Khấm khá nhờ điện
Khu B của ấp 4 (xã Tân Lập) nằm khá xa so với trung tâm xã, dân cư lại thưa thớt nên mãi đến giữa năm 2011, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, điện lưới quốc gia mới đến được nơi này. “Điện về, người dân vô cùng phấn khởi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân tăng lên rõ rệt”- ông Nguyễn Trọng Quyền - Ấp trưởng ấp 4 nói. Ông Quyền cho biết, đến nay toàn bộ 56 hộ dân trong ấp được sử dụng điện với giá quy định của nhà nước. Kể từ ngày có điện, nhiều hộ dân mở mang chăn nuôi sản xuất với quy mô ngày càng lớn và hiện tại trong khu B có 6 hộ chăn nuôi đàn heo hàng trăm con.
Gia đình anh Trần Nguyên Hứa là một trong số đó. “Tôi quê Thái Bình. Vào đất này lập nghiệp từ 1993 và bắt đầu nuôi heo từ đó. Những năm đầu, nuôi chỉ khoảng 10 con heo thịt rồi dần dần nâng số lượng”- anh Hứa chia sẻ. Tuy nhiên, theo anh Hứa, trước thời điểm có điện lưới quốc gia (2011), dù hết sức cố gắng vợ chồng tôi cũng chỉ có thể nuôi được khoảng 100 con heo thịt, vì việc bơm nước súc rửa chuồng và tắm cho heo phải thực hiện bằng máy chạy dầu, chi phí vừa cao, vừa vất vả. Từ khi có điện lưới, anh Hứa tăng mạnh đàn heo và đến thời điểm hiện tại, trong chuồng nhà anh thường xuyên duy trì 300 con heo thịt và 30 heo nái. Mỗi năm xuất khoảng 70 tấn heo thịt, thu về ít nhất 350 triệu đồng.
Anh Hứa tính toán: Với việc bơm nước tưới bằng máy diesel, mỗi tháng phải trả khoảng 450.000 đồng tiền dầu, đó là chưa kể chi phí mua sắm máy, sửa chữa thường xuyên. Trong khi đó, bơm nước bằng mô-tơ điện, mỗi tháng chỉ phải trả trên 100.000 đồng tiền điện. Một điều quan trọng khác, theo anh Hứa, bơm nước bằng điện khiến năng suất tăng gấp đôi. “Bơm tưới bằng máy dầu rất vất vả nên hai vợ chồng suốt ngày đầu tắt mặt tối và dù cố gắng hết sức cũng chỉ nuôi nổi 100 con heo. Từ khi có điện và bơm tưới bằng mô-tơ, cũng chỉ có hai vợ chồng song chúng tôi có thể nuôi đến trên 300 con mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi hay đi chỗ này, chỗ nọ khi cần thiết”- anh Hứa chia sẻ. Ngoài ra, vì có điện để cưa cắt, hàn xì, anh Hứa mua sắt thép về tự tay làm chuồng trại hoặc sửa chữa khi có nhu cầu nên rất tiện dụng và tiết kiệm một khoản chi phí rất đáng kể.
Nông thôn mới thêm mới
Tân Lập là xã duy nhất trong tỉnh Bình Phước được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Ông Lê Tấn Sỹ- Phó giám đốc Điện lực Đồng Phú (Công ty Điện lực Bình Phước) cho biết, ở thời điểm triển khai đề án thí điểm nông thôn mới (2011), tỉ lệ hộ dân có điện ở Tân Lập khá thấp, chỉ 70%. Năm 2011, ngành điện đầu tư trên 5,7 tỷ đồng phát triển lưới điện ở Tân Lập, trong đó tập trung chủ yếu ở hai ấp 4 và 8, với khối lượng 4,7 km đường dây trung thế, gần 18 km hạ thế và trạm biến áp tổng dung lượng 485 kVA. Dự án hoàn thành đã tăng tỷ lệ hộ dân trong xã được sử dụng điện lên 99,04%.
Ông Nguyễn Văn Nam nói rằng, Tân Lập đã được đầu tư hoàn tất 19 tiêu chí phát triển nông thôn mới. Việc đầu tư này đã giúp Tân Lập có một diện mạo mới, trong đó điện là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên cú hích cho sự phát triển khá mạnh mẽ ở đây. Từ khi có điện, số hộ khá, giàu trong xã tăng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 24 triệu đồng/năm, tăng lên 28,962 triệu đồng trong năm 2013 và đạt 31 triệu đồng vào năm 2014. Số hộ nghèo cũng theo đó giảm dần, nếu như đầu năm 2015 có 29 hộ nghèo thì đến cuối tháng 9 này giảm xuống còn 24 hộ, chiếm 0,87% số hộ dân toàn xã.
Ông Lê Tấn Sỹ -Phó giám đốc điện lực Đồng Phú cho biết, toàn huyện Đồng Phú hiện có 94% hộ dân có điện. Theo kế hoạch, đến năm 2016, tỷ lệ hộ dân có điện được nâng lên 99%. Ngành điện đã bố trí vốn đầu tư lưới, đưa điện đến những nơi tỷ lệ hộ dân có điện còn thấp như ấp Suối Binh (xã Đồng Tiến), ấp Đồng Tân (xã Tân Hòa)… Dự án sẽ được triển khai thực hiện ngay trong cuối năm 2015 và năm 2016.