'Quy hoạch như đường Lê Văn Lương là làm chết xe buýt'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, muốn tạo điều kiện cho phương tiện vận tải công cộng phát triển thì khi quy hoạch phải quan tâm đến giao thông. “Quy hoạch như đường Lê Văn Lương là làm chết xe buýt”, ông Thanh nói.
'Quy hoạch như đường Lê Văn Lương là làm chết xe buýt' ảnh 1

Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm "Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh"

“Làm nát quy hoạch rồi đổ tội cho giao thông”?

Tại tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu ra nhiều ý kiến để đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt cũng như các giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông.

Gợi mở nội dung cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, xe buýt là sự lựa chọn không thể thiếu của một đô thị văn minh. Để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều địa phương khác đã triển khai một loạt biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt. Tuy nhiên, “bức tranh” vận tải xe buýt tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội “vẫn chưa sáng được như kỳ vọng”.

Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề khiến xe buýt chưa hấp dẫn. Đặc biệt lộ trình xe buýt cũng chưa thuận tiện nên nhiều người nói rằng “tốt nhất là đi xe máy, "vù" cái đến tận nơi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, muốn tạo điều kiện cho phương tiện vận tải công cộng phát triển thì khi quy hoạch phải quan tâm đến giao thông. “Quy hoạch như đường Lê Văn Lương là làm chết xe buýt”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, khi làm quy hoạch đô thị, các cơ quan chức năng phải nghĩ đến giao thông, “chứ cứ làm phá nát quy hoạch rồi đổ tội cho giao thông là không phù hợp”.

“Khi tham gia thảo luận, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị phải quan tâm đến giao thông nhưng không ai nghe. Quy hoạch lúc đầu nhà có vài tầng, sau điều chỉnh làm mấy chục tầng thì hạ tầng giao thông nào chịu nổi. Liệu chúng ta có nên xem xét phá bỏ một số nhà cao tầng làm tắc nghẽn giao thông không? Theo tôi, có làm thế mới làm chùn tay những ông ký điều chỉnh quy hoạch. Phải lôi những ông đó ra xử lý”, ông Thanh nói.

Đồng tình với ý kiến của Thanh, ông Nhưỡng cũng cho rằng, nếu quy hoạch không tốt thì các cửa ngõ thành phố tắc hết, khi đó không chỉ xe buýt mà xe cá nhân cũng hoạt động hết sức khó khăn. Do đó, khi thực hiện công tác quy hoạch cần phải đặc biệt quan tâm đến giao thông.

Hạn chế xe cá nhân: Tranh cãi vẫn cam go

Về tư duy quản lý vận tải xe buýt, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, nhiều địa phương vẫn đang loay hoay giữa hai giải pháp "đóng - mở", nghĩa là vẫn tìm cách dùng biện pháp hành chính để hạn chế xe cá nhân, người dân phải buộc lòng sử dụng phương tiện công cộng.

“Cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, trên các diễn đàn rất cam go. Tôi chưa nghĩ bên nào có ý kiến thuyết phục hơn trong các giải pháp hạn chế, cấm xe cá nhân như một số địa phương có đề xuất giải pháp cấm xe máy năm 2023”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hướng đi của các địa phương đang tập trung vào các biện pháp hành chính bằng cấm đoán, hạn chế hơn là thúc đẩy theo nguyên tắc thị trường là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, “khách hàng là thượng đế”, “tiền nào của đấy” hoặc “thuận mua vừa bán”, dùng cơ chế thị trường để giải quyết vấn đề.

Trước ý kiến trên, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hạn chế phương tiện cá nhân bằng biện pháp hành chính không còn phù hợp.

Khẳng định, xe buýt là phương tiện văn minh, ông Nhưỡng kiến nghị ngành GTVT cũng như các địa phương cần tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ để ban hành chính sách mới hơn để phát triển tốt hoạt động xe buýt.

MỚI - NÓNG