PV Tiền Phong đã cuộc trao đổi với ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long - xoay quanh công tác bảo vệ và những giải pháp cải thiện môi trường di sản vịnh Hạ Long.
- Thưa ông, thời gian vừa qua vịnh Hạ Long xuất hiện nhiều loại rác trên mặt nước. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến môi trường vịnh như thế nào?
Vịnh Hạ Long đã 2 lần được ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị cảnh quan năm 1994 và giá trị địa chất - địa mạo năm 2000, năm 2023 được mở rộng ranh giới là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Mỗi năm vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua tại một số thời điểm đã xuất hiện tình trạng gia tăng rác thải trôi nổi, đặc biệt là xuất hiện tình trạng phát tán phao xốp với số lượng lớn trên vịnh gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, ô nhiễm nước biển, gây bức xúc trong cộng đồng, khách tham quan và làm ảnh hưởng tới uy tín khu di sản.
Mỗi ngày có hàng chục khối rác được vớt lên từ vịnh Hạ Long. |
- Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
Năm 2023, để đảm bảo cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương xử lý triệt để tình trạng nuôi trồng thuỷ sản không đúng quy định tại các khu vực ven bờ và phụ cận vịnh Hạ Long (vịnh Bái Tử Long).
Theo đó, tỉnh chỉ đạo tháo dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản không đúng vị trí được quy hoạch, đối với các lồng bè tại các vị trí được quy hoạch nuôi trồng phải thực hiện việc chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thuỷ sản từ phao xốp sang các vật liệu bền vững khác, thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ, di dời lồng bè và thay thế phao xốp với số lượng lớn, do chưa được tập kết, thu gom kịp thời, khi gặp thủy triều lớn đã theo dòng chảy phát tán sang khu vực vịnh Hạ Long. Do diện tích vịnh Bái Tử Long quá lớn nên một lượng lớn các mảnh vỡ phao xốp chưa được thu gom triệt để vẫn còn tồn đọng tại các chân đảo thuộc vịnh Bái Tử Long. Sang đầu năm nay, khi gặp thủy triều lớn, lượng rác đã theo dòng chảy phát tán sang khu vực di sản vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, trong thời gian qua xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, giông lốc bất thường đã cuốn nhiều rác thải và đặc biệt là lá cây, mùn cây từ hơn 5.000 ha rừng đặc dụng trên các đảo đá vôi xuống vịnh Hạ Long. Các mùn, lá cây kết hợp với lượng rác thải sinh hoạt phát tán từ các khu dân cư, đô thị đã gây cảm giác có lượng lớn rác thải trên vịnh Hạ Long.
Rác thải trên vịnh Hạ Long đa số là phao xốp bị loại thải từ các bè nuôi trồng thủy sản ở các khu vực lân cận vứt bỏ. |
- Xin ông cho biết những biện pháp thu gom rác trên vịnh Hạ Long trong thời gian qua?
Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom rác, việc thu gom được chia làm 2 vùng: vùng ven bờ vùng đệm và vùng lõi Di sản vịnh Hạ Long, cụ thể:
Khu vực ven bờ vùng đệm: Do UBND thành phố Hạ Long thực hiện, hoạt động thu gom tập trung vào dải nước ven bờ và vùng bờ biển nhằm ngăn chặn, giảm thiểu rác thải từ nguồn phát tán ra vịnh Hạ Long. Tất cả rác thải sau khi thu gom đều được vận chuyển đưa đi xử lý trong ngày.
Khu vực vùng lõi di sản: Do Ban Quản lý vịnh Hạ Long triển khai thực hiện, các hoạt động thu gom tập trung chính tại các khu vực hoạt động kinh tế xã hội trên vịnh như các tuyến, điểm du lịch, khu vực nuôi trồng thủy sản, các điểm thường xuyên tụ đọng rác (ven chân đảo, bãi cát…), luồng chảy từ khu vực ven bờ vào vịnh. Tại các khu vực tập trung phương tiện hoạt động, Ban Quản lý vịnh Hạ Long bố trí các thùng rác nổi để tập kết rác thải, thuận tiện cho người dân bỏ rác. Tất cả rác thải thu gom được trên vịnh Hạ Long đều được vận chuyển về bờ xử lý trong ngày.
Trong các đợt cao điểm khi xuất hiện nhiều rác, Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ động bổ sung nhân lực, phương tiện, phạm vi thu gom, cùng với thành phố Hạ Long và các ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, nhân lực, phương tiện của các doanh nghiệp hoạt động trên vịnh, huy động sự vào cuộc các tổ chức đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên, lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích và nhân dân để tổ chức thường xuyên các đợt ra quân tăng cường dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phao xốp trên vịnh, nhặt rác thải tại các khu vực ven bờ biển, chân núi đá, bãi cát để ngăn chặn từ nguồn phát tán rác thải ra di sản vịnh Hạ Long.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với UBND thành phố Hạ Long tiếp tục hoàn thiện phương án thu gom, nâng cao hiệu suất, áp dụng công nghệ mới trong thu gom rác thải, ngăn chặn tốt việc phát sinh rác thải từ nguồn, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát tán rác thải ra vịnh Hạ Long.
Môi trường vịnh Hạ Long được cải thiện nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng. |
- Những nỗ lực ngăn chặn và cải thiện về vấn đề môi trường vịnh đã đem lại kết quả như thế nào thưa ông?
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng với sự triển khai triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn từ nguồn phát sinh chất thải ra vịnh Hạ Long của Ban Quản lý vịnh Hạ Long và chính quyền các địa phương, tình trạng phát sinh rác thải trên vịnh Hạ Long cơ bản đã kịp thời được xử lý, đặc biệt sự cố môi trường liên quan đến phát tán phao xốp từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản cơ bản đã được khắc phục, ý thức người dân và du khách được nâng cao, chất lượng môi trường vịnh Hạ Long ngày càng được cải thiện. Theo báo cáo môi trường định kỳ hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường, các chỉ số chất lượng môi trường vịnh Hạ Long cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam.