Thế nhưng theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Lê Đức Sơn, khảo sát do Hội tiến hành mới đây cho thấy: 80% số doanh nghiệp được hỏi rất thờ ơ, không hề quan tâm đến hội nhập. Còn theo một khảo sát do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mới thực hiện thì có tới 60% DN Việt không biết gì về những nội dung cơ bản của AEC. Không lẽ những con số đáng lo ngại trên không có phần trách nhiệm từ phía các bộ ngành liên quan ?
Trả lời phỏng vấn báo chí dịp đầu xuân Ất Mùi này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh không khỏi lo lắng về vấn đề này. Ông Vinh đề xuất năm 2015 là Năm doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp không phát triển được thì đất nước cũng không phát triển được. Bộ trưởng Vinh nói trên VietnamNet : “Nếu một đất nước, một cơ chế, bộ máy nhà nước không phục vụ dân, không phục vụ DN thì phục vụ ai, đấy là cái quan trọng.
Tại sao người ta nói một nhà nước kiến tạo thay vì nhà nước quản lý, quản lý hiểu tôi phải quản lý anh, tôi là cấp trên tôi quản lý anh, ngược lại anh phải phục vụ cho DN, phục vụ người dân, anh phải thay đổi tư duy, một công chức không phải là đứng ra để hành dân, yêu cầu người dân, anh phải đến xin tôi giấy phép này... Quay lại tư tưởng chúng ta sinh ra để phục vụ cho DN, người dân để người ta làm tốt nhất thì đất nước được hưởng, chúng ta được hưởng”.
Bộ trưởng Vinh thừa nhận, hiện thị trường của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ, còn nhiều yếu tố chưa thị trường, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho DN phát triển. Ví như về nguyên lý, trong cơ chế thị trường, ai sử dụng tài nguyên khoáng sản của đất nước tốt nhất thì người đó được tiếp cận nhiều nhất. Thế nhưng liệu những DN tư nhân, những DN làm ăn rất tốt đã được tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên chưa, từ than, dầu khí, sắt, đất đai... hay DNNN đang quản lý hết, không ai phản đối? Hay về vốn, DN nhà nước vẫn đang tiếp cận vốn nhiều nhất.
Đúng vậy, cái khó nhất không phải là tiền hay tài nguyên khoáng sản, mà chính là cuộc chuyển biến trong tư duy, trong thể chế để vượt qua chính mình, để chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, kiến tạo sự phát triển. Theo TTXVN, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII cũng đã nêu ra định nghĩa mới về khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó trước hết là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Năm qua, Quốc hội đã thông qua hai bộ luật quan trọng thể hiện rõ tinh thần đổi mới trên, đó là Luật đầu tư và Luật DN sửa đổi. Tiếp tới cuối năm nay, Bộ KH&ĐT sẽ trình Luật DN nhỏ và vừa, thực chất là DN tư nhân. Đó là những nền tảng cần thiết để tạo điều kiện thực sự cho các DN, không phân biệt nhà nước hay tư nhân, phát triển và hội nhập.
Tuy nhiên để các khái niệm, bộ luật nói trên đi vào cuộc sống, để các công sở bộ ngành, các “công bộc” thực sự coi doanh nghiệp, coi người dân là đối tượng phục vụ, chắc chắn cần một cuộc chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, một quyết tâm chính trị to lớn của toàn bộ hệ thống nhà nước.