Quảng Nam - Tự tin hàng Việt

Quảng Nam - Tự tin hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã và đang thành công ở Quảng Nam.

Theo ông Lê Văn Lai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Quảng Nam, nếu trước đây, việc tổ chức bán hàng khuyến mãi thường được nhiều người cho là hàng tồn kho thì thời gian gần đây, nhiều mặt hàng Việt chính gốc khuyến mãi rầm rộ lại được người dân đón nhận nồng nhiệt. Sự thay đổi đó là kết quả sau một thời gian Quảng Nam phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước đã được chuyển đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và được bà con tích cực đón nhận.

Ngay sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Thông báo số 264-TB/TW, ngày 31.7.2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Quảng Nam đã xây dựng chương trình hành động, đề ra kế hoạch triển khai thực hiện và đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp tỉnh, đồng thời tổ chức lễ phát động hưởng ứng cuộc vận động trên phạm vi toàn tỉnh. Điều đáng ghi nhận là cùng với việc lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, cuộc vận động đã có sự hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, nhất là các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Kết quả là nhiều doanh nghiệp, nhiều hội chợ, triển lãm thương mại và nhiều đợt đưa hàng Việt về vùng nông thôn được tổ chức, hiệu quả mang lại khá tích cực. Ông Lai cho biết thêm, trong số các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh tích cực như Hội chợ triển lãm, thương mại huyện Điện Bàn thu hút 50 gian hàng Việt; hàng chục cuộc đưa hàng về nông thôn tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tiên Phước...do Co.opMart tổ chức.

Chuyển biến về nhận thức

Qua các bước triển khai và hiệu quả bước đầu mang lại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang có sự chuyển biến quan trọng. Sự chuyển biến đó trước hết bắt nguồn từ sự thay đổi nhận thức về hàng Việt, về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành có liên quan và của từng doanh nghiệp, từng người dân trong việc đưa hàng Việt về với người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của hàng Việt. Đây sẽ là bước khởi đầu để Quảng Nam xây dựng nếp sống, thói quen về sử dụng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Là doanh nghiệp nhiều lần đưa hàng về bán tại các địa bàn nông thôn, Co.opMart Tam Kỳ đã có đủ cơ sở để xây dựng cho mình một chiến lược dài hơi chinh phục thị trường nông thôn. Qua nhiều lần đưa hàng về nông thôn, Co.opMart Tam Kỳ cho biết, đã thấy được tính tiềm năng của thị trường nông thôn là rất lớn. Người dân vùng nông thôn rất hồ hởi khi đến với hàng hóa của đơn vị. Điều đó tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn. Để thu hút được cả một thị trường rộng lớn, sức mua dồi dào; hàng hóa của chúng tôi đưa về phù hợp với thị hiếu, thói quen, sự cạnh tranh giá cả để người dân nông thôn sử dụng.

Về tiềm năng của thị trường nông thôn, ông Thiều Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Nam nêu ra chỉ số đáng quan tâm, chỉ riêng tại phiên đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Điện Bàn hồi tháng 3 vừa qua, với 50 gian hàng và trong thời gian 3 ngày, tổng doanh thu mang lại là hơn 500 triệu đồng. Doanh số này cho thấy giá trị của đợt đưa hàng Việt về nông thôn là hoàn toàn không nhỏ. Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương, các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức một số đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Đặc biệt là đưa hàng Việt lên miền núi Quảng Nam, đây là được coi là thị trường tiềm năng, dồi dào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG