Báo chí đưa nhiều con số khác nhau về số nợ của huyện Phước Long. Đâu là con số chính xác, thưa ông?
Chúng tôi chưa gặp báo chí, không biết con số họ đưa như thế nào. Thực tế, sau đại hội nhiệm kỳ cuối tháng 9, bàn giao giữa lãnh đạo cũ và mới, tổng số nợ là 373 tỷ đồng. Trong đó, nợ xây dựng nông thôn mới hơn 200 tỷ, còn lại nợ các công trình khác, có công trình do tỉnh quyết định đầu tư. Mới đây, tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng để trả nợ lương của cán bộ và công nhân viên thì tổng nợ còn 323 tỷ đồng.
Những công trình khác và do tỉnh quyết định đầu tư là công trình nào? Còn nợ xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ những công trình gì?
Công trình do tỉnh quyết định đầu tư như bờ kè kinh xáng Quản lộ Phụng Phiệp chảy giữa thị trấn, hai con đường đi lớn qua chợ và khu hành chính huyện. Nợ xây dựng nông thôn mới chủ yếu là đường và cầu giao thông, trạm bơm điện. Đây là những công trình tốn nhiều tiền nhưng phải có để phát triển sản xuất. Tổng cộng các loại đường bê tông và thảm nhựa từ ấp lên huyện dài gần 530 km, 183 cây cầu rộng 3,5m. 18 trạm bơm điện với hệ thống đường điện 3 pha.
Ông vừa nói, tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng để trả nợ lương của cán bộ và công nhân viên. Tại sao nợ lương số tiền lớn như vậy, hiện đã trả lương đến tháng mấy?
Khi tình hình nợ các công trình căng thẳng, chúng tôi vận động cán bộ và công nhân viên toàn huyện cho nợ lương để lấy tiền đó thanh toán, giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu. Với 50 tỷ đồng tỉnh vừa hỗ trợ, chúng tôi đã giải ngân 43,5 tỷ, thanh toán nợ lương được 3 tháng, hiện đã trả lương đến tháng 10.
Năm 2008, Phước Long mở rộng hơn hai cây số đường ở cửa ngõ trung tâm huyện ra Quốc lộ 1A mà kéo dài, bị dân khiếu kiện. Tại sao sau đó mở ra việc xây dựng nông thôn mới quá lớn để nợ nần?
Năm 2010, huyện Phước Long được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia chọn là 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Lúc làm kế hoạch, Trung ương hỗ trợ 40% vốn. Vừa mở ra thì Chính phủ thắt chặt chi tiêu công, lúc đó, chúng tôi rất băn khoăn: làm tiếp hay dừng? Chúng tôi báo cáo tỉnh, được bàn là Trung ương đã chọn Phước Long làm thí điểm duy nhất của ĐBSCL, là niềm vinh dự nên quyết tâm làm, tỉnh sẽ hỗ trợ.
Thực tế, vốn từ Trung ương và tỉnh hỗ trợ bao nhiêu?
Vốn của Trung ương bao gồm vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn trái phiếu Chính phủ được hơn 23 tỷ đồng, chiếm 0,45% tổng vốn đầu tư. Còn vốn của tỉnh hơn 163 tỷ đồng, chiếm 3,1%.
Nhưng khi tình hình vốn rất khó khăn, tại sao không dừng lại? Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo huyện Phước Long mở ra nhiều công trình để kiếm phần trăm hoa hồng?
Một số công trình như giao thông, thủy lợi làm nửa chừng không thể dừng. Khi vốn khó khăn, chúng tôi nói rõ với các doanh nghiệp, đề nghị họ ứng vốn và sẽ thanh toán chậm. Đã nhờ người ta thì làm sao còn kiếm được hoa hồng. Thực tế, cho đến thời điểm này, qua nhiều cuộc kiểm tra và thanh tra của tỉnh, của huyện, chưa phát hiện tiêu cực. Cũng nhờ chưa phát hiện tiêu cực nên còn có niềm an ủi chúng tôi trong cảnh nợ nần rất khổ tâm hiện nay.
Trong xây dựng giao thông nông thôn, nhiều địa phương tổ chức cho dân làm để giảm chi phí, tại sao Phước Long không làm vậy?
Có chứ, nhiều con đường ở Phước Long do dân làm. Chúng tôi còn tổ chức các đội xây dựng là cán bộ và công nhân viên ở huyện xuống làm với dân. Những con đường đó, có thiết kế mẫu để bà con làm theo nên chất lượng đảm bảo và giảm chi phí khoảng 35%.
Giải pháp xử lý nợ hiện nay? Qua đây, lãnh đạo huyện rút được bài học gì?
Nợ quá lớn với khả năng của huyện nên chúng tôi đang phải nhờ tỉnh và trung ương giúp đỡ. Qua đây, chúng tôi cũng rút được bài học là dù có “niềm vinh dự” thì làm gì cũng phải lượng sức mình, ráng quá rất mệt mỏi.
Cảm ơn ông.
Tổng vốn Phước Long xây dựng nông thôn mới trong 5 năm: gần 5.188 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là vốn của dân từ hiến đất, góp công đến đầu tư sản xuất chiếm 42,86%; vốn tín dụng đầu tư sản xuất 42,23%; vốn ngân sách nhà nước cả trung ương, địa phương và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 13,04%; vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân 1,87%.