Quang Phùng - người khiến hồ Gươm lên tiếng

Quang Phùng - người khiến hồ Gươm lên tiếng
TP - Những câu chuyện tưởng cũ mà mới nguyên về Hà Nội, về Hồ Gươm sẽ được kể trong tập sách ảnh song ngữ Dạo quanh hồ Gươm.

Cuốn sách ảnh đầu tiên của nhà nhiếp ảnh tuổi 80 Quang Phùng do Thư viện Quỹ Hoàng tử Claus (Hà Lan) tài trợ. PGS. TS John Kleinen, khoa Khoa học Ứng xử và Nhân học Hình ảnh, ĐHTH Amsterdam giới thiệu.

Cứ tưởng Quang Phùng ít triển lãm, kỳ thực ông triển lãm luôn luôn. Những người quan tâm nhiếp ảnh đến căn hộ nhỏ của ông ở xóm Hạ Hồi sẽ trở thành khán giả của triển lãm tại gia, đích thân tác giả thuyết minh. Quang Phùng dễ có đến hàng trăm quyển album khổ A4 bám sát các chủ đề nóng như Ma túy tuổi học trò, Hoa phượng kêu cứu, Phố Tây ba lô, Hoa hậu và hàng hoa, Gánh hàng rong, Những cây cầu và cuộc sống ven sông... Mỗi chủ đề lại gồm hàng trăm ảnh. “Các tổ chức quốc tế đi xem triển lãm Ma túy tuổi học trò (2004) của tôi về giải ngân luôn, để giúp Việt Nam”, Quang Phùng tự hào. Đó có lẽ là lần đầu tiên Bộ VHTT&DL đứng ra tổ chức triển lãm của cá nhân, trước thềm hội nghị quốc tế về phòng chống ma túy.

Hôm nay, ông cho tôi xem loạt ảnh chụp Hà Nội, đặc biệt là những ảnh chụp quanh hồ Gươm. Ông dùng ống kính tầm xa đứng từ Bờ Hồ bên này chụp sang bên kia, căn đúng 16h40 để có ánh sáng đẹp nhất, đến lần chụp thứ 10 mới ra được bức này. Ảnh gồm cây gạo đang nở hoa, mặt tiền gắn quốc huy treo trên tòa nhà UBND thành phố Hà Nội, đằng sau là lừng lững một tòa cao ốc bằng bê-tông kính.

Lời đầu sách, Quang Phùng viết: “Quanh hồ Gươm, vô số ổ mối chưa được xử lý, phá hại nhiều cây cổ thụ. Năm cây vông cao vút, hoa đỏ như lửa, nhà nho Nguyễn Văn Siêu trồng từ hơn thế kỷ trước làm nền cho Tháp Bút “viết lên trời xanh” nhằm khuyến học và nâng cao dân trí. Năm 2002 vẫn đủ 5 cây, nay không còn một cây nào và cũng không được trồng thay thế...”. Quang Phùng không quên ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của gốc vông, trước khi nó bị bứng đi. Hậu cảnh có cả chữ Lộc trên tường rào đền Ngọc Sơn (để xác minh địa điểm chụp) và một cô dâu. Hùng hồn hơn, ông mang ra cho tôi xem hai miếng gỗ bọc trong giấy bóng (loại vẫn dùng bọc thực phẩm). Gọi là gỗ nhưng chỉ còn lại các thớ như mảnh xơ mướp và nhẹ cũng gần như vậy. Đó là những gì còn lại của gốc vông bị mối xông bên hồ Gươm. Quang Phùng cho hay cây gạo ở Bờ Hồ và cây đa ở đền Bà Kiệu cũng có thể ngã bất cứ lúc nào. Trong hốc cây đa, người ta để được hẳn thùng rác lớn...

Cây vông hồ Gươm Ảnh: Quang Phùng
Cây vông hồ Gươm Ảnh: Quang Phùng.

Nhiều người đã chụp các đôi trai gái bên hồ Gươm. Nhưng ít ai có được hình ảnh có hồn như Quang Phùng. Tác giả bình khoảnh khắc của đôi bạn trẻ: “Êm ái như ngủ. Cô gái như nở ra...”. Quang Phùng không vô tình đi chụp những chiếc đèn hình cầu nhấp nháy mà ông gọi là “bu gà” treo trên cây cối quanh hồ Gươm. Theo những bức ảnh của ông, cây phượng nào treo nhiều bu gà nở hoa kém hẳn đồng loại gần đó.

Quang Phùng có biệt tài bắt những vật vô tri phải cất tiếng. Bộ sưu tập ảnh các thể loại nổi lên trên mặt hồ mang tên Hoa rơi mặt hồ vừa được ông triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Pháp cuối tháng ba rồi. Không tính đến các thông điệp về môi trường, xã hội, chúng đã đủ hấp dẫn bởi màu sắc, bố cục. Quang Phùng tuân theo một lý thuyết mỹ học cổ điển: “Chụp bãi rác cũng phải đẹp, cái đẹp mới cảm hóa được thiện tâm của con người” .

“Cái này kỳ quặc. Hở thế này mà bảo người ta không sờ”, ông nói về loạt ảnh chụp các hộp điện ghi dòng chữ “Cấm sờ nguy hiểm chết người” ở nơi công cộng, đông người qua lại. Người trong ảnh của ông là các em nhỏ chưa biết đọc, người thiểu năng, cả du khách nước ngoài... Ai đó không để ý nhưng Quang Phùng nhận ra chính những tủ điện kia đang lấn chiếm vỉa hè và đe dọa người đi đường. Ông nói: “Nếu nhà quản lý nhân văn, coi phục vụ con người là cao nhất thì sẽ không bao giờ để thế này. Dọa một câu coi như hết trách nhiệm”.

Lần đầu nhà nhiếp ảnh lão thành bị đột quỵ là tháng 10-2008. Bấm máy không được, lại tưởng máy hỏng. Về nhà quỵ luôn, tưởng chết. Vừa nhúc nhắc, ông lại đi chụp. Thời gian đầu phu nhân phải đi kèm. Đến nay ông đã rành hết các biểu hiện của bệnh để kịp thời phòng tránh.

Ông cũng biết rằng đột quỵ một phần do sinh nghề tử nghiệp. Ông thích dầm mưa, dãi nắng chụp ảnh. Ông có kiểu chụp đi theo nhân vật, mải mê quên cả uống nước. Tất cả những thứ đó tích lại thành bạo bệnh. Quỹ thời gian có hạn càng khiến ông hăng say làm việc. Hằng đêm ông vẫn thức để soạn ảnh theo từng chủ đề. Nội dung gì cần để lại, ông đọc vào máy ghi âm.

Một bên là tàng thư ảnh vô cùng phong phú, một bên là cuốn sách đầu tiên chỉ công bố gần 100 bức. Quả là không tương xứng. Nhưng Quang Phùng không bối rối. “Ảnh của tôi trở thành một phần lịch sử, không còn là thời sự. Để lâu không sợ ôi”, ông cười. Ông cũng cho hay từng mấy lần từ chối lời mời làm sách cho đến khi gặp John Kleinen. “Tôi muốn chơi với người chuyên nghiệp, không phải vì ham tài trợ.” Sau “vụ” này, những gì Quang Phùng “được” là trên trăm cuốn sách ảnh. Nhà xuất bản không trả nhuận ảnh bằng tiền.

Dạo quanh hồ Gươm gồm 3 phần. Một, Sự tĩnh lặng và vẻ đẹp trời cho nhấn mạnh vẻ quyến rũ tự nhiên của Hồ Gươm và quang cảnh sinh động của nơi tựa như “phòng khách mở rộng” (chữ của John Kleinen) của người dân thủ đô. Những câu chuyện xã hội thể hiện những suy tư của tác giả về những xoay chuyển thời cuộc: hồ Gươm như một xã hội thu nhỏ với đủ cung bậc. Tu dưỡng thiện tâm giới thiệu quy trình làm chè sen truyền thống ở chùa Phụng Thánh, phố Khâm Thiên. Cuốn sách còn có một số chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân chụp đầu thập niên 1970.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG