Quy hoạch vùng xả lũ: Làm sao hạn chế tối đa thiệt hại?

Quy hoạch vùng xả lũ: Làm sao hạn chế tối đa thiệt hại?
TP - Trận lũ lịch sử vừa qua làm 91 người chết, mất tích, thiệt hại tài sản hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng vùng xả lũ Vĩnh Lộc, Thạch Thành (Thanh Hóa) và Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình), lũ đã gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng. Liệu có thể hạn chế tối đa thiệt hại mỗi khi lũ về?

Lũ dữ đi qua đã gần chục ngày nhưng nỗi sợ hãi vẫn còn nguyên vẹn trong mắt người dân. Bà Hoàng Thị Hải (thị trấn Kim Tân, Thạch Thành, Thanh Hóa) đã gần bảy mươi tuổi, vẫn hoảng loạn khi trò chuyện với phóng viên về cơn “đại hồng thủy”.

Trận lũ năm 1996 tràn qua đê, rồi xói lở làm thân đê vỡ nát nhiều đoạn khiến hàng trăm ngôi nhà của thị trấn Kim Tân và một số xã của huyện Thạch Thành chìm trong biển nước. Sau lũ, người dân lại xúm lại quanh nhau, giúp nhau gượng dậy. Nhiều gia đình đã vay mượn xây những căn nhà cao hơn chút ít.

Trong những căn nhà đó, tất cả những người dân trong vùng lũ này lại có thêm gác xép cao hơn ngấn nước đỉnh lũ vài chục phân, đề phòng lũ sẽ về...

Thế nhưng, không ai ngờ, những tính toán đó lại hoàn toàn thất bại trước trận lũ bắt đầu từ đêm 5/10 vừa qua. Nước từ thượng nguồn các sông Mã, Chu, Bưởi đồng loạt đổ về và chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã dâng ngập cả vùng xả lũ rộng lớn hàng chục nghìn héc-ta, với hàng vạn ngôi nhà của các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành (Thanh Hóa) và Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình).

Mực nước đo được tại đây cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1996 tới 1 mét. Sự bất ngờ đó đã khiến chính quyền cũng như địa phương và ngay cả cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cũng không lường hết. Và do đó, hậu quả càng nặng nề hơn.

Ông Đỗ Văn Vơn - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc cho biết, huyện có khoảng 1.600 hộ với gần 7.000 người sống trong vùng xả lũ thuộc xã Vĩnh Hưng và làng Tân Phúc (xã Vĩnh Phúc).

Cứ mỗi lần lũ về, người dân lại lo nơm nớp. Bởi hiện nay, đê sông Bưởi cũng chỉ chịu được mực nước từ báo động II trở xuống. Công trình trong khu vực xả lũ này rất đơn sơ và chưa được đầu tư đúng mức. Khi lũ về, người dân không thể “sống chung với lũ” như mục đích quy hoạch vùng xả lũ đã đề ra ban đầu.

Di dời công sở, đầu tư dân sinh...

Tại Ninh Bình, vùng xả lũ sông Hoàng Long thuộc các huyện Nho Quan và Gia Viễn với hàng chục xã, khoảng hơn 100.000 người, trên diện tích hàng ngàn héc-ta. Cứ mỗi mùa lũ về, nếu đê Hoàng Long xả tràn thì hàng vạn người dân lại sống trong cảnh “đêm nằm, năm ở”.

Như trận lũ vừa qua, chỉ riêng huyện Nho Quan đã có gần 9.000 ngôi nhà bị ngập, với khoảng 10.000 hộ dân ở 17 xã bị ảnh hưởng. Tỉnh Ninh Bình đã đề nghị các biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vùng xả lũ sông Hoàng Long (với mức kinh phí khoảng 500 tỷ đồng) nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thành hiện thực.

Tại Thanh Hóa, có khoảng 40.000 người nằm trong vùng xả lũ sông Bưởi tại hai huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc. Tại huyện Thạch Thành, Chính phủ vừa đồng ý đầu tư 55 tỷ đồng để triển khai xây dựng các công trình chống lũ. Thế nhưng, chưa kịp thi công thì lũ đã về; số tiền này chưa bù đắp bao nhiêu so với thiệt hại mà lũ để lại.

Đã nhiều năm nay người dân đề nghị Nhà nước hỗ trợ để có thể xây dựng các công trình dân sinh kiên cố, chống chọi với lũ nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Ngay cả việc đề nghị nâng cấp, gia cố tuyến đê sông Bưởi chảy qua cũng chưa được quan tâm.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Mai Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, vùng xả lũ, phân lũ là cần thiết. Tuy nhiên, có hai khó khăn đối với vùng xả lũ này.

Thứ nhất, đê sông Bưởi chảy qua khu vực này sát với sông sâu, độ dính của đất lại kém nên đắp đê cao là rất khó; Thứ hai, việc gia cố đê bao gồm mở rộng mặt đê, bê tông mặt và thân đê, nâng độ cao của đê để hạn chế tràn thì gặp khó khăn về vốn.

Sau đợt lũ này, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ khẩn trương có văn bản đề nghị với Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp để hạn chế thiệt hại mỗi khi lũ về: Đầu tư thỏa đáng về hạ tầng, giao thông, thủy lợi...

Đối với công trình dân sinh, nhất là nhà cửa của dân trong vùng này, cần hỗ trợ đầu tư xây nhà kiên cố, cao hơn đỉnh lũ năm nay, và phải chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để ổn định sản xuất cho dân.

Cũng theo ông Mai Văn Ninh, riêng thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) là vùng rốn lũ, UBND tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ cho di dời toàn bộ công sở lên vùng cao hơn, có thể là khu vực ngã ba Dốc Tràu; đồng thời thực hiện giãn dân khu vực này.

“Đây là biện pháp căn cơ để hạn chế thiệt hại do lũ trong tầm nhìn xa về quy hoạch. Có như thế, mỗi khi lũ về, người dân mới yên tâm “sống chung”, chứ không bị động như bấy lâu” - Ông Mai Văn Ninh nói.

MỚI - NÓNG