Cô em gái của bạn tôi học trường này vốn học giỏi môn văn đã bật khóc khi tranh luận với những lỗi sai của bài giảng “Cách ứng xử với anh chị em trong gia đình”. Hậu quả cô bé phải chịu sự trách mắng của cô giáo tranh luận bữa trước.
Điều khiến học sinh này khó chấp nhận là cô giáo (có thể) biết những sai sót đó nhưng vẫn (cố tình) ép học sinh học theo chỉ vì không muốn làm mất lòng hiệu trưởng. Điều đó có thể khiến nhiều học sinh trong lớp có suy nghĩ khác đi về giáo viên.
Một học sinh khác bức xúc hơn khi biết thầy, cô trực tiếp dạy mình không những không nhìn ra cái sai được phân tích trên các diễn đàn, tiếp tục cổ súy cho những thiếu sót của cuốn sách. Cụ thể, một số thầy cô lên mạng phản hồi với nội dung phê phán không ít học sinh của trường là “hư hỏng” khi không chịu học những bài giảng đạo đức đầy ý nghĩa!
Dẫu biết thành ý của người biên soạn bài giảng muốn hướng học sinh đến những chuẩn mực trong đời sống, ứng xử với các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường, xã hội nhưng cần phải có sự thẩm định kỹ lưỡng tránh những hạt sạn khiến học sinh và phụ huynh phản ứng.
Khi đã là bài giảng đạo đức ắt hẳn phải có chuẩn mực để có cách hiểu đồng nhất. Không ít giáo viên biết lỗi sai cơ bản nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ bắt học sinh phải đọc thì liệu có thuyết phục được các em tin và nghe theo những giá trị đạo đức hay không?