Theo sắc lệnh được đăng trên trang web của Quốc hội Crimea, các công dân sẽ được hỏi ý kiến trong cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Crimea trở thành “một chủ thể của Liên bang Nga” hay vẫn là “một phần của Ukraine”.
Hãng thông tấn Anh BBC trích một số nguồn tin trong Quốc hội Crimea nói rằng, họ đang chờ phản ứng của Mátxcơva. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo chí nước này rằng, Tổng thống Putin đã được thông báo về quyết định của Hội đồng Tối cao Crimea, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Neverov nói với hãng thông tấn Nga Itar-Tass rằng, đây là “quyết định mang tính lịch sử”. Dự luật về việc đơn giản hóa các thủ tục để một phần lãnh thổ nước ngoài trở thành bộ phận của Nga có thể được thông qua vào tuần tới, Itar-Tass trích lời lãnh đạo đảng Nước Nga Công bằng Sergei Mironov hôm 6/3.
Phát biểu tại Kiev không lâu sau khi thông báo được đưa ra, Bộ trưởng Kinh tế tạm quyền của Ukraine Pavlo Sheremeta nói: “Chúng tôi không bàn việc phải làm gì nếu Crimea gia nhập Liên bang Nga vì chúng tôi tin điều này là vi phạm hiến pháp”.
EU không làm được gì nhiều
Tin về cuộc bỏ phiếu của cơ quan lập pháp Crimea được đưa ra khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đến Brussels tham dự cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp.
Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, cuộc họp nhằm đưa Nga và Ukraine ngồi xuống bàn đàm phán, để thể hiện với Ukraine rằng, châu Âu “sẽ giúp đỡ người dân Ukraine” và “gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga rằng họ đang làm điều không thể chấp nhận được và sẽ phải chịu hậu quả”.
Phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Robert Serry hôm qua nói rằng, ông và trợ lý phải chạy trốn vào một quán cafe nhỏ vì xe của họ bị lực lượng dân quân ở Crimea bao vây. Ông Serry kể rằng, những tay súng này không cho biết họ là ai, mà chỉ nói “nhận được lệnh phải đưa ông ra sân bay ngay lập tức”. Ông Serry từ chối và đã chạy vào trú trong một quán cafe để gọi điện cho phái đoàn ngoại giao. Sau 2 giờ bế tắc, ông Serry được đưa đến sân bay, lên chuyến bay đầu tiên ra khỏi khu vực và đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, hội nghị có lẽ chỉ đưa ra được những biện pháp mang tính tượng trưng để chống lại Nga- nhà cung cấp gas lớn nhất châu Âu. Sự lưỡng lự của Anh được thể hiện trong một tài liệu của chính phủ vô tình lọt vào máy quay của một đoàn làm phim trong Văn phòng Thủ tướng. Nội dung của văn bản nói rằng, Anh “hiện nay không nên ủng hộ các biện pháp trừng phạt thương mại hoặc đóng cửa trung tâm tài chính Anh đối với người Nga”.
Trong khi đó, nước Đức, với 1/3 khối lượng gas mua từ Nga, cũng luôn hối thúc các bên phải bình tĩnh. Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, chủ yếu là do Nga xuất khẩu dầu khí sang EU và mua máy móc, xe hơi cùng nhiều sản phẩm khác từ EU. Số liệu thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu của EU sang Nga đạt 170 tỷ USD năm 2012, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Nga chỉ hơn 11 tỷ USD trong năm ngoái.
Giới chức EU vừa đồng thuận sẽ phong tỏa tài sản của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych và 16 quan chức cấp cao khác của Ukraine, trong khi các nhà lãnh đạo của khối này tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels.
Trong số quan chức bị EU đóng băng tài sản có con trai của ông Yanukovych, Thủ tướng Mykola Azarov cùng con trai, cựu Tổng chưởng lý Viktor Pshonka, cựu Bộ trưởng Công an Oleksandr Yakymenko và cựu Bộ trưởng Tư pháp Olena Lukash. Những người này bị EU cáo buộc sử dụng ngân sách sai mục đích và vi phạm nhân quyền. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk nói rằng, ông Yanukovych tham ô tới 37 tỷ USD trong 3 năm cầm quyền.
Hãng tin Nga Ria-Novosti trích lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, sau cuộc đối thoại hôm 5/3 tại Paris, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ đồng ý rằng, họ cần giúp Ukraine thực hiện thỏa thuận hòa giải mà EU làm trung gian.
“Chúng tôi đồng ý rằng, Ukraine cần giúp đỡ để triển khai thỏa thuận hôm 21/2”, ông Lavrov nói. Thỏa thuận này quy định tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội sớm, bầu ra một chính phủ thống nhất quốc gia và sửa đổi hiến pháp, đồng thời cho phép chính phủ thân Nga tại vị cho đến khi bầu cử diễn ra.
Hiện nay, Quốc hội Mỹ khẩn trương hoàn tất chuẩn bị để triển khai biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức chính phủ, ngân hàng nhà nước và công ty của Nga. Mục đích của những biện pháp trừng phạt (sẽ được đưa ra trong tuần tới) là nhằm ép ông Putin rút lực lượng khỏi bán đảo Crimea, hãng thông tấn Mỹ AP đưa tin hôm qua.
Hôm 5/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ra nghị quyết chỉ trích các hành động của Nga ở Ukraine và kêu gọi chính phủ triển khai các biện pháp trừng phạt về visa, tài chính, thương mại cùng các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ sẽ không có mấy tác dụng nếu EU không tham gia vì châu Âu có quan hệ kinh tế sâu rộng hơn với Nga.