Cụ thể, người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN phải bồi thường cho nhà nước những thiệt hại do quyết định hoặc phê duyệt đầu tư sai.
Trong thảo luận các đại biểu đều đồng tình sự cần thiết ban hành luật này bởi đang có lỗ hổng pháp lý và trách nhiệm khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2003 hết hiệu lực.
Các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cho rằng, hiện nay phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các DN giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi.
Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, quy định các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN còn thiếu và không đồng bộ.
Ngoài ra, cơ chế giám sát của QH và các chủ thể liên quan khác đối với hoạt động của DNNN chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ, tương xứng với hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN dẫn đến hạn chế về tính minh bạch và công khai của hoạt động này.
ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) đề nghị, quy định rõ trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, bao gồm cả trách nhiệm hành chính và hình sự nếu để DN thất thoát, thua lỗ.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thì cho rằng, có nội dung trong dự thảo luật còn bê nguyên văn nghị quyết nên chưa rõ trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu và quyết định thành lập DNNN.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam)cho rằng, luật đang trao quyền quá rộng cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại DN mà thiếu phần trách nhiệm và trách nhiệm chưa tương xứng với quyền được giao.
Ông Tiến kiến nghị, luật quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ra quyết định hoặc phê duyệt đầu tư sai dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. “Cần quy cả trách nhiệm bồi thường cho nhà nước do quyết định hoặc phê duyệt đầu tư sai, kém hiệu quả”, ông Tiến nói.