Không thể liên lạc, “livestream”
Cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay, chị Hồ Mỹ Hương, du khách đến từ Hà Nội, chỉ biết chụp hình để lưu giữ những khoảnh khắc gia đình chứ không thể “livestream” chuyến hành trình thăm vịnh Hạ Long đầy lý thú cho bạn bè mạng xã hội.
Du khách liên tục phàn nàn về việc không có sóng điện thoại khi tham quan vịnh Hạ Long |
“Không thể tin là một địa điểm du lịch nổi tiếng như vịnh Hạ Long lại không có sóng điện thoại. Ngay đến việc gọi về nhà cũng không thể thực hiện chứ chưa nói gì đến việc du khách muốn sống ảo. Càng xa bờ sóng càng yếu và mất hẳn khi tàu tiến sâu vào những dãy núi đá. Không chỉ bất tiện cho việc liên lạc mà đây cũng là bất lợi cho việc quảng bá du lịch vịnh Hạ Long”, chị Hương nói.
Theo đại diện Chi hội Du lịch Hạ Long, việc lõm sóng điện thoại trên vịnh Hạ Long đã kéo dài nhiều năm nay. Việc du khách liên tục phàn nàn việc không có sóng điện thoại khi thăm vịnh đã được Chi hội phản hồi lên cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
“Việc đưa hình ảnh của vịnh Hạ Long trên các mạng xã hội của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá cho du lịch. Nhưng điều này Quảng Ninh chưa làm được”.
Giám đốc một hãng lữ hành quốc tế
“Đối với khách quốc tế, khi đến bất cứ một điểm tham quan mới, họ đều muốn “check-in”, gọi “video call”, chụp ảnh gửi về cho người thân, bạn bè. Xu hướng “livestream” khi đi du lịch cũng ngày càng được nhiều người thích thú. Và rõ ràng, việc đưa hình ảnh của vịnh Hạ Long trên các mạng xã hội của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá cho du lịch. Nhưng điều này Quảng Ninh chưa làm được”, giám đốc một hãng lữ hành quốc tế chia sẻ.
Ảnh phối cảnh trạm BTS với cột anten được ngụy trang dạng cây cọ ở khu vực làng chài Vung Viêng |
Theo khảo sát của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, các nhà mạng lớn như Viettel, Mobifone, Vinaphone hiện tại đều chưa phủ sóng hết các vị trí trên các tuyến du lịch của vịnh. Với mật độ phủ sóng như hiện tại, nhiều điểm tham quan các đảo, tuyến tàu chạy trên vịnh, tín hiệu mạng di động của các nhà mạng rất yếu, thậm chí mất sóng hoàn toàn do các dãy núi che chắn.
Thực trạng này không đáp ứng được nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế sử dụng dịch vụ Internet, thông tin liên lạc cũng như ảnh hưởng tới công tác an ninh - quốc phòng, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên vịnh.
“Sóng 3G không đủ để khách truy cập internet và thường xuyên bị mất sóng điện thoại, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình liên lạc điện thoại về bờ. Có những hành trình 2-3 ngày, du khách không thể liên lạc về nhà và chúng tôi cũng không thể sử dụng thiết bị wifi để theo dõi và giám sát tàu du lịch.
Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu phương án mở thêm các trạm cung cấp sóng điện thoại, sóng 4G cho các khu vực này để phục vụ cho các tàu du lịch”, đại diện doanh nghiệp khai thác tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long cho biết.
Quyết tâm phủ sóng
Hiện tại, trên vịnh Hạ Long chỉ có 2 vị trí đã được đặt trạm BTS phát sóng của các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone… và chưa phủ sóng hết các vị trí trên các tuyến du lịch của vịnh. Qua khảo sát, 6 khu vực cần được đầu tư trạm phát sóng BTS là: khu vực làng chài Cửa Vạn, đảo Soi Sim, khu vực Cống Đỏ, khu vực hòn Đỉnh Hương, khu vực làng chài Vung Viêng, khu vực Bái Đông (hòn Mắt Rồng).
Viettel đã lên phương án đầu tư xây dựng 6 trạm BTS với kinh phí gần 3,8 tỷ đồng để phủ sóng các vùng “lõm” trên vịnh. Các trạm BTS được xây dựng theo hình thức cột anten ngụy trang dạng cây cọ, phòng máy lắp ghép ngụy trang bằng vật liệu thân thiện với cảnh quan, môi trường xung quanh.
Mặc dù đã có phương án, kế hoạch, thiết kế được thực hiện bài bản, đầy đủ và theo dự kiến, 6 trạm BTS này sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2023. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, các trạm này vẫn chưa được triển khai xây dựng vì vị trí khảo sát xây dựng trạm đều nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Do vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới nên mọi việc đầu tư tại đây phải theo quy định của Luật Di sản văn hóa, đồng thời tuân thủ theo quy trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các văn bản pháp luật liên quan khác... Đặc biệt, bất kỳ hoạt động nào tác động vào các núi đá, rừng... giữa vùng lõi vịnh Hạ Long cũng phải tham khảo ý kiến của UNESCO.
Quy hoạch cũ của vịnh Hạ Long đã hết hạn, phải chờ quy hoạch mới thì mới có thể triển khai được các dự án trong ranh giới di sản. Quy hoạch mới dự kiến phải 2 năm nữa mới xong.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan với Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy kiến nghị Chính phủ sớm giao các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai phủ sóng thông tin di động trên vịnh Hạ Long. Đặc biệt là giải quyết khó khăn việc lắp đặt các trạm BTS trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.