SCIC tham gia tái cấu trúc ở những doanh nghiệp vang bóng một thời

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh thúc đẩy, làm tốt hơn các khoản đầu tư ở các DN triển vọng, SCIC còn tham gia tái cấu trúc ở những DN từng vang bóng một thời.

Giúp doanh nghiệp lội ngược dòng

3 năm trước có lẽ chẳng ai nghĩ TCT Sông Đà có khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tỷ lệ 8- 10% thì ngay cả người lạc quan nhất trong doanh nghiệp cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Bởi vì tại thời điểm chuyển giao vốn nhà nước về SCIC (8/2020), Tổng công ty Sông Đà đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá trị dở dang, công nợ lớn do một số công trình đã nghiệm thu, đưa vào vận hành nhưng chủ đầu tư chưa thu xếp đủ vốn để thanh toán. Khả năng thanh toán thấp, đặc biệt là một số khoản nợ đến hạn, nguy cơ mất khả năng thanh toán rất cao.

SCIC tham gia tái cấu trúc ở những doanh nghiệp vang bóng một thời ảnh 1

Một chương trình “khám bệnh” tổng thể được cổ đông lớn SCIC và Sông Đà thực hiện sau đó đã đưa ra nhiều giải pháp tái cấu trúc quyết liệt mà TCT phải thực hiện.

Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị TCT sông Đà cho biết “Tổng công ty đã tập trung nguồn lực vào 02 ngành kinh doanh chính gồm Tổng thầu xây lắp, tổng thầu EPC và Sản xuất. Đồng thời, thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp để tránh dàn trải”.

SCIC đã yêu cầu Sông Đà và người đại diện vốn tại các đơn vị có vốn góp củng cố hoạt động thi công các công trình hầm, thuỷ điện; mở rộng hoạt động thông qua tìm kiếm các dự án mới ở nước ngoài; từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại một số đơn vị xây lắp để có thể thi công các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, khu công nghiệp, nhà dân dụng...

Đối với các doanh nghiệp sở hữu thuỷ điện, SCIC yêu cầu các doanh nghiệp này vận hành hiệu quả các nhà máy hiện có, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và nghiên cứu các dự án mở rộng công suất phát điện của các thuỷ điện hiện hữu.

SCIC tham gia tái cấu trúc ở những doanh nghiệp vang bóng một thời ảnh 2

Nhóm giải pháp cơ cấu tài chính (tập trung thu hồi công nợ, cổ tức và tái cấu trúc một số khoản đầu tư), bán khoản đầu tư, khai thác các công cụ tài chính để thu xếp dòng tiền thanh toán nợ, đặc biệt là xử lý khoản nợ trái phiếu từ năm 2017 có dư nợ gốc là 1.040 tỷ đồng được triển khai.

Trong đó, thương vụ bán 36,65% cổ phần tại Sudico (41,7 triệu cổ phiếu SJS), với giá 102.000 đồng/cổ phiếu giúp Sông Đà thu được 4.258 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi hơn 3.386 tỷ đồng so với tổng giá trị vốn đầu tư.

Từ năm 2022 đến nay, Sông Đà luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh, chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Bên cạnh đó, nhiều đầu việc quan trọng đang dần hoàn thành như quyết toán cổ phần hóa, nghiệm thu thanh quyết toán các công trình lớn, có thêm nhiều hợp đồng mới… Ông Tuấn cho biết, năm 2024, giá trị các hợp đồng mới dự kiến đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn bằng nhiều giải pháp tổng thể

Nhìn rộng hơn bức tranh tái cơ cấu các doanh nghiệp sau khi SCIC tiếp nhận vốn, có thể kể đến những cái tên như Tập đoàn Dệt may – Vinatex, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng – Licogi, Tổng công ty Thép Việt Nam…

SCIC tham gia tái cấu trúc ở những doanh nghiệp vang bóng một thời ảnh 3

Lấy ví dụ tại Seaprodex, từ những giải pháp quyết liệt để cải thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, định hướng chiến lược phát triển và sát sao chỉ đạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Seaprodex đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về chỉ tiêu lợi nhuận, về quản trị tài chính lành mạnh. Năm 2023, Seaprodex ghi nhận tổng doanh thu 84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 75,7 tỷ đồng. Công ty có tổng tài sản 1.969 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, trong khi nợ chưa đến 80 tỷ đồng.

SCIC cũng đã chủ động xây dựng và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phương án cơ cấu xử lý 02 dự án trong 12 đại dự án thuộc ngành Công thương: CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco), dự án Tisco 2 và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Những khó khăn của Vietnam Airlines trước cú sốc Covid-19 cũng đã phần nào được tháo gỡ bằng nỗ lực của SCIC khi triển khai giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ.

Thúc đẩy quản trị hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hồng Long, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, sắp xếp, tái cơ cấu là bắt buộc để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nhiệm vụ của tái cơ cấu phải đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Cái khó của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là phải chịu nhiều quy định khắt khe cả về đầu tư và quản trị tài chính. Quy trình, thủ tục phê duyệt kiến nghị, đề xuất kéo dài.

Chẳng hạn như tại Tổng Công ty Sông Đà, hiện doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn tất công tác quyết toán cổ phần hóa.

Dù vậy, cổ đông lớn SCIC và các doanh nghiệp không vì thế mà chùn tay trước các thách thức. Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp được SCIC tham gia tái cơ cấu thành công đã cho thấy, khi có quyết tâm thực hiện, các bên liên quan đều có thể tìm được ra con đường để xử lý các khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận, các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư cần tiếp tục được triển khai, mới có thể kỳ vọng đem đến sức sống mới cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội lội ngược dòng, từ đó bảo toàn và gia tăng giá trị đồng vốn nhà nước.

Những kinh nghiệm tái cơ cấu doanh nghiệp thành công đang được SCIC quyết liệt triển khai ở nhiều doanh nghiệp với sự trao đổi, thảo luận, thống nhất và được đồng thuận ở nhiều cuộc họp đại hội cổ đông 2024 của các doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG