Rà soát hoạt động kinh doanh đa cấp trên toàn quốc

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Liên Kết Việt Lê Xuân Giang và một số cấp dưới đã bị bắt giam để điều tra về hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Liên Kết Việt Lê Xuân Giang và một số cấp dưới đã bị bắt giam để điều tra về hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
TP - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) vừa có văn bản gửi Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương yêu cầu rà soát và có báo cáo về các hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp trên toàn quốc trước ngày 15/5.

Theo lãnh đạo Ban 389, thời gian qua, nhất là từ năm 2015 đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng khe hở của pháp luật cũng như việc buông lỏng thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng để bán các sản phẩm hàng hóa với giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực, bán các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Nhiều đơn vị còn có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người tiêu dùng, gây bức xúc cho xã hội.

Để đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Ban chỉ đạo 389 đề nghị Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá thực trạng tình hình hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. 

Cùng đó, thống kê, lập danh sách những doanh nghiệp đã được cấp phép, đang đề nghị cấp phép, bị rút giấy phép hoặc kinh doanh bán hàng đa cấp không có giấy phép. 

“Cơ quan chức năng phải báo cáo về kết quả thanh, kiểm tra cũng như phát hiện, xử lý những tổ chức cá nhân, hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp vi phạm (kèm bản photo hồ sơ những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn đến quyền lợi người tiêu dùng)”, lãnh đạo Ban 389 yêu cầu.

Chấm dứt hoạt động của nhiều công ty đa cấp

Theo Sở Công Thương Hà Nội, Sở này đã xử ly và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp với 3 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố là Cty Cổ phần Tân Ích Mỹ; Cty TNHH AIM STAR NETWORK Việt Nam và  Cty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu thương mại VI NA LINH (công ty từng bị xử phạt 141 triệu đồng hồi năm 2015 vì nhiều vi phạm trong kinh doanh đa cấp).

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 5 doanh nghiệp gồm: Cty Cổ phần liên kết và sản xuất thương mại Việt Nam; Cty Cổ phần Sản xuất thương mại Con Đường Việt (từng bị phạt 284 triệu đồng năm 2015); Cty Cổ phần New Power Việt Nam (hiện nay đổi tên thành Cty Cổ phần Trái tim Ngọc Việt); Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế TNC và Cty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668.

“Sở cũng vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị xin giải tỏa tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Everrichs Global. Những người từng tham gia bán hàng đa cấp của công ty này, từ nay đến trước 2/6/2016, có thể yêu cầu Công ty Cổ phần Everrichs Global thực hiện nghĩa vụ với người tham gia bán hàng đa cấp theo đúng quy định của pháp luật”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nói.   

Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa có báo cáo về tình hình kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trong năm 2015 và quý I/2016 trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm 2015, Đà Nẵng kiểm tra 11 cơ sở bán hàng đa cấp thì có đến 10 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 118,5 triệu đồng. Trong số các cơ sở bị xử phạt có Chi nhánh Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại Đà Nẵng. Thông tin từ cơ quan thuế cho biết, năm 2015, Thiên Ngọc Minh Uy bị phạt chậm nộp với số tiền hơn 2,74 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG