Chính Phủ họp thường kỳ tháng 5/2014:

Sẽ có chính sách hỗ trợ ngư dân cực lớn

Tàu cá ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản. Ảnh: Vne
Tàu cá ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản. Ảnh: Vne
TPO - Hôm nay, tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2014, Chính phủ đã thông qua những nguyên tắc cơ bản dự thảo Nghị định phát triển thủy sản với những chính sách ưu đãi đặc biệt giúp ngư dân vươn khơi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện nay phát triển thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại như phần lớn tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ, vỏ gỗ, máy móc cũ, lạc hậu, công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu rất thô sơ, chủ yếu bảo quản bằng nước đá cây, do đó, ít tàu có khả năng khai thác xa bờ, rủi ro lớn khi có thiên tại, địch hại, chi phí sản xuất cao, tổn thất sau khai thác lớn (khoảng 20-25%), giảm đáng kể hiệu quả đi biển của ngư dân.

Thông tin liên lạc phục vụ sản xuất trên biển những năm qua có tiến bộ song phần lớn tàu khai thác hải sản xa bờ chưa được trang bị đồng bộ hệ thống thông tin.

Trên cơ sở này, Bộ NN&PTNT đề nghị Nghị định tập hợp, quy định rõ và mạnh hơn các chính sách đầu tư và quan trọng theo hướng nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho cảng cá loại I, tất cả các khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản…; đầu tư 100% kinh phí xây dựng toàn bộ hạng mục hạ tầng cảng cá, khu neo đậu ở các đảo.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất chính sách tín dụng mới so với chính sách hiện có. Đó là giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Nhóm chính sách này quy định 2 vấn đề: Cho vay đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản…; cho vay ngắn hạn vốn lưu động sản xuất trên biển.

Cụ thể, chính sách tín dụng đối với vay vốn trung, dài hạn cho đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản có  hạn mức vay 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 70% giá trị dự án vay đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị).

Thời hạn vay là 10 năm đối với tàu vỏ thép, 7 năm đối với tàu vỏ gỗ. Lãi suất tối đã 3%/năm, thời gian ân hạn 1 năm; tài sản thế chấp được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay.

Ngoài ra, chính sách bảo hiểm mở rộng cả đối tượng và phạm vi áp dụng nhằm khuyến khích, giảm rủi ro cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ, tăng cường sự hiện diện dân sự trên các vùng biển chủ quyền. Theo đó hỗ trợ hàng nắm 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người  cho thuyền viên trên tàu khai thác hải sản xã bờ, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ là thành viên các tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.

Thảo luận về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, chính sách này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền. Ngoài ra, cần tổ chức tại đánh bắt và hậu cần nghề cá.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến bày tỏ lo lăng về xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay, dự phòng các trường hợp Chính phủ phải xử lý. “Chương trình cho vay đánh bắt xa bờ trước đây nợ quá hạn trên 70%. Đây là chương trình rủi ro lớn nên nguyên tắc xử lý rủi ro phải đề cập rõ hơn”, ông Tiến góp ý.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng bày tỏ hoàn toàn đồng tình với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho ngư dân và cho rằng chính sách đánh bắt xa bờ phải ra Hoàng Sa, Trường Sa, tàu phải trên 1.000 CV trở lên. Lãi suất 3% là đáp ứng được yêu cầu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý bổ sung đối tượng là HTX và DN được vay ưu đãi để đóng tàu rồi cho ngư dân thuê.

 Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý với những đề xuất của Bộ NN&PTNT. Thủ tướng khẳng định, những ngư dân yêu nghề bám biển không có vốn thì nhà nước hỗ trợ, làm sao chính sách khuyến khích nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ. “Quan trọng nhất là chính sách tín dụng và bảo hiểm, tín dụng cao quá thì ai đóng tàu nổi, do vậy cho thế chấp bằng con tàu đã được hỗ trợ mua bảo hiểm”, Thủ tướng nói.

Cần 30.000 tỷ đồng

Bộ NN&PTNT tính toán sơ bộ nguồn lực tài chính thực hiện đề xuất theo nghị định dựa trên số liệu tàu cá hiện có là 117.116 tàu, trong đó tàu cá xa bờ (trên 90 CV) có 28.561 tàu. Theo đó, ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, trạm bờ và trang thiết bị thông tin đầu cuối trên tàu khai thác hải sản, hạ tầng sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2015-2020 là 20.000 tỉ đồng; nguồn vốn tín dụng cho vay lãi suất thấp là 10.000 tỉ đồng.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.