Tiếp nối chính quyền Crimea, chính quyền thành phố Sevastopol (thuộc bán đảo Crimea nhưng được điều hành riêng biệt) vừa bỏ phiếu để gia nhập vào Nga. Hội đồng thành phố cũng quyết định sẽ thực hiện trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 để chính thức hóa quyết định này.
Thượng viện Nga hôm 7/3 hoan nghênh việc Crimea trở thành lãnh thổ của Nga nếu người dân ở đó quyết định rút khỏi Ukraine trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. “Trong cuộc trưng cầu dân ý, nếu người dân Crimea quyết định gia nhập Nga, chúng tôi, Thượng viện Nga, tất nhiên sẽ ủng hộ quyết định đó”, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nói trong một cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Tối cao (Nghị viện) Crimea Vladimir Konstantinov hôm 7/3.
Hạ viện Nga cũng đã hứa với người đồng nhiệm trong Hội đồng Tối cao Crimea rằng, sẽ ủng hộ “lựa chọn dân chủ và tự do” của người dân Crimea và Sevastopol, hãng thông tấn Nga Itar-Tass đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa trả lời công khai về đề nghị của Crimea. Báo Nga Kommersant hôm 7/3 đưa tin, Nga sẽ chi 3 tỷ USD mỗi năm nếu Crimea sáp nhập vào Nga.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ Ukraine cùng lên tiếng chỉ trích động thái của chính quyền Crimea. Tổng thống tạm quyền Ukraine Olekandr Turchynov tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là “bất hợp pháp và không cần thiết, trái với ý chí của người dân Ukraine”. Ông Turchynov trích dẫn Điều 73 trong Hiến pháp Ukraine nói rằng, những vấn đề liên quan biên giới phải được quyết định thông qua “trưng cầu dân ý trên cả nước Ukraine”.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Dmitry Bulgakov hôm 7/3 nói rằng, chỉ có 18 trong số 3.000 đơn vị quân đội và thiết bị đặc biệt cần được củng cố, sửa chữa trong đợt kiểm tra đột xuất gần đây về khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội ở vùng phía tây và trung tâm nước Nga.
Ông Bulgakov nhấn mạnh sự phối hợp nhanh và tốt của các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật. Khoảng 50 đơn vị đã tham gia diễn tập, và được đánh giá là phối hợp tốt, Itar-Tass đưa tin.
Ukraine mời NATO sang họp
Thủ tướng lâm thời Ukraine, ông Arseny Yatsenyuk, vừa mời Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (cơ quan ra quyết định chính trị chính yếu của NATO) tổ chức họp tại Kiev. “Chúng tôi tin rằng cuộc họp sẽ củng cố hợp tác giữa chúng ta”, ông Yatsenyuk nói trong chuyến thăm tới Brussels và gặp Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen cùng các quan chức châu Âu.
Ông Yatsenyuk nhắc lại đề nghị trước đó rằng, Ukraine mong muốn nhận được thêm viện trợ quân sự từ NATO “để tăng cường khả năng quốc phòng ở khía cạnh kỹ thuật”. Tuy nhiên, ông Yatsenyuk nói Ukraine không xem xét khả năng Ukraine gia nhập NATO, Itar-Tass đưa tin.
Sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko nói với Reuters rằng, trong một thỏa ước trước đây, Mỹ và Anh cam kết đảm bảo lãnh thổ của Ukraine, đổi lại việc nước này giao nộp kho vũ khí hạt nhân của mình. Bà Tymoshenko cũng cảnh báo Nga về một cuộc chiến tranh du kích tại Crimea.
Ngày 7/3, trong cuộc điện đàm lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga về tình hình Ukraine trong vòng chưa đầy một tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, hành động can thiệp của Nga là vi phạm chủ quyền Ukraine, rằng vẫn có giải pháp phù hợp với tất cả các bên.
Đó là Kiev và Mátxcơva ngồi xuống đàm phán, các giám sát viên quốc tế ở Ukraine và lực lượng Nga trở về căn cứ, Reuters trích thông báo của Nhà Trắng. Nhưng ông Putin nói rằng, Nga không thể “làm ngơ trước những lời khẩn cầu giúp đỡ, theo luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện kéo dài 1 giờ, ông chủ điện Kremlin nói rằng, không nên hy sinh quan hệ Nga - Mỹ vì những bất đồng này.
Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại rằng, Mátxcơva không đứng sau việc giành quyền kiểm soát Crimea, mà lực lượng không mang phù hiệu đang vây quanh các căn cứ ở Ukraine là “các đơn vị tự vệ địa phương”. Ông Putin cũng nói rằng, chính quyền mới ở Kiev đã áp đặt các quyết định hoàn toàn trái luật đối với Crimea, khu vực phía đông và đông nam Ukraine.
Washington hôm 6/3 đưa ra các biện pháp từ chối cấp visa đối với một số quan chức Ukraine và Nga “phải chịu trách nhiệm trong việc đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ "ĐIỂM NÓNG" UKRAINE
Cuộc họp của các lãnh đạo EU tại Brussels đã quyết định hoãn các cuộc đối thoại với Mátxcơva về việc nới lỏng du dịch cho người Nga vào EU và cảnh báo sẽ áp thêm biện pháp trừng phạt, như phong tỏa tài sản của các quan chức Nga, rút khỏi hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra tại Nga vào tháng 6…
Các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc viện trợ khoảng 15 tỷ USD cho Ukraine. Hôm 6/3, Hạ viện Mỹ nhất trí viện trợ 1 tỷ USD cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak hôm qua nói rằng, 12 máy bay tiêm kích F-16 và 300 quân nhân Mỹ tuần sau sẽ tới Ba Lan (giáp Ukraine), để tham gia diễn tập, Reuters đưa tin. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, 6 máy bay tiêm kích F-15 và 60 binh sĩ Mỹ vừa được đưa tới căn cứ không quân Siauliai ở Lithuania (giáp Ba Lan), tăng cường tuần tra vùng trời trên khu vực Baltic.