"Cởi mở" với văn hóa thần tượng của giới trẻ
Cũng là một khán giả trẻ đi xem concert Born Pink của nhóm nhạc nổi tiếng BlackPink vừa qua tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, bạn Phạm Thành Trung (SN 1997, ở Đống Đa, Hà Nội) quan niệm, trong cuộc sống hiện đại, mỗi người đều có những sở thích, đam mê riêng. Chính vì thế, việc có những thần tượng cho riêng mình để phấn đấu và theo đuổi là một điều đáng quý. Việc có thần tượng hoàn toàn là điều tốt nếu chúng ta biết hâm mộ một cách đúng đắn bởi điều đó không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần, giải trí mà còn phù hợp với lối sống hiện nay.
Theo Trung, chính những thần tượng, người có tài năng, có phẩm chất tốt sẽ là tấm gương để bản thân những người hâm hộ không ngừng cố gắng và hoàn thiện mình tốt hơn.
"Tuy nhiên, việc mù quáng chạy theo thần tượng hay phóng đại thần tượng quá mức đang dẫn tới sự mê muội thần tượng, thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thậm chí là thiếu văn hóa, gây ra những hậu quả khôn lường. Đó có lẽ chính là lý do khiến các thế hệ trước, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x chê trách “văn hóa” này trong một bộ phận giới trẻ hiện nay", Trung nói.
Dẫu vậy, chàng trai 9x mong các thế hệ trước cũng cần nhìn nhận vấn đề này theo một cách thoải mái hơn khi văn hoá “cuồng thần tượng” ngày nay đã có nhiều khác biệt. Không bỏ bê học hành, thời gian, sức khỏe để chạy theo thần tượng, nhiều bạn trẻ hiện nay “đu idol” một cách lành mạnh hơn bằng việc tổ chức hội nhóm, có quy định rõ ràng trong việc ủng hộ hay cổ vũ idol, không làm phiền các thần tượng và những người khác.
Bạn trẻ diện thời trang hồng - đen tại concert của BlackPink ngày 29 - 30/7 ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Trọng Tài |
Tránh ảnh hưởng tâm lý chỉ vì... "cuồng thần tượng"
Nói đến một số bạn trẻ thần tượng hóa, xem idol như "hình mẫu hoàn hảo", bạn Nguyễn Thị Hạnh (SN 1999, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, điều đó sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ. Bởi, cuồng hóa thần tượng thường dẫn đến sự cạnh tranh giữa các fandom (cộng đồng người hâm mộ thần tượng) của các nghệ sĩ khác nhau và có thể tạo ra các cuộc tranh luận gay gắt. Điều này dẫn đến làm tổn thương tinh thần và gây ra căng thẳng trong cộng đồng người hâm mộ.
"Mình thấy một số bạn trẻ xung quanh cuồng thần tượng dẫn đến việc dành sự theo dõi quá mức đến thần tượng, bỏ lỡ các hoạt động quan trọng khác trong cuộc sống, cô lập với những người không cùng thần tượng.
Khi cuồng thần tượng, phần nào khiến bạn trẻ mất đi sự sáng suốt lý trí, dễ bất chấp, sẵn sàng làm tổn thương, gây nguy hại để thỏa mãn chứng "cuồng" đó", Hạnh bày tỏ.
Về việc một số bạn trẻ vay tiền, dành cả tháng lương để "đu idol" BlackPink, Hạnh cho rằng, nếu khoản tiền đó thuộc khả năng chi trả hoặc cân đối, cân bằng các nhu cầu sinh hoạt của bạn trẻ, tiết kiệm 1 tháng để phục vụ nhu cầu giải trí thì cũng không có gì đáng bị phê phán.
Tour lưu diễn toàn cầu Born Pink của BlackPink thu hút đông đảo khán giả trẻ. |
"Định tính" nhu cầu thần tượng
Có thể hiểu, "định tính" nhu cầu thần tượng là cách mô tả và đánh giá mức độ và tính chất của nhu cầu, hoặc mong muốn, của một cá nhân hoặc một nhóm người đối với việc thần tượng các nghệ sĩ, ngôi sao, nhân vật nổi tiếng, hoặc nhóm nhạc. Khi nói về định tính nhu cầu thần tượng, có các yếu tố tâm lý và xã hội tác động đến mức độ và tính chất của sự hâm mộ như động cơ: cảm hứng từ thành công và tài năng của nghệ sĩ, sự tương phản với cuộc sống hàng ngày, nhu cầu tìm kiếm niềm vui, mức độ sự hâm mộ, loại hình thần tượng hóa: tìm hiểu về họ, theo dõi các hoạt động và sự kiện của họ, mua hàng hóa liên quan đến họ, hoặc tham gia cộng đồng người hâm mộ, tính chất của cảm xúc: niềm vui, hạnh phúc, tự hào, sự phấn khích, nhưng cũng có thể có cảm giác bị thất vọng nếu nghệ sĩ không đáp ứng kỳ vọng.
Nhóm nhạc BlackPink "gây sốt" truyền thông những ngày qua. |
Chia sẻ về vấn đề này dưới góc nhìn tâm lý, anh Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM) đã dẫn ví dụ về chính mình.
"Trước đây, tôi từng ý kiến nhiều về việc "đu idol" khi thấy các bạn tập trung kín ở sân bay, khách sạn. Tôi cũng không hiểu tại sao có người sẵn sàng bỏ chục triệu để đứng giữa đám đông xem thần tượng biểu diễn, trong khi ở nhà mát mẻ, xem qua video rõ nét, còn miễn phí.
Nhưng rồi, có một lần, tôi quyết định ra quán ngồi xem trận chung kết bóng đá, cảm xúc rần rần chạy dọc sống lưng khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn và chiến thắng. Đó là những thứ mà khi ngồi ở nhà, dù mát mẻ, thoải mái, không có được. Từ đó tôi mới nhận ra, mỗi người có một cách vui riêng. Niềm vui có sự đánh đổi bằng tiền, bằng công sức, bằng mồ hôi, nhưng quan trọng là đời sống tinh thần được thỏa mãn. Đó là điều không thể định lượng", anh An kể.
Anh Tâm An nói thêm, bối cảnh lịch sử, xã hội tạo ra nếp nghĩ chung của mỗi thế hệ dẫn đến có sự nhận xét, phán xét, đánh giá với các hiện tượng của thế hệ khác và dùng một số từ mang tính nặng nề như đua đòi, hoang phí, trong khi nhiều bạn trẻ cũng phải bỏ công sức, tiết kiệm tiền để gặp được người mến mộ ngoài đời thật.
"Nhiều người trẻ thần tượng văn hóa âm nhạc của Hàn Quốc là một diễn tiến chung trên phạm vi toàn cầu, không riêng giới trẻ Việt Nam. Nếu không chia sẻ cùng sở thích, đam mê thì sẽ khó có hệ quy chiếu đánh giá rõ ràng.
Nhu cầu thần tượng ai đó là nhu cầu cơ bản của con người, chính đáng, bình thường. Vì vậy, không nên lấy số ít để đánh đồng lên một vấn đề, hiện tượng mà các bạn trẻ đang quan tâm", anh An nói.