Quy định mới về quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2023/NĐ-CP ngày 27/11/2023, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Thẩm quyền thanh tra 14 nội dung

Trong 5 Điều của Nghị định, Điều thứ nhất quy định TTCP là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Điều thứ hai về nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP, được quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/2016 và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ.

Trong đó, riêng lĩnh vực thanh tra, đơn vị sẽ thực hiện 14 nội dung, mà trọng tâm chính là xây dựng định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng kế hoạch thanh tra của TTCP; hướng dẫn bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra…

Đáng chú ý, TTCP có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra.

Ngoài ra, đơn vị cũng thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước...

Có trách nhiệm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Đối với việc tiếp công dân, Điều 3 của Nghị định quy định TTCP sẽ tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, giải quyết theo quy định của pháp luật; tiến hành xác minh nội dung tố cáo và báo cáo kết quả, kiến nghị biện pháp xử lý.

Trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, TTCP tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật theo thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiến hành thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước.

Quy định mới về quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ ảnh 1

Trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của TTCP có 19 đơn vị

Điều 3 trong Nghị định còn quy định cơ cấu tổ chức của TTCP có 19 đơn vị, gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III);

Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I); Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III); Cục Phòng, Chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV); Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Cục V).

Ban Tiếp công dân trung ương; Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Trường Cán bộ Thanh tra; Trung tâm Thông tin.

Trong đó, các đơn vị cấp Vụ; Cục; Ban tiếp công dân, là các tổ chức hành chính giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị như Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; Báo Thanh tra, Tạp chí… là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đáng chú ý, trong cơ cấu tổ chức của TTCP, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã được chuyển đổi mô hình tổ chức thành Cục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được quy định bổ sung tại Luật Thanh tra 2022.

Việc chuyển đổi từ Vụ sang mô hình Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, đồng thời để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ do Tổng TTCP giao, trong khi không làm tăng biên chế.

MỚI - NÓNG