Diễn giả cuộc trò chuyện Những cuốn sách đi cùng tuổi thơ là nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh và biên tập viên (BTV) Nguyễn Giang Linh. Các cuốn sách được giới thiệu và thảo luận: Cây cam ngọt của tôi, Pippi tất dài, Totto - chan bên cửa sổ, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Nhóc Nicolas, Hoàng tử bé, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh, Chiến binh cầu vồng.
Cuộc trò chuyện Những cuốn sách đi cùng tuổi thơ được tổ chức tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: GIA LINH. |
Con mèo dạy hải âu bay là câu chuyện về cuộc gặp gỡ tình cờ, cho đến những lời hứa bất đắc dĩ cùng với hành trình nuôi dạy một con vật không do mình sinh ra của chú mèo Zorba.
Hoàng Tử Bé khắc hoạ tình cảm rõ nét giữa cậu bé và bông hoa hồng. Trẻ em khi đọc cuốn sách này thì nghĩ rằng đó là một câu chuyện đáng yêu thú vị, nhưng khi người lớn đọc cuốn sách thì lại nhận ra rất nhiều triết lý sâu sắc.
Pippi tất dài là câu chuyện về Pippi - cô bé sỡ hữu mái tóc đỏ như màu củ cà rốt, cái mũi nhỏ xíu đầy tàn nhang. Tác giả muốn truyền đi thông điệp: Mỗi đứa trẻ đều có vẻ đẹp riêng biệt, điều đó khiến đứa trẻ này khác đứa trẻ kia, giống như một dấu ấn cá nhân được khắc họa bằng ngoại hình.
Tác giả Phạm Thị Hoài Anh nói về vai trò của sách trong đời sống ấu thơ của thiếu nhi.
"Đọc sách là cơ hội để trải nghiệm vẻ đẹp của ngôn ngữ, dẫn dắt trẻ em đến xứ sở thần tiên. Qua giọng đọc diễn cảm của người mẹ, trẻ em có cơ hội được tiếp xúc với thế giới muôn màu. Việc đọc sách giúp các bạn nhỏ thưởng thức trọn vẹn thế giới", tác giả Phạm Thị Hoài Anh chia sẻ.
Biên tập viên Nguyễn Giang Linh nhận định nhiều tác phẩm không chỉ thu hút trẻ nhỏ mà cả người trưởng thành.
"Đọc sách không chỉ để giải trí, cũng không chỉ để phục vụ học tập. Hơn hết, những thông điệp nhân văn trong các tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ góp phần giúp độc giả, nhất là trẻ em, có những thay đổi tích cực trong cuộc sống, hướng tâm hồn đến điều đúng và thiện lương", chị nói.
BTV Nguyễn Giang Linh nhận định các tác phẩm không chỉ thu hút trẻ nhỏ mà cả người trưởng thành. Ảnh: GIA LINH. |
Các diễn giả chia sẻ phương pháp chọn truyện, sách cho con em. Các diễn giả cho rằng phụ huynh không nên quá chú trọng định hướng sách, truyện cho con, rằng con phải đọc truyện này, sách kia thay vào đó nên tạo cho con không gian thoải mái khi đọc. Tuy nhiên, không phải truyện nào cũng nên cho trẻ đọc, phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ càng, đồng hành với trẻ trong con đường đọc sách này.
Việc lựa chọn những cuốn sách có chút buồn, hoặc hơi tiêu cực cũng là cách để trẻ hiểu biết hơn, giảm sốc cho những sự kiện sau này.
"Hãy cho trẻ đọc đa thể loại để trẻ có thể mở rộng biên độ cảm nhận, cảm xúc. Đây chính là những bài học để con tìm cách vượt qua những chuyện buồn", BTV Giang Linh nêu.
Tác giả Phạm Thị Hoài Anh giao lưu với độc giả nhí. Ảnh: GIA LINH. |
Thực tế, trẻ em ngày càng chăm chăm vào các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính… Trên hành trình trưởng thành của con, phụ huynh cần đồng hành cùng bé, khơi lên cơn khát đọc sách trong trẻ. Hơn hết, phụ huynh nên bỏ qua sự phân định về giới tính. Sự phù hợp về thể loại, ngôn ngữ nội dung mới là yếu tố quan trọng, giới tính chỉ là yếu tố bổ trợ.
Dịp này, các bạn độc giả đã được nghe một vài trích đoạn từ Cây cam ngọt của tôi - tái hiện lại chân thực cuộc sống khó khăn và nghèo khổ của một thị trấn nhỏ khiến những thành viên trong gia đình mất đi nhân tính của họ và tệ hơn, điều này đã hại chết thế giới trẻ thơ của cậu bé Zezé.