Sâm quý nhất mới chỉ để làm nước uống

TP - Đó là thực trạng đang diễn ra tại Quảng Nam, một trong hai tỉnh sở hữu sâm Ngọc Linh quý nhất thế giới. Dù được các nhà khoa học khẳng định có giá trị cao về kinh tế, y dược nhưng đến nay, tỉnh Quảng Nam cũng chỉ mới sản xuất ra được duy nhất sản phẩm nước uống bổ dưỡng từ loài sâm quý này.

Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh phân bố từ độ cao 1.500 m trở lên tại địa bàn xã Trà Linh (huyện Nam Trà My). Trước đây, giá sâm Ngọc Linh tương đương giá sâm Triều Tiên và đắt hơn sâm Hàn Quốc, rất nhiều người nước khác tìm đến Việt Nam để mua sâm về chữa bệnh, bào chế ra các sản phẩm khác. Hiện đã có hàng trăm hécta được trồng và nhân rộng ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tuy nhiên sản phẩm làm ra từ sâm ít về chủng loại và số lượng, chưa có cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu cũng như các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu. 

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, cho hay: Hiện nay, ngoài Công ty CPTM - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam sản xuất nước uống bổ dưỡng ra, chưa có thêm sản phẩm nào từ loại sâm quý này. Người dân toàn dùng sâm củ để ngâm rượu hoặc mật ong. 

Ông nói: “Trên địa bàn chưa có công ty dược nào có tầm để ứng dụng công nghệ vào việc sản xuất dược liệu, điển hình như sâm Ngọc Linh. Nếu ứng dụng tốt KHCN sẽ chiết xuất được rất nhiều chất từ cây sâm, sau đó sản xuất ra mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng…chứ không chỉ dùng nguyên liệu sâm thô một cách lãng phí như hiện nay”.

Trước tình thế đó, Sở KH&CN đã trình dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ông Tích cho hay, sâm Ngọc Linh tự nhiên hầu như không còn, chỉ còn trong các trại giống, tuy nhiên vì sâm có giá thành cao nên người dân thi nhau bán gây khó khăn cho việc nhân giống. “Ngày nay, quy trình sản xuất giống sâm đều từ hạt. Mỗi cây mất tới 4 năm tuổi mới cho ra hoa kết quả, năm thứ  5 mới cho quả. 

Trung bình mỗi cây chỉ cho 30 hạt/năm, song tỷ lệ hạt nảy mầm chỉ khoảng 50%, và trong số nảy mầm đó chỉ còn được vài cây sống sót. Thực tế nhân giống khó khăn như vậy, nhưng người dân vì nguồn lợi trước mắt nên sâm chưa kịp cho hết hạt thì đã đào lấy củ. Kiểu “bán lúa non” như vậy dồn sâm vào thế cạn kiệt”, ông nói.

MỚI - NÓNG