Đoạn tweet của ông Donald Trump có nội dung: “Trung Quốc có hỏi chúng ta rằng việc hạ giá đồng tiền của họ (khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng lên các sản phẩm của chúng ta nhập khẩu vào nước họ (Mỹ không đánh thuế) hay việc xây dựng một tổ hợp quân sự quy mô lớn ở giữa biển Đông là có được hay không? Tôi không nghĩ vậy!”.
Giới quan sát cho rằng, nếu thông điệp này là tín hiệu về chính sách của chính quyền mới của Mỹ về vấn đề biển Đông, có khả năng, lần đầu tiên kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, thế giới sẽ chứng kiến Mỹ công khai gắn các vấn đề kinh tế với an ninh. Ví dụ, ông Trump ám chỉ chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể tác động đến cách Mỹ quan niệm về vai trò của họ trên biển Đông. Là hai cường quốc, Mỹ và Trung Quốc hợp tác trên nhiều lĩnh vực ở mức độ song phương, khu vực và toàn cầu.
Những động thái trên có thể là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ gặp nhiều sóng gió trong thời gian tới, giới quan sát nhận định. Trong thời gian tranh cử tổng thống, ứng viên Trump nói rất nhiều về Trung Quốc, nhưng ông không bình luận nhiều về tranh chấp trên biển Đông. Hồi tháng 4 năm nay, cuộc trả lời phỏng vấn báo Mỹ New York Times là lần hiếm hoi ông nói về vấn đề này. “Trung Quốc sẽ ra biển Đông và xây dựng một pháo đài quân sự với kiểu mà thế giới chưa từng thấy”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn.
Đến nay, ông Trump vẫn chưa đưa ra cách giải quyết hay chỉ trích cụ thể những sáng kiến của chính quyền của Tổng thống Barack Obama trên biển Đông, trong đó có các chiến dịch khẳng định tự do hàng hải.
Tín hiệu xấu
Điều đáng chú ý là bình luận trên của Tổng thống đắc cử Donald Trump về biển Đông được đưa ra ngay sau quyết định mang tính lịch sử của ông về việc phá vỡ tiền lệ để đàm thoại với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Dù phản ứng của Trung Quốc đại lục trước bước đi này khá dịu, có lẽ vì ông Trump vẫn là tổng thống đắc cử, nhưng cuộc gọi này và bình luận của ông Trump về biển Đông cho thấy chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ gia tăng áp lực lên “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, giới phân tích nhận định.
Đáp lại, Trung Quốc thúc giục giới chức Mỹ tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và thận trọng xử lý các vấn đề liên quan Đài Loan. Phản ứng thận trọng của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh có thể không muốn vấn đề này leo thang thành một cuộc khủng hoảng. Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chính thức công nhận chính phủ Trung Quốc năm 1979. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì quan hệ gần gũi và bán nhiều vũ khí cho Đài Loan.
Nếu ông Trump thách thức chính sách “Một Trung Quốc”, “đồng thời với việc gây áp lực lên Trung Quốc về thương mại, chúng ta có thể đi đến một lộ trình vô cùng gập ghềnh”, Bloomberg dẫn lời ông Malcolm Davis - nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc tại Canberra.
Vấn đề Đài Loan là phần nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 5/12. Ông Lục Khảng còn nói rằng, nguyên tắc “Một Trung Quốc” là nền tảng cho bất kỳ quan hệ ngoại giao nào. Nhà Trắng nói rằng, cuộc điện đàm đó không phải là tín hiệu của một sự thay đổi quan điểm chính sách “Một Trung Quốc” kéo dài nhiều thập kỷ qua mà theo đó coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Ông Zhang Yuquan, nhà nghiên cứu về Mỹ tại ĐH Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), cho rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đi theo đường cong đi xuống trong ngoại giao vì thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, khiến quan hệ Mỹ - Trung khởi đầu gập ghềnh trong năm 2017. Nhà nghiên cứu này nói rằng, căng thẳng giữa hai nước chắc chắn sẽ lên rất cao khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ chính thức.
Nhà nghiên cứu Jin Canrong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân Dân ở Bắc Kinh, cho rằng, những thông điệp trên Twitter nói trên của ông Trump phản ánh tính cách hiếu chiến và không chấp nhận chỉ trích từ phe Dân chủ, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã kiềm chế nhiều từ khi ông đắc cử.
“Ông Trump vẫn chưa nhậm chức, nên chính phủ Trung Quốc không thể phản ứng nhiều, nhưng Trung Quốc có thể có hành động với Đài Loan”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Jin. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công khai đổ lỗ cho Đài Loan về cuộc điện đàm nói trên.