách thức thông thường, nhiều nhất có từng ấy cuộc đấu thầu, ít cũng khoảng 1.000 gói thầu. Nếu áp dụng mô hình mới chỉ có một cuộc đấu thầu. Cuối cùng, cách mua sắm công mới sẽ tiết giảm các nhu cầu không cần thiết hay nói chính xác là “nhu cầu ảo” mà nhiều đơn vị đã tự “vẽ” ra.
ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục phó Quản lý Công sản (Bộ Tài chính).
Liệu có phát sinh độc quyền?
Công khai và quy về một đầu mối mua sắm, liệu có gặp khó khăn nào khi thực hiện?
Trong dự thảo quy định, đơn vị mua sắm sẽ thành lập tổ chuyên gia, mời các tổ chức đơn vị liên quan và chuyên gia trong lĩnh vực. Ngoài ra lấy ý kiến của các đơn vị chuyên ngành như y tế, giáo dục (cho thiết bị y tế, giáo dục chẳng hạn) bằng văn bản. Quan trọng nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật của mặt hàng, trước khi lập dự toán phải công bố. Việc mua sắm tập trung đã đưa vào Luật đấu thầu. Song lộ trình triển khai tùy thuộc tình hình thực tế. Vẫn còn điều quan ngại, liệu nhân lực có đáp ứng được hay không.
Liệu có phát sinh độc quyền khi tập trung về một mối, thưa ông?
Nói về việc mua sắm tập trung có dẫn tới độc quyền, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Không có độc quyền, thậm chí đây mới gọi là công khai minh bạch cho từng đơn vị mua sắm. Mô hình mua sắm công lập ra rất dễ kiểm soát, việc đấu thầu lô lớn sẽ khiến chi phí giá rẻ hơn. Tới đây khi vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương sẽ là một điều kiện bắt buộc”.
Các đơn vị khảo sát rất kỹ tình hình thị trường, năng lực nhà cung cấp mặt hàng liên quan. Theo dự thảo quy định, không được chia gói thầu, bố trí dự toán từng lần mua sắm không đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Ví dụ đưa ra tiêu chí với số lượng lớn mà một nhà cung cấp đáp ứng được, chắc chắn có vấn đề. Nói chung, mua sắm tập trung cần nghiên cứu kỹ thị trường, phân chia gói thầu phù hợp. Bên cạnh đó, có cơ chế giám sát các đơn vị được giao mua sắm tập trung.
Nguyên tắc trong dự thảo Bộ Tài chính trình Thủ tướng là không tăng biên chế hành chính. Các bộ, ngành có trung tâm mua sắm sẽ giao cho cơ quan đó quản lý. Những nơi không có trung tâm sẽ có cơ quan kiêm nhiệm.
Vậy các khoản “hoa hồng” và ưu đãi của nhà cung cấp nếu có, sẽ xử lý thế nào?
Kinh nghiệm của các nước đã làm cho thấy, mua sắm tập trung sẽ tiết kiệm được 20% so với các hình thức thông thường. Hiện chúng tôi chưa có số liệu điều tra cụ thể về lãng phí thông qua “hoa hồng”. Tuy nhiên, con số chắc không nhỏ. Tới đây, quy định các khoản “hoa hồng” là nguồn thu ngân sách và phải công khai để dư luận và cơ quan chức năng giám sát. Tất cả nhu cầu kết quả công khai trên phương tiện truyền thông.
Liệu có “vừa đá bóng, vừa thổi còi” không khi Cục vừa là cơ quan quản lý tài sản công lại vừa nắm đơn vị mua sắm tập trung?
Về mặt cơ quan quản lý nhà nước, Cục sẽ tham mưu cho Bộ quy trình mua sắm tập trung về các bước thực hiện, thời hạn, mẫu biểu liên quan, để các bộ, ngành có căn cứ thực hiện. Hiện đã có các cuộc tập huấn cho các đơn vị mua sắm tập trung. Mua bán cụ thể, Cục sẽ có đơn vị độc lập, có tư cách pháp nhân, liên quan đến nhiệm vụ mua sắm công. Trung tâm này đã có các bước chuẩn bị liên quan để tổ chức thực hiện theo quy định.
Thực ra chúng ta không tự làm, mà đây là học các nước quản lý ngân sách tốt như Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc... đã áp dụng mô hình này. Theo kinh nghiệm quốc tế, cụ thể tại Anh, có mặt hàng mua sắm tập trung mới thấy giá bị tố cao hơn tới 130%, còn loại chênh lệch giảm tới vài chục % thì nhiều. Về kiểm soát, nếu mua tập trung, thủ trưởng đơn vị sẽ bị giám sát nhiều phía, bởi sẽ công khai tất cả mọi thứ.
Cảm ơn ông!
Theo Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, đây là một biện pháp tốt tiết kiệm chi phí và chống lãng phí; tiết kiệm tài sản ngân sách Quốc gia. Mô hình này nên sớm áp dụng. Về e ngại tính minh bạch, ông Kiêm lưu ý đã có cơ chế kiểm soát kiểm toán bằng chứng từ “buộc chắc” đường đi của dòng tiền và tài sản.