Quyền tác giả - tản mạn ký

Quyền tác giả - tản mạn ký
Từ khi có kinh tế thị trường, xuất hiện những người làm sách lấy lãi, có khi một vốn bốn lời, mà người viết sách không có thu nhập tương ứng, vấn đề quyền tác giả đã nổi lên, nhưng rồi không ai giải quyết.
Quyền tác giả - tản mạn ký ảnh 1

Nhà thơ Vũ Quần Phương (giữa) tại một cuộc hội thảo về bản quyền tác giả.
Ảnh: Trọng Đức

Người viết, đã mang lấy nghiệp vào thân, không ai vì thế mà bỏ nghề, tự tìm lấy thắng lợi tinh thần mà đi tiếp. Mọi sự vẫn chưa được cải thiện. Tôi chỉ xin kể những điều chính tôi đã biết, đã trải.

Hồi các năm đầu thập niên 90, NXB Khánh Hoà xuất bản loạt sách lấy tên là Bình luận văn học, không ghi rõ tên soạn giả. Trên trang 1, bìa giả, có ghi hàng chữ, tôi chép nguyên văn: "Tuyển chọn và trích dẫn những bài phê bình - bình luận văn học của các nhà văn - nghiên cứu Việt Nam và thế giới". Dưới ghi Vũ Tiến Quỳnh.

Tôi đoán người soạn  bộ sách này là ông Quỳnh đó. Bộ sách hàng mấy chục tập. Cứ một hoặc hai tác gia xếp vào một tập. Những tác giả Việt Nam, thấy quảng cáo, có các tập: Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Quang Dũng, Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử...

Người soạn sách không viết bài nào, kể cả lời nói đầu. Mở ra là vào ngay các bài sưu tầm. Mỗi tập có đến ngót hai chục bài viết của nhiều tác giả. Tôi cũng là tác giả được dùng bài trong một số tập. Tôi không hề biết.

Nhưng rồi ngẫu nhiên, tôi và nhà làm sách kia có dịp gặp nhau trong đám bạn bè thân ái. Nhà soạn sách hồ hởi, nói rất vui được gặp tôi, ông đang muốn tìm. Ông cho biết có dùng nhiều bài viết của tôi cho bộ sách phục vụ học sinh học văn trong nhà trường.

Ông còn nói thêm: "Làm loại sách này sưu tầm vất vả lắm, không lời lãi gì, được cái học trò rất thích, mua nhiều. Thôi cũng là cách giúp cho sự học của nước nhà".

Ông lấy trong cặp ra 2 quyển tặng tôi. Đó là quyển Thơ văn Hồ Chí Minh và quyển Chế Lan Viên - Hàn Mặc Tử. Ông nói tiếp, rằng ông còn dùng nhiều bài khác của tôi trong các quyển khác, nhưng không còn, còn hai quyển này thì tặng tôi cả.

Ông không nói tới nhuận bút. Nhưng khi ra về rồi, ông lại quay trở lại tặng tôi hai cân đường. Tôi hiểu ngầm đây là nhuận bút cho toàn bộ các bài ông dùng của tôi.

Viết văn làm thơ cao cả thế, ai lại nhất kiến mà hỏi nhuận bút, nó tầm thường đi. Tôi “hùng dũng” cảm ơn, chỉ mong ông soạn sách cho tôi đủ các quyển có bài của tôi. Nhưng rồi tôi chả nhận thêm được quyển nào và cũng không được gặp quý nhân ấy nữa.

Những năm vừa qua, NXB Giáo dục có sáng kiến ra loại sách tác giả như Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính... Cũng là một cách tập hợp các bài viết tiêu biểu về từng tác giả, giúp ích cho việc nghiên cứu học tập.

Tôi đánh giá đây là  việc làm có ý nghĩa thiết thực cho xã hội. NXB hợp đồng với  nhà phê bình để sưu tầm và biên soạn sách. Tôi cũng có may mắn được lấy bài vào một số cuốn.

Có cuốn tôi được người biên soạn mang sách đến tặng. Tôi rất cảm kích. Cứ băn khoăn nhuận bút của mình liệu có bù được giá tiền cuốn sách không.

Vì cuốn sách dày dặn, có công phu tuyển chọn. Nhưng cũng có cuốn, tôi không được biếu sách, không nhuận bút và cũng không một lời báo tin. Ngẫu nhiên mà biết.

Thầm trách người soạn sách khi biết NXB có trả nhuận bút cho cả cuốn sách thông qua ông/bà ấy. Cũng chả nỡ hỏi. Thích thì bỏ tiền ra mua. Không mua thì biết để đấy. Cố lấy thế làm vui. Nhưng thấy rõ đó là sự bất công. Một  sự chiếm đoạt. Ý nghĩa vật chất không lớn, nhưng cái cách ăn ở với đồng nghiệp thì đáng trách, đáng giận.

Sau năm 2000, một loạt tuyển tập thơ ôm trùm thế kỷ 20 của cả nước, của từng địa phương, rồi tuyển thơ theo đề tài, theo tác giả... Có tập dày, hàng ngàn bài, do từng cá nhân chọn lựa và xuất bản. Giá bán cao.

Tôi có bài được tuyển nhưng không hề được báo tin, không có nhuận bút, cũng không có sách biếu. Việc làm này không phải chỉ là đáng trách vì có người chuyên làm loại sách này, lấy đó làm nghề kiếm sống, lại nhập nhằng như đang tự nguyện xả thân cho những công trình tầm cỡ.

Nhưng thật ra trình độ tuyển còn nhiều bất cập, lại tuyên truyền và phát hành như một công trình "thế kỷ".  Việc này cũng có lỗi của các cơ quan quản lý xuất bản, của Hội nhà văn.

Bán giá cao thu lợi nhuận đậm. Đã thế lại còn lấy tài trợ của những tác giả nghiệp dư, thường là thủ trưởng các cơ quan kinh tế, chất lượng bài của họ chưa cao, nhà làm tuyển ưu ái đem in trang trọng vào tuyển, nói là để lại cho muôn đời con cháu (!) thì các tác giả ấy đương nhiên phải hỗ trợ tiền hoặc mua hàng trăm cuốn sách, giá hàng chục triệu đồng (tiền chùa) làm quà tết cho cán bộ công nhân viên trong cơ quan mình.

Có khi những cơ quan lớn cũng mua hàng dăm bảy trăm cuốn để tặng cho đại biểu. Thế là hàng trăm nhà thơ coi như bị mất cắp thành quả lao động và một ông tài năng vu vơ thành người phán xét cho cả một giai đoạn thi ca.

NXB là nơi cấp giấy phép thu quản lý phí, sách không phản động, không chống dân tộc là được, còn hay dở, đúng luật, họ không chịu trách nhiệm. Hay, dở là việc phải lo của anh bỏ tiền in.

Mà anh bỏ tiền in thì chỉ mua giấy mà được bán thơ. Các tác giả, từng người một, thì thấy quyền lợi của mình cũng là nhỏ bé so với quyển sách to dày thế kia. Nhưng nếu các tác giả, thông qua trung tâm bản quyền, đồng loạt đòi quyền tác giả thì liệu ông soạn sách hết lòng vì văn chương kia, liệu có còn "lòng" làm sách nữa hay không?

Thậm chí, đến một cơ quan văn chương, như Hội Văn nghệ Nam Định, gửi công văn cho các nhà văn, nhà thơ đồng hương yêu cầu gửi bài về để hội làm tuyển tập thế kỷ cho tỉnh nhà.

Chúng tôi chép tay, đánh vi tính, hoặc photocopy náo nức gửi về.  Sách ra, không được báo tin, không được biếu sách, không trả nhuận bút. Tác giả nào hỏi thì được trả lời tận tình là Hội cho một tư nhân in, các tác giả đến đấy mà  mua sách, họ trừ cho ít tiền, đâu mỗi bài thơ được mười nghìn đồng.

Tôi không biết Hội Văn nghệ Nam Định có được người làm sách trả tiền bản thảo không. Nhưng chúng tôi thất vọng vì cung cách làm việc của hội quá. Các vị đại diện cho giới văn chương mà ở thời điểm này còn coi  rẻ tác quyền nhà văn đến thế, e không thích hợp!

Nói đến sự thoả thuận với tác giả thì thấy cũng nhiều biến tướng lắm. Các tác giả, phần lớn không rành chế độ nhuận bút. Nhà làm sách đề ra kiểu trả nào thì người viết sách cũng chấp nhận.

Trả theo phần trăm giá bìa là hợp lý nhất. Nhưng tỷ lệ nên là bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào để định tỷ lệ ấy, thì người viết không biết mà người làm sách, nhất là các tư nhân lại say mê lợi nhuận tối đa.

Hạ thấp tỷ lệ trả đã đành, đôi khi, ở một số người lại "ăn gian" cả số lượng in, in nhiều nhưng ghi ít, in nối bản không công bố... Một số tư nhân làm sách lại áp dụng trả nhuận bút một lần, tính ra tương đương với trả theo giá bìa cho 1000 cuốn, nhưng giữ độc quyền in hai năm.

Lượng sách in ra có tới hàng vạn, nhưng tác giả không được thêm gì, ngay cả sách biếu. Nhà văn Tô Hoài có lần than: Mình như người nuôi lợn, thức khuya dạy sớm băm bèo nấu cám, bỏ công bỏ vốn, được mấy phần trăm, còn anh đồ tể xả lợn đem ra chợ, thì năm, sáu mươi phần trăm. Nhà văn xuôi đã phải kêu đến thế thì nhà thơ còn tủi đến đâu.

Thơ kén độc giả, lại bị chìm ngập trong rất, rất nhiều tập thơ "phong trào". Các NXB có sáng kiến đối xử: các tác giả tự bỏ tiền in rồi tự bán lấy. Nhiều tác giả phải đi gửi các hiệu sách mỗi nơi vài chục cuốn.

Nhưng rồi cũng ngại đi thu tiền, nhặt từ một vài trăm, không bõ công đi, đi taxi thì không đủ trả tiền xe. Chưa kể khi đến nơi, người ta trả lời: chưa bán hết, thơ ông ế lắm.

Nghe  mà rùng mình, tổn thọ. Nhưng giá có đòi lại những cuốn ế, ông chủ cúi xuống lục tìm rồi trả lời như nói vào chỗ không người: Không hiểu chúng nó vứt đâu, hôm nọ dọn quầy,  vứt cả đống vào góc nhà, có khi lại tống ra đồng nát rồi!

Thà mất mấy đồng tiền còm còn hơn được đối xử như vậy. Nhà thơ tự an ủi: sách đến người đọc là được rồi. Có điều, trước mặt các bà vợ,  nhà thơ  thành anh dở người, đăm chiêu vất vả quanh năm mà không ra cái tích sự gì, còn hại thêm tiền in sách, cho không.

Có nhà thơ chuyên nghiệp, thâm niên làm thơ, biên tập thơ cho báo của Hội Nhà văn Việt Nam hẳn hoi, tới nửa thế kỷ, bực mình, cho in thẳng vào bìa bốn, chỗ người ta thường in giá tiền, dòng chữ sách không bán cho oách, giống như hàng quý trưng bày trong quầy mậu dịch thời bao cấp, có dòng chữ hàng không bán.

Tôi được đọc dòng chữ ấy trên giá sách một người bạn thơ, nhưng không biết ai lại nghịch ác, viết thêm một chữ được bằng bút bi, thành: sách không bán được. Tội nghiệp thế! Mà đấy là tập thơ hay. Trong tình cảnh ấy thì ai in ra trả nhuận bút thế nào mà chả ưng.

Và những người làm các tuyển tập thơ dày cộp mới tự cho mình cái quyền xông vào sách của người ta như vào nhà không chủ,  khuân thơ ra, tự do in, bán lấy lời.

Khi gặp tác giả còn vỗ vai ban ơn: Tớ vừa lấy mấy bài của cậu in vào tuyển A tuyển X. Sách in trang trọng, vĩ đại lắm. Sướng nhé! Muốn mua tặng bạn bè, con cháu thì đến ngay đi, vân vân...

Kể ra nếu chỉ mong thơ mình đến được bạn đọc thì đấy quả là ơn thật. Phải cám ơn người ta. Tôi đã cám ơn nhiều lần như thế. Nhưng tôi không đi mua cái quyển trang trọng ấy. Coi nó như không có cho đỡ bực mình, hại sức khoẻ.

Năm ngoái năm kia, tự nhiên tôi nhận được thư của NXB Giáo dục báo tin và cũng là cám ơn về việc đã lấy bài của tôi in vào sách..., lại còn gửi cho nhuận bút, đúng là tiền tự trên trời  rơi xuống, cảm động suýt khóc.

Xúc động đến mức định liều mình đến đòi nhuận bút những bài phê bình trước đây người ta chưa trả khi in trong các sách về từng tác gia văn học. Nhưng rồi cũng tự tri túc mà dừng lại. May đấy. Cái giống thơ sung sướng quá, dễ hoá rồ. NXB đang thí nghiệm cơ chế mới. Mình hăng hái quá, người ta khiếp thì mất nhờ.

Chuyện nhuận bút thì hài hước lắm mà cũng tủi lắm, tẩn mẩn kể ra thì cũng chả hay gì cho nghề mình, vợ con nó biết càng coi thường. Nhưng cũng phải nói, có thời, ông Tô Hoài lĩnh cái nhuận bút truyện phim Vợ chồng A Phủ mua được cái nhà ở phố Đoàn Như Hải.

Bản thân tôi, năm 1969, được in tác phẩm đầu tay, chỉ là nửa tập thơ ở NXB Văn học, nhuận bút bằng bốn tháng lương bác sỹ, đủ mua bánh kẹo, lấy được vợ. Thế nên mới bỏ nghề ông lang, đi làm thơ.

Chứ bây giờ chỉ ba ngày nhổ răng đồng bào, ông bác sĩ nha khoa có thu hoặch ngang nhuận bút tập thơ rồi. Phú quý giật lùi. Nó không chỉ làm yếu sức khoẻ và chiều cao các nhà văn mà làm yếu làm lùn đi cả nền văn học nước nhà. Nghệ tinh thì thân vinh.

Nhưng trong giới văn, sách giải trí, sách ly kỳ mới là sách ăn khách, mới ra tiền. Chứ ông tinh ông tài, chưa chắc.

Việc hình thành hệ thống tổ chức lo quyền lợi tác giả là một đáp ứng do đòi hỏi bức bách của thực tế và là một bước trưởng thành trong việc tôn trọng giá trị tinh thần, tôn trọng lao động sáng tạo.

Không phải chỉ là công bằng trong phân phối thành quả lao động xã hội nó còn là dấu hiệu của văn minh, đạo lý.

Xuất phát từ tính cách người Việt Nam mình, các tác giả viết sách thường rất ngại sa vào chuyện tiền nong nhiều ít,  tôi mong các tổ chức quyền tác giả, như Trung tâm Quyền tác giả của Hội Nhà văn, từ nghiên cứu thực tế mà đề xuất thang nhận bút có lý có tình, kể cả tái bản hoặc sử dụng lại dưới mọi hình thức, để các tác giả siêng năng và có tài sống được bằng nghề của mình, và các nhà làm sách cũng hào hứng truyền bá nhanh rộng những thành tựu của văn chương.

Việc này phải quan tâm tới lợi ích của nhiều phía: tác giả, nhà làm sách, nhà bảo vệ quyền tác giả và nhất là bạn đọc. Chứ chỉ hai hay ba thành phần trên ưu ái cho nhau, mà giá bán cuốn sách cao quá so với thu nhập của bà con ta, thì chúng ta mất độc giả, cái mất lớn nhất của nhà văn.

Theo Vũ Quần Phương
Văn hóa

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.