Sapa O’ Châu và công dân toàn cầu Tẩn Thị Su

Tình nguyện viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Sapa O’Châu. Ảnh: CTV
Tình nguyện viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Sapa O’Châu. Ảnh: CTV
TP - Nhà nghèo, học lớp 3 cô bé người Mông Tẩn Thị Su nghỉ học xuống thị trấn Sa Pa (Lào Cai) bán hàng rong cho khách du lịch. Lớn lên, Su sáng lập dự án Sapa O’Châu, mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa để đưa khách về bản và giúp đỡ nhiều trẻ em vùng cao được đến trường.

Từng ăn cơm thừa, ngủ gầm cầu

Tôi khá bất ngờ khi những lần đi du lịch đến Sa Pa gặp nhiều cô gái trong trang phục người Mông dẫn các đoàn du khách Tây vào bản. Họ nói tiếng Anh như gió, thân thiện khiến nhiều du khách thán phục.  Họ là những cô gái của bản Mông, hướng dẫn viên của Sapa O’ Châu.

Tẩn Thị Su, giám đốc trẻ của Sapa O’ Châu là cô gái có dáng người đậm, ăn mặc giản dị trong bộ trang phục sặc sỡ của dân tộc Mông. Su sinh ra ở xã Lao Chải (Sa Pa, Lào Cai), là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em gái. Bố đau ốm triền miên, thương mẹ, từ bé Su đã giúp đỡ gia đình chăn trâu, cắt cỏ, lấy rau nuôi lợn, lên rẫy trồng ngô… “Lên lớp 3, nhà nghèo mình buộc phải bỏ học cùng chị xuống thị trấn Sa Pa bán hàng thổ cẩm nuôi em. Lúc đó nhà nghèo lắm, cơm ăn không no. Nhà ẩm thấp lụp xụp, trời mưa gió ngủ trong nhà mà ướt sũng”, Su nhớ lại.

Sapa O’ Châu và công dân toàn cầu Tẩn Thị Su ảnh 1 Chân dung Tẩn Thị Su được đăng trên trang Forbes Việt Nam.

Xuống thị trấn, cô gái bản 14 tuổi tự lực mưu sinh. Ngày ngày Su cùng những em bé trong bản đi bộ vượt quãng đường rừng hơn 10km xuống thị trấn bán đồ cho du khách. Su dậy đi lúc con gà còn chưa cất tiếng gáy, còn về nhà khi trời đã về đêm. Nhiều lần, trời mưa gió không về được, Su ngủ gầm cầu thang, hiên mái nhà ở thị trấn. “Hôm nào bán được hàng còn có cái lót bụng, hôm ế ẩm phải dùng cả thức ăn thừa của khách. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình đã được một du khách Tây thương mời mình ăn 1 tô phở. Lúc đó, rưng rưng nước mắt vì cảm động”, Su kể.

Theo Su, lúc đó Sa Pa còn “lặng lẽ và thuần khiết lắm”, du khách đến du lịch còn ít. Lũ trẻ khác trong bản, một chữ tiếng Anh bẻ đôi Su cũng không biết. Để mời khách mua hàng, Su thường dùng ký hiệu, ngôn ngữ cơ thể.

Đi làm, Su chứng kiến những đứa trẻ hiền lành, người Mông, người Dao vì mưu sinh mà phải giành khách. Nhiều đêm, lũ trẻ vượt rừng về nhà trong đêm tối như mực, Su ớn lạnh nghĩ về tương lai của mình. “Mình phải khác, nếu giỏi tiếng Anh sẽ bán hàng tốt hơn. Nếu dành dụm được tiền, mình sẽ đi học lại để thoát nghèo giúp đỡ gia đình mà nuôi em”, Su nói.

Su nhờ những anh chị hướng dẫn viên du lịch, trang bị những câu tiếng Anh cơ bản để bắt chuyện với khách Tây. May mắn Su gặp nhiều du khách thân thiện, họ vui vẻ dạy lũ trẻ vùng cao những câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản, sửa lỗi phát âm sai. Học được những câu tiếng Anh giao tiếp cơ bản, Su bán hàng đắt khách hơn những bạn. Nhưng mục tiêu của cô gái trẻ không dừng lại như vậy, với cuốn sổ tay luôn bên người mỗi ngày Su đặt mục tiêu học được và viết được vài từ, vài câu tiếng Anh.

Đưa du khách về bản

Đến năm 2004, internet mới xuất hiện ở thị trấn Sa Pa. Ngoài những giờ bán hàng rong, khác những đứa trẻ khác vào quán chơi game, Su vào học tiếng Anh trên mạng. Sau đó, Su xin làm việc trong các khách sạn với mục đích có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài để thực hành nói tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh khá hơn, Su nghỉ việc xin làm hướng dẫn viên du lịch và học bổ túc văn hoá trở lại.

Su thường xuyên tư vấn, đưa các đoàn khách nước ngoài tới những thôn bản của người Mông, người Dao, các điểm sinh hoạt cộng đồng. “Lúc đó, mình nuôi ý tưởng là sẽ thành lập một dự án du lịch ở Sa Pa. Người dân, con em của địa phương sẽ là những hướng dẫn viên và cung cấp dịch vụ du lịch ở ngay tại làng bản. Bởi hơn ai hết họ là người hiểu văn hoá và phong tục của gia đình, dòng họ mình”, Su tâm sự.

Năm 2007, với sự giúp đỡ của những người bạn ở nước Úc, Su bắt tay xây dựng dự án Sapa O’Châu. O’Châu tiếng Mông nghĩa là “xin chào”. Sapa O’Châu là Cty đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải kinh doanh về các dịch vụ du lịch cộng đồng. Với mục tiêu thành doanh nghiệp xã hội, Su tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập cho trẻ em người Mông, người Dao bản địa.

Đi vào hoạt động, du khách tham gia vào tour của Sapa O’Châu đến giảng dạy văn hoá, tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương. Sau đó, nhiều đứa trẻ lang thang bán hàng rong đã trở thành cộng tác viên, hướng dẫn viên nhí của Sapa O’Châu, đưa du khách về thăm bản của mình.

Giúp hơn 200 học sinh học nghề và có việc làm

Năm 2011, Su kết nối được với dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp xã hội” của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Ailen và hỗ trợ kỹ thuật chính của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Dự án của Su được CSIP đánh giá cao và ủng hộ.

Tẩn Thị Su được CSIP đào tạo về năng lực lãnh đạo và quản lý kinh doanh. Sau đó, Sapa O’Châu trở nên chuyên nghiệp và có những bước phát triển mới. Năm 2013, Cty Sapa O’Châu chính thức thành lập. Lúc đó, giám đốc Cty mới học xong lớp 9 hệ bổ túc văn hóa.

Nhiều năm nay, Su thành lập một trung tâm cung cấp lớp học cho những thanh, thiếu niên dân tộc vùng cao. Thay vì đi bán hàng, những đứa trẻ được ở chung dưới một mái nhà, học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài. Ở đây, các em học sinh người Mông được học các kỹ năng về du lịch, bán hàng... Những đứa trẻ nghèo được Cty nuôi ăn học miễn phí và được cấp học bổng nếu học tốt. Hiện, Sapa O’Châu đã kết nối giúp hơn 200 học sinh đồng bào dân tộc học nghề và có việc làm.

Với những đóng góp của mình, Tẩn Thị Su được tờ tạp chí nổi tiếng Forbes tôn vinh 30 gương mặt trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2016. Năm 2017, Su cũng vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII.

MỚI - NÓNG