Nằm cạnh nghĩa trang nghĩ giải pháp
Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Điện tử - Viễn thông năm 2012, Nguyễn Như Thành (SN 1989) quyết định về đầu quân cho Viettel. “Tôi nộp hồ sơ ứng tuyển ở một số công ty như Mobifone, Toshiba, Viettel. Tuy nhiên, những người của Viettel đã khiến tôi rất ấn tượng, tôi như được truyền lửa từ họ”, Thành kể.
Ngoài là Chủ nhiệm đề tài rađa VRS-MCX và hoàn thành nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại cho các đài rađa 3D (3 tọa độ) trong năm 2022, anh Nguyễn Như Thành (Trung tâm Rađa, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) còn là tác giả của 7 công nghệ lõi, 3 bài báo khoa học quốc tế, 6 sáng chế, 2 sáng kiến và 10 ý tưởng cấp tổng công ty. Năm 2021, anh và nhóm cộng sự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình “Thiết kế, chế tạo rađa cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Từ những ngày đầu tham gia nghiên cứu các sản phẩm của Viettel, chàng trai quê Thái Bình đã đóng góp nhiều ý tưởng để nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm. Ý tưởng đầu tiên mà anh thấy hài lòng nhất là công nghệ mở rộng dải đo vận tốc cho đài rađa được thực hiện vào năm 2014. Theo anh Thành, đối với các giải pháp cũ, đài rađa rất dễ bị nhiễu bởi tín hiệu phản xạ từ địa vật và từ khí tượng. Đây là một vấn đề gần như then chốt sau khi xây dựng một hệ thống rađa hoàn chỉnh.
Anh Nguyễn Như Thành (Trung tâm Rađa, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) đang nghiên cứu, đo đạc modul thu phát cho sản phẩm đài rađa |
Giải pháp mà anh Thành đưa ra đã giải quyết triệt để vấn đề trên, sau đó được áp dụng lên tất cả các sản phẩm rađa do Viettel chế tạo. Sau một thời gian áp dụng lên sản phẩm của Viettel, năm 2019, giải pháp hiệu quả này đã được hội nghị uy tín về rađa trên thế giới IRS20 tại Đức ghi nhận.
Giai đoạn 2014-2016 là thời điểm các sản phẩm rađa cảnh giới VRS-2DM của Viettel được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất với số lượng lớn. Trong giai đoạn đầu khi triển khai tại các vị trí khác nhau, mỗi khi có mây mưa đều xuất hiện vấn đề khả năng chống nhiễu khí tượng chưa hiệu quả. Với thời gian cấp bách, lãnh đạo yêu cầu Nguyễn Như Thành phải tìm cách xử lý gấp trong vòng 1-2 tuần.
Nhớ lại thử thách này, anh Thành kể: “Đây là một yêu cầu gần như không tưởng về việc tìm ra cách chứ chưa nói đến áp dụng và thử nghiệm lên toàn bộ sản phẩm. Nhóm do tôi phụ trách đã gần như không ngủ, ngày đêm bám trụ tại “trận địa” nằm cạnh một nghĩa trang tại Thái Bình. Một tuần đầu, không có một chút tiến triển gì, vì mọi phương pháp truyền thống đưa ra đều không hiệu quả. Trong một khoảnh khắc, ý tưởng lóe lên trong đầu và tôi miệt mài đặt bút viết các công thức toán học, khai triển mô phỏng trên máy tính và có hiệu quả ấn tượng trên dữ liệu ghi lưu”.
Sau một tuần, sáng kiến được áp dụng lên toàn bộ các sản phẩm rađa VRS-2DM đang triển khai ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. Sáng kiến cho khả năng lọc nhiễu khí tượng lên tới 98% mà không ảnh hưởng đến khả năng quan sát mục tiêu. Đến nay, sản phẩm VRS-2DM đã được triển khai khắp đất nước với vài chục đài, giá trị doanh thu mang lại cho Tập đoàn Viettel hàng nghìn tỉ đồng và đặc biệt là đạt hiệu quả lớn về an ninh, quốc phòng.
Sản phẩm ngang tầm thế giới
Nhận định về lĩnh vực công nghệ rađa, Nguyễn Như Thành cho rằng, ngành rađa của Viettel sau thời gian “tiêu hóa” đã và đang sáng tạo những sản phẩm ngang tầm thế giới. Năm 2016-2017 là khoảng thời gian anh đã phải đi học hỏi rất nhiều từ các sản phẩm, chuyên gia trên thế giới để phát triển nền tảng rađa 3D cho Viettel. Tuy nhiên, các kiến thức nhận được đều chỉ là những kiến thức cơ bản, các vấn đề cốt lõi đều được giữ bí mật, không thể tiếp cận.
Với vai trò là kỹ sư thiết kế hệ thống, anh được ban lãnh đạo giao nhiệm vụ xây dựng kiến trúc hệ thống đài ra đa 3D và làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm này. Do tình hình thế giới và khu vực phức tạp, đặc biệt là yêu cầu làm chủ sớm nhất các dòng sản phẩm tương đương với nước ngoài, thời gian hoàn thành sản phẩm chỉ 2 năm.
“Ngay năm đầu tiên được giao nhiệm vụ (năm 2018), tôi đã hoàn thành thiết kế kiến trúc hệ thống, phân tách các chỉ tiêu tham số, yêu cầu về các thành phần như ăng ten, thu phát, xử lý. Tôi cũng hoàn thành nghiên cứu và làm chủ các công nghệ chính của sản phẩm. Trong năm 2019, tôi phụ trách tích hợp, tối ưu khi các thành phần lên sản phẩm. Đây là lần đầu tiên người Việt Nam có thể làm chủ và sản xuất 1 đài ra đa 3D hoàn toàn mới, các tính năng tương đương với các sản phẩm nước ngoài, mở ra một kỷ nguyên mới về nghiên cứu, sản xuất rađa cho Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung”, anh Thành cho biết.
Hiện nay, Viettel đã làm chủ hoàn toàn các công nghệ rađa thế hệ thứ 3 bằng việc sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm rađa 3D chiến thuật VRS-SRS, rađa 3D tầm trung VRS-MRS. Anh Thành cùng các kỹ sư trong nhóm đã hoàn thành làm chủ một số công nghệ của rađa thế hệ thứ 4 và dự kiến ra mắt trong 1-2 năm tới.
“Để luôn giữ lửa đam mê trong lĩnh vực của mình, tôi luôn tự đặt ra các nhiệm vụ, thách thức mới. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, chỉ cần ngừng nghỉ một thời gian là sẽ bị tụt hậu”, anh Thành chia sẻ thêm.