Để hương trầm thơm mãi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khánh Hòa được biết đến với danh xưng “xứ trầm hương” vì mảnh đất này được thiên nhiên ưu ái có nhiều loại trầm hương quý hiếm. Nơi đây có làng nghề xoi trầm độc đáo ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh đã hình thành, tồn tại qua hàng trăm năm nay.

Làng nghề truyền thống

Rảo bước trên con đường thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) ngày cuối năm 2021, đến đâu chúng tôi cũng thấy phảng phất mùi hương trầm dịu ngọt khắp thôn xóm. Thấp trong những ngôi nhà mái đỏ, người dân đang cặm cụi ngồi xoi trầm, xỉa trầm. Đây là hình ảnh đặc trưng của làng nghề xoi trầm truyền thống Phú Hội 1 hàng trăm năm qua.

Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã trầm hương Vạn Thắng, cho biết: Do dịch bệnh kéo dài, việc xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng (như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…) ngưng hẳn nên hợp tác xã chỉ còn cầm cự với một vài khách lẻ mua từng khối trầm cảnh, vòng tay, vòng cổ trầm… Hợp tác xã phải trích quỹ để trả lương cho 10 nhân công đưa hàng về làm tại nhà. Còn số nhân công làm tại xưởng vẫn được trả 200 - 250 nghìn/ngày vì phải có người làm để sẵn hàng, chờ khi dịch lắng xuống vừa có sản phẩm bán ra thị trường, vừa để “giữ lửa” cho làng nghề xoi trầm Vạn Thắng.

Làng nghề xoi trầm Phú Hội 1 hiện có hơn 200 hộ dân với khoảng 1.000 lao động. Tháng 9/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công nhận Làng nghề xoi Trầm Phú Hội 1 là Làng nghề truyền thống.Nghề xoi trầm tại thôn Phú Hội 1 đã có từ trăm năm trước, không ai biết rõ người sáng lập nghề từ bao giờ. Qua nhiều thế hệ, dân trong làng đã truyền dạy nhau gắn bó, duy trì nghề xoi trầm đến ngày nay. Do các sản phẩm từ trầm hương có giá trị kinh tế cao nên người xoi trầm cũng có thu nhập ổn định, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 250 - 300 nghìn đồng/người.

Trước đây, đàn ông trong vùng phải vào rừng tìm trầm để làm nguyên liệu chế tác, nhưng khoảng 10 năm nay lượng trầm tự nhiên khan hiếm nên người dân nơi đây đã chuyển sang mua dó bầu về xoi trầm. Nghề xoi trầm đã chế tác ra các sản phẩm từ trầm như: trầm cảnh, vòng tay, vòng cổ hay hương trầm...Dụng cụ để xoi trầm là những cái dũm với nhiều kích thước khác nhau. Nghệ nhân dùng dũm lớn dùng để phá xác làm nhang, dũm nhỏ để tỉa đường nét theo hình dạng của khối trầm. Chỉ bằng dụng cụ thô sơ như vậy, qua bàn tay tỉ mỉ, điêu luyện của các nghệ nhân xoi trầm đã tạo nên nhiều sản phẩm trầm hương có giá trị.

Kỳ công gọt tỉa

Chỉ cần có những chiếc dũm dùng để gọt tỉa, bất cứ ai cũng có thể trở thành người xoi trầm. Thoạt nghe công việc có vẻ nhàn hạ và dễ dàng, nhưng để tạo ra được những sản phẩm trầm hương có giá trị thẩm mỹ, người xoi trầm thực thụ phải rất tỉ mỉ, khéo léo. Khi xoi trầm, người thợ phải gọt tỉa hết lớp gỗ bên ngoài sao cho vừa để lộ chứ không được xoi trúng lõi trầm bên trong. Có những lõi trầm hình thù uốn lượn, nhiều góc khuất, đòi hỏi người thợ phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ nạo nhẹ nhàng từng chút một để tránh lẹm vào trầm.

Thời gian qua xuất hiện nhiều cơ sở làm giả trầm, cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến hoạt động và danh tiếng của làng nghề.

Chúng tôi ghé vào nhà anh Lê Ngọc Thanh (35 tuổi, ở thôn Phú Hội 1) khi vợ chồng anh đang ngồi miệt mài gọt tỉa loại trầm miếng được lấy ra sẵn từ thân cây dó bầu. Với đôi bàn tay khéo léo, vợ chồng anh cẩn thận tỉa cho sạch những phần gỗ trắng trong từng hốc, từng mắt đảo để lộ ra phần cứng màu đen và đó chính là trầm hương thành phẩm. Sinh ra và lớn lên trong “cái nôi” của nghề xoi trầm Khánh Hoà, anh Thanh đến với nghề này một cách rất tự nhiên, chỉ nhìn người dân trong làng làm và học theo chứ chẳng có ai chỉ dạy. “Làng trên xóm dưới nhà nào cũng có người theo nghề, đi đâu cũng thấy người ta xoi trầm nên tôi nhìn và làm theo. Thế rồi tôi có nghề từ lúc nào không hay”, anh Thanh nói.Vợ chồng anh Thanh làm nghề xoi trầm hơn 10 năm và đây cũng là công việc chính của gia đình với thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/ tháng.

Để hương trầm thơm mãi ảnh 1

Anh Lê Ngọc Thanh đang tỉ mỉ xoi trầm miếng tại nhà

Trầm hương là một sản phẩm giá trị vì những công dụng quý về sức khỏe và thẩm mỹ, nhiều khối trầm lớn có giá lên đến hàng tỷ đồng. Để làm được những sản phẩm có một không hai như thế, người thợ phải kỳ công hàng tháng trời để thực hiện các công đoạn phá xác cây dó bầu lấy trầm, ghép trầm thành khối rồi sau đó mới xoi, xỉa, tạo hình cho khối trầm. Chị Lê Thị Thủy (33 tuổi, ở thôn Phú Hội 1) vốn là thợ làm tóc, nhưng hơn nửa năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chị chuyển sang phụ chồng xoi trầm để kiếm thêm thu nhập. Lúc chúng tôi đến, chị đang xoi một khối trầm cảnh cao hơn 2m, nặng gần 1 tạ và có giá tầm 300 triệu đồng khi hoàn tất. Từ cây dó bầu, vợ chồng chị phải đẽo ra phá xác lấy trầm rồi ghép nhiều mảnh với nhau thành một khối rồi sau đó mới xoi, tỉa ra được tác phẩm hoàn chỉnh.

Để làm nên một khối trầm cao như thế, vợ chồng chị Thuỷ phải mua gần 150 triệu tiền cây dó bầu và gia công hoàn toàn bằng tay trong vòng 7 tháng. “Xoi trầm nói khó thì không khó, nhưng ngồi lâu một chỗ sẽ bị chán và mỏi người nữa. Những lúc như thế tôi sẽ nghỉ một chút để làm việc nhà hay đi loay quanh đâu đó”, chị Thuỷ tâm sự.

“Giữ lửa” cho làng nghề

Những năm gần đây, trầm hương Khánh Hòa ngày càng được nhiều người biết đến, do đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ trầm tăng lên một cách nhanh chóng, đặc biệt trong các dịp như Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan làng nghề truyền thống đã giúp cho đời sống của những người làm nghề xoi trầm tại thôn Phú Hội 1 được nâng lên một cách đáng kể.

Để hương trầm thơm mãi ảnh 2

Nghề xoi trầm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khả năng quan sát và tính kiên trì cao

Ông Nguyễn Văn Thái (69 tuổi, ở thôn Phú Hội 1) có 40 năm gắn bó với nghề xoi trầm. Trước kia, ông cũng đã từng đi lên rừng để tìm, khai thác trầm nhưng việc đi rừng vô cùng vất vả và nguy hiểm. Vì vậy, sau đó ông không đi nữa mà mua hàng có sẵn về làm. Gần 6 năm nay, ông xin vào Hợp tác xã trầm hương Vạn Thắng làm thợ xoi trầm. Tuy thu nhập không cao bằng tự đi khai thác, nhưng việc xoi trầm từ cây dó bầu mua sẵn sẽ nhàn hạ hơn và giúp ông tránh được những nguy hiểm nơi “rừng thiêng nước độc”…

Ông Thái được cũng là nghệ nhân có tuổi nghề lâu nhất và tay nghề vững vàng nhất tại xã Vạn Thắng. Gần 40 năm gắn bó với những chiếc dũm xoi trầm, qua con mắt tỉ mỉ và đôi tay khéo léo, ông đã tạo ra rất nhiều sản phẩm trầm hương độc đáo và giá trị. Quan niệm xoi trầm chính là cái nghề truyền thống không thể để mai một, ông Thái đã truyền nghề cho cả 3 người con trai của mình để mùi trầm hương lúc nào cũng phảng phất trong những ngôi nhà nhỏ.

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.