Rủi may nghề xoi trầm

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nhiều người trúng trầm đổi đời, mua nhà, mua xe nhưng không phải lúc nào cũng may, nếu rủi mua phải cây “rỗng” trầm thì cũng lỗ nặng vì giá mỗi cây phải từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Nghề này lỗ cũng lớn nhưng gặp may thì trúng đậm nên ham, nghe tin ở đâu bán dó trầm là chạy liền” – anh Đỗ Phạm Nhất Lĩnh, chủ một cơ sở sản xuất trầm hương ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), hàng chục năm gắn bó với nghề xoi trầm, chia sẻ.

Huyện Tiên Phước được xem là “thủ phủ” trầm hương, nhiều nhất là ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, Tiên An. Nghề xoi trầm (chế tác trầm) được hình thành từ lâu, gắn bó với người dân nhiều đời.

Kỳ công xoi dó tìm trầm

Trầm hương có trong cây dó bầu, được hình thành từ vết thương của cây. Tại những nơi cây dó bị thương, nhựa chảy ra như một cơ chế tự bảo vệ, làm lành vết thương. Sau hàng chục năm tích tụ bởi thời gian, nắng và gió kết tạo thành trầm. Nhưng không phải cây dó bầu nào cũng thế, trong rừng tự nhiên cả nghìn cây mới được một cây có “lộc trầm”. Trầm tự nhiên quý và hiếm, giá lên đến vài trăm đến cả tỷ đồng nên có thời người ta bất chấp để vào rừng kiếm tìm.

Khi trầm tự nhiên ngày càng khan hiếm, nhiều người bắt đầu trồng cây dó bầu làm trầm nhân tạo. Cây dó bầu khi được 10 năm tuổi trở lên thì đục lỗ trên thân, bơm men tạo trầm, sau 1 năm nữa thì có thể thu hoạch. Cây khi mua về trải qua nhiều công đoạn xẻ, gọt, đục tỉa để lộ ra những sợi trầm li ti ẩn sâu trong thân cây, người trong nghề gọi đó là “xoi trầm”.

Rủi may nghề xoi trầm ảnh 1

Người thợ xoi trầm trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ.

Xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) hiện có khoảng 500 người làm trầm. Nghề xoi trầm lắm công phu. Để ra một sản phẩm phải qua nhiều công đoạn xẻ, đục, xoi, tỉa, mài, đánh bóng. Tùy vào thế cây, người thợ phân loại trước lúc mài, đục. Phần gỗ màu trắng mài ra được phơi lên nâu tinh dầu hoặc xay bột làm nhang. Trầm hương tức phần gỗ màu đen có thể để nguyên khối tạo thế hoặc cắt miếng nhỏ để bán, hoặc làm vòng tay, vòng cổ từ. Để lấy được một ký trầm hương người thợ phải kỳ công đục, tỉa, lần theo từng mạch dầu li ti ẩn trong lõi gỗ bên trong.

Rủi may nghề xoi trầm ảnh 2

Cơ sở sản xuất trầm hương của anh Võ Hoàng Sơn ì ầm tiếng đục, cưa xuyên trưa. Ông chủ cơ sở 34 tuổi với hơn 10 năm trong nghề đang cặm cụi tỉa từng khúc gỗ dó bầu. Anh nói nghề này đòi hỏi trước hết là phải biết chịu khó, tỉ mẩn. Miệng nói, đôi tay anh vừa khéo léo tỉa từng lớp gỗ mỏng, lần trong các hốc, mắt gỗ cho đến khi lộ ra những sợi li ti màu đen - đó là trầm hương. “Ngoài tỉ mẩn thì tay phải dẻo, khéo nếu không thì lạm vào là mất tiền triệu như chơi. Ngồi lâu thì mỏi, mệt, buồn ngủ nhưng xoi đến lúc lộ trầm ra là tỉnh liền. Càng làm càng ham, ngồi xoi xuyên trưa, xuyên tối”, anh Sơn nói.

Trong lúc chồng ngồi xoi tỉa trầm thì vợ anh - chị Nguyễn Thị Mỹ Diễm livestream bán hàng, gói, xếp các sản phẩm để ship đi các nơi. Chị nói, thời đại 4.0 nên việc tìm và mở rộng thị trường dễ hơn. Ngoài livestream, chị đăng bán sản phẩm thông qua mạng xã hội facebook, zalo. Sản phẩm trầm Tiên Mỹ nay có mặt khắp nơi trên cả nước, và xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Đây là nghề cho thu nhập khá, nghề cha truyền con nối nên ai nấy đều rất lưu tâm giữ chữ tín mới bám trụ được với nghề”, chị Diễm chia sẻ.

Hấp lực từ trầm

Rủi may nghề xoi trầm ảnh 3

Một trong những công đoạn xoi trầm

Cơ sở sản xuất trầm hương Mai Lĩnh nằm trên mặt tiền con đường liên xã thuộc thôn Tiên Phú Tây, xã Tiên Mỹ rộn ràng tiếng cưa, đục. Chủ cơ sở, anh Đỗ Phạm Ngọc Lĩnh đang cặm cụi xoi tỉa gốc cây dó bầu.

Ông chủ trẻ khá cởi mở chia sẻ khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu thông tin về nghề chế tác trầm cảnh. 38 tuổi, anh Lĩnh có 15 năm trong nghề xoi trầm. Anh nói rằng mình may mắn khi được bố vợ truyền nghề, rồi gắn bó đến nay. Hiện, hai vợ chồng đã mở được cơ sở sản xuất trầm hương Mai Lĩnh và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Rủi may nghề xoi trầm ảnh 4

Sản phẩm chế tác từ trầm tự nhiên có giá cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.

Khu đất rộng, một bên là gian hàng trưng bày sản phẩm với đủ loại, đủ giá. Đắt nhất là sản phẩm làm từ trầm tự nhiên có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sản phẩm từ trầm nhân tạo rẻ hơn, cỡ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Để phù hợp nhu cầu thị trường, người ta cũng sản xuất phong phú các mẫu mã từ trầm cảnh, vòng tay, vòng cổ, nhang, nụ xông…

Rủi may nghề xoi trầm ảnh 5

Khoảnh sân rộng phía trước thì chất đầy những cây dó bầu, có cây còn nguyên, có cây vừa xẻ. Chỉ tay vào đống cây còn chất đống, anh nói, trong đó có thể có tiền tỷ nhưng có thể chỉ vài chục triệu đồng tùy lượng trầm chứa trong thân cây.

“Nghề này công việc nhẹ nhàng nhưng cho thu nhập khá. Trước kia giới trẻ đi các nơi tha hương mưu sinh nay có xu hướng trở về quê khởi nghiệp, lập nghiệp từ trầm. Nhiều người trẻ phát huy được sự nhạy bén, tận dụng cơ hội, áp dụng công nghệ nên giàu lên, đổi đời. Tuy nhiên đa phần đang làm theo hướng tự phát, chưa có hợp tác xã để hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cũng như tạo tiếng vang cho thương hiệu, nên đây là bài toán địa phương đang tìm cách giải”.

Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ Võ Kim Chung

Cả chục năm trong nghề anh cũng nếm trải không ít cảm xúc buồn - vui mỗi lần trúng hay thua đậm vì trầm. Có khi lời mấy chục đến cả trăm triệu đồng nhưng xui mua phải cây không có trầm hoặc lượng trầm rất ít thì lỗ lớn. Mới đây, anh mua lỗ trắng cây dó bầu giá 40 triệu đồng vì cây mua về nhưng khi xẻ ra để xoi thì lượng trầm rất ít, không đủ ngày công nên đành bỏ. Nhưng bù lại trước đó, anh thu lãi gần 100 triệu đồng sau khi mua một cây dó trầm. “Nghề này là vậy, trúng cũng đậm mà lỗ cũng không ít. Nhưng làm rồi ham lắm, chừ nghe ai có cây dó bầu bán là chạy liền”, anh nói.

Nghề làm trầm hương khiến nhiều người đổi đời, mua nhà, mua xe nếu trúng nên tạo hấp lực lớn. Giới làm nghề lâu nay râm ran câu chuyện một người ở thị trấn Tiên Kỳ vừa lãi ngót một tỷ đồng nhờ “trúng” trầm kỳ nam. “Kinh nghiệm một phần, nhưng một phần cũng nhờ hên xui, may mắn. “Nhất kỳ nhì bông”, nếu gặp trầm kỳ nam hay trầm bông thì đổi đời mấy chốc” - anh Lĩnh hào hứng. Mấy năm nay để ổn định hơn nguồn thu nhập anh kết hợp chế tác sản phẩm từ trầm nhân tạo. Anh cho hay hiện sở hữu 100 cây dó bầu đã đục lỗ tiêm men được 5 tháng, đợi 5 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

Con đường liên xã, rất nhiều cơ sở sản xuất trầm hương dọc hai bên. Tiếng cưa, đục ì ầm, thoang thoảng mùi thơm. Ghé cơ sở sản xuất trầm hương của anh Nguyễn Xuân Sơn (34 tuổi) là một trong xưởng quy mô lớn trong xã. Anh cho hay, hiện cơ sở chủ yếu bán sỉ cho các đại lý ở nhiều nơi trong cả nước. Cơ sở cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Rủi may nghề xoi trầm ảnh 6

Những cây dó bầu mới được mua về giá từ vài chục triệu đồng nhưng trúng hay thua vẫn là một ẩn số.

Chiều tối, ông Võ Đình Trung (53 tuổi) vẫn đang tỉa nốt khúc cây dó bầu. Ông Trung bị tật ở chân đi lại khó khăn, đổi lại có đôi tay khéo léo nên suốt 10 năm nay sống tốt với nghề xoi trầm. Ông cho hay, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/ tháng, được làm gần nhà. Nhiều người trước tha hương các nơi để mưu sinh, nay cũng trở về quê làm trầm.

Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ Võ Kim Chung phấn khởi khi người dân địa phương có thu nhập khá bởi nghề xoi trầm. Trước kia người dân vào sâu trong rừng để tìm trầm nhưng giờ rất hiếm do đó nghề chế tác từ trầm nhân tạo đang là xu hướng chính và rất có tiềm năng. Nghề này hình thành lâu đời, truyền đời cha sang con. Hiện xã có khoảng 10 cơ sở chế tác trầm cảnh với khoảng 500 người chiếm khoảng 1/4 dân số trong xã đang theo nghề, nhiều người đổi đời nhờ làm trầm.

MỚI - NÓNG