Chừng đó cũng có thể nói lên chất lượng hiện tại của cây cầu. Việc cây cầu huyết mạch của đường sắt Việt Nam trên tuyến Bắc - Nam bị một chiếc sà lan tông sập có thể thấy giới hạn chịu đựng của nó không còn như thuở tráng niên... Ngay sau khi xảy ra vụ tàu 3.000 tấn mắc kẹt dưới gầm cầu An Thái trên sông Kinh Thầy (đoạn chảy qua Kinh Môn, Hải Dương) là sự cố cầu Ghềnh, chưa kể hàng loạt sự cố tương tự xảy đến với cầu Bình Lợi (TPHCM).
Xưa nay mọi người thường chỉ quan tâm đến giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, ít ai để ý đến đường thủy. Nhưng bây giờ nhiều người đã “thấm đòn” khi chỉ một sự lơ là, tắc trách của một, hai tài công đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Vụ việc cầu Ghềnh đặt ra rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là việc quản lý con người, phương tiện vận tải đường thủy. Cả hai tài công sà lan đâm sập cầu đều được nói là không có bằng lái. Và chỉ cần hai người này đã có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng bằng sự chủ quan, coi thường luật pháp và những lỏng lẻo trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Có phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ cũng không thể đền bù được những thiệt hại mà họ gây ra. Nhưng phải phạt cơ quan quản lý nào, cụ thể là ai và sau vụ việc này tình hình sẽ được cải thiện ra sao, bằng những biện pháp nào? Còn bao nhiêu tài công, bao nhiều người lái tàu sông không có bằng hay dùng bằng giả, bằng đi mua?
Người ta còn bảo vụ cầu sập cho thấy sự bị động trong việc giải quyết sự cố, xử lý khủng hoảng của các cơ quan chức năng như thế nào. May mà cầu không sập vào dịp Tết. May mà khi cầu sập không có đoàn tàu nào đang chạy qua. May mà…
Với hơn 70 cây cầu yếu trên các tuyến quốc lộ đã được xác định và những cây cầu “có bệnh” nhưng chưa ai biết, vụ cầu Ghềnh cho thấy nguy cơ mất an toàn, xảy ra sự cố nghiêm trọng là rất đáng lo ngại và hoàn toàn có thể lặp lại.
Bò đã mất, phương án làm chuồng vẫn tiếp tục bàn…