Sắp sửa Nghị định 24 về thị trường vàng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu thấu đáo và đề ra lộ trình sửa Nghị định 24 cho phù hợp nhằm đạt mục tiêu lớn (chống vàng hóa nền kinh tế) và đảm bảo nhu cầu thị trường về vàng miếng, vàng vật chất và vàng trang sức.

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 15/6.

Theo ông Tú, trong suốt 10 năm qua, không chỉ riêng NHNN, báo cáo của tổ chức đều đánh giá vai trò của Nghị định 24 trong quản lý thị trường vàng. Nghị định 24 về quản lý vàng đã góp phần tạo ổn định vĩ mô, kiểm soát được giá vàng, khiến vàng không còn tác động đến giá cả, không tác động chỉ tiêu khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau 10 năm, tình hình kinh tế thế giới, giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam có nhiều thay đổi.

“NHNN đã và đang cử đoàn nghiên cứu đi kiểm tra cơ sở kinh doanh vàng, đánh giá nhu cầu của người dân, đánh giá các thương hiệu vàng miếng. NHNN sẽ nghiên cứu thấu đáo và đề ra lộ trình sửa Nghị định 24 cho phù hợp nhằm đạt mục tiêu lớn và vẫn đảm bảo nhu cầu thị trường về vàng miếng, vàng vật chất và vàng trang sức”, ông Tú cho biết.

Tại họp báo, NHNN cho biết, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Theo Phó thống đốc, thời gian qua, tốc độ luân chuyển vốn đã nhanh hơn so với 2 năm vừa qua. Bên cạnh một số điều kiện thuận lợi, điều hành chính sách tiền tệ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là lạm phát.

Dẫn số liệu lạm phát của Mỹ trên 8%, Anh trên 9%, Thái Lan 7,1%, Thổ Nhĩ kỳ 73,5%, Hàn Quốc 5,4%... lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tình hình tài chính tiền tệ của các quốc gia đang có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, hiện nay, Việt Nam vẫn đang điều hành hết sức ổn định. Lạm phát đến cuối tháng 5/2022 mới chỉ 2,25%, trong đó chủ yếu là do yếu tố giá cả (giá xăng dầu).

Về chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu mong muốn đề ra.

Đồng thời, đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý trên cơ sở kiểm soát được lạm phát, ưu tiên cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do COVID-19 thời gian qua, tạo điều kiện nhanh khôi phục nền kinh tế.

MỚI - NÓNG