UBND quận Hai Bà Trưng mới đây ban hành Kế hoạch thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Hai Bà Trưng năm 2024”, nhằm triển khai thí điểm các giải pháp cụ thể để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xử lý chất thải theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Kế hoạch nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu, đồng thời khuyến khích cơ quan tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Bên cạnh đó, thiết lập mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của Quận. Quản lý tốt nguồn chất thải, tái sử dụng hiệu quả. Giảm lượng rác thải chôn lấp, xử lý, tiết kiệm kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý (mục tiêu giảm 1 - 2% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp, xử lý).
Rác sinh hoạt tại Quận Hai Bà Trưng sẽ được phân làm 4 nhóm. |
Trước khi nhân rộng và chính thức áp dụng phân loại rác tại nguồn, Quận Hai Bà Trưng sẽ thực hiện thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ trong thời gian từ quý II/2024 đến quý I/2025. Sau đó từ Quý II/2025 đến hết ngày 31/12/2025 sẽ thực hiện đánh giá rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp trước khi chính thức áp dụng phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2026.
Để việc triển khai thí điểm đạt hiệu quả, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ thực hiện các hoạt động hướng dẫn, truyền thông tới người dân cũng như chuẩn bị hạ tầng gồm chuẩn hóa các thiết bị thu gom chất thải rắn sinh hoạt, mẫu mã có thông báo riêng cho từng loại chất thải rắn sinh hoạt thu gom sau phân loại. Thực hiện thông báo mẫu, quy cách, loại túi đựng chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Về phân loại rác, căn cứ vào tính chất và nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, điều kiện đầu tư trang thiết bị, loại hình công nghệ xử lý chất thải sau phân loại cũng như hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận Hai Bà Trưng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành bốn nhóm.
Các nhóm gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải cồng kềnh và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Việc phân loại rác tại nguồn được kỳ vọng sẽ làm giảm khối lượng rác ra môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị. Ảnh: Như Ý. |
Trong đó, với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, UBND phường Phạm Đình Hổ - nơi thực hiện thí điểm sẽ bố trí điểm tập kết để người dân mang chất thải ra bỏ đúng nơi quy định.
Với nhóm rác thải cồng kềnh, UBND phường bố trí một điểm tập kết để người dân mang chất thải cồng kềnh ra tập kết, tránh tình trạng đổ thải bừa bãi như hiện nay, gây mất mỹ quan đô thị và khó khăn cho đơn vị duy trì.
Với nhóm chất thải nguy hại, UBND phường bố trí một điểm tập kết theo tiêu chuẩn quy định, để người dân mang chất thải nguy hại tới điểm. Ưu tiên bố trí tại khu vực thuận tiện cho cho việc bỏ và thu gom chất thải theo đúng quy trình, quy định.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt còn lại, việc thực hiện thu gom theo kế hoạch duy trì vệ sinh môi trường đang thực hiện trên địa bàn phường, thu rác trực tiếp kết hợp đặt thùng rác theo giờ.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 thúc đẩy phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền và thực hiện thu tiền rác theo thể tích thông qua túi chuyên dụng để đựng rác.
Về vấn đề này, UBND quận Hai Bà Trưng có kế hoạch thu chất thải rắn sinh hoạt qua loại túi tiêu chuẩn, làm cơ sở tiền đề cho việc trả phí theo lượng thải khi có văn bản hướng dẫn áp dụng tính giá theo lượng thải của thành phố.
Với việc thực hiện thí điểm, UBND quận Hai Bà Trưng kỳ vọng sẽ từng bước tập hợp, quản lý, đào tạo, tổ chức lực lượng thu nhặt quản lý an sinh xã hội và tham gia hoạt động chính thức. Kết nối các doanh nghiệp, đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyên ngành môi trường, từ khâu tiếp nhận thu mua nguyên liệu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiến tới quản lý tập trung chỉ một đơn vị thực hiện việc duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường đồng thời là đơn vị thu, mua - vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn Quận, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Nhận diện 4 nhóm rác thải
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế gồm giấy thải, sách vở bìa, nhựa thải như ly cốc nhựa, vỏ chai lavie và các loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế khác.
Chất thải cồng kềnh gồm tủ, bàn ghế, sofa, giường, nệm, khung cửa, cánh cửa và các loại chất thải cồng kềnh khác.
Chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang, nhiệt kế, các loại pin, ắc quy, bao bì đựng dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, kim tiêm, găng tay, giẻ lau dính dầu... và các loại chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của nhân dân.
Các chất thải còn lại được xếp vào nhóm chất thải khác.