Quan chức WHO: Hơn nửa châu Âu có thể mắc COVID trong 2 tháng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Biến chủng Omicron có thể lây nhiễm hơn một nửa dân số châu Âu trong 6-8 tuần tới, một quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo ngày 11/1.

Tại cuộc họp báo ngày 11/1, TS Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói rằng, các nước châu Âu và Trung Á vẫn “chịu sức ép căng thẳng từ COVID-19” trong năm 2022.

“Hiện nay, biến chủng Omicron đại diện cho làn sóng mới tràn qua từ Tây sang Đông… Với tốc độ này, Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe dự đoán rằng, hơn 50% dân số trong khu vực (châu Âu) sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới”, ông Kluge nói.

Ông kêu gọi các nước chưa bị “thủy triều” COVID-19 quét qua “bắt buộc sử dụng khẩu trang chất lượng cao trong môi trường kín, trong nhà và đảm bảo rằng những người dễ bị tổn thương có thể tiếp cận chúng” do Omicron có khả năng lây truyền cao.

Ông cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Omicron tràn vào Đông Âu, nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn thấp. Theo dữ liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực mặc dù vắc xin sẵn có.

Theo dữ liệu của ECDC, ở Bulgaria, chỉ 28% dân số đã được tiêm hai liều vắc-xin. Tỷ lệ này ở Romania là 40,5%.

Ông Kluge cảnh báo: “Đối với các quốc gia chưa bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của Omicron, cơ hội hành động và lên kế hoạch khẩn cấp đang nhỏ dần”. Những tuần gần đây, tỷ lệ người Đan Mạch chưa tiêm vắc xin phải nhập viện vì mắc COVID-19 cao gấp 6 lần so với người tiêm chủng đầy đủ trong tuần trước dịp Giáng sinh 2021, ông nói.

Những lời cảnh báo, kêu gọi của ông Kluge được đưa ra khi nhiều nước xem xét tăng cường hướng dẫn về khẩu trang để giúp đối phó Omicron. Hôm 10/1, Washington Post đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đang xem xét đề xuất khẩu trang N95 hoặc KN95 cho nhiều đối tượng sử dụng.

Với trường học, đóng cửa muộn nhất, tái mở cửa sớm nhất

Trong khi số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục ở nhiều nước châu Âu, học kỳ mới bắt đầu. Tuy nhiên, ông Kluge cho rằng, trường học nên “là nơi cuối cùng đóng cửa và là nơi đầu tiên mở cửa trở lại”.

Ông thừa nhận, biến thể mới sẽ tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người và “các trường học có thể không thể mở cửa tất cả các lớp học do thiếu nhân viên”. Nhưng ông nhấn mạnh rằng, “việc giữ cho các trường học mở cửa có lợi ích quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, xã hội và giáo dục của trẻ em”.

Vị quan chức của WHO khuyến nghị nên sắp xếp để “học trực tuyến cùng với sự hiện diện thể chất”. Ông nhắc lại các khuyến nghị của WHO đối với các cơ sở giáo dục: thông gió, vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang thích hợp.

Ông Kluge nói thêm rằng, “các quốc gia có thể muốn xem xét lại các quy định về kiểm tra, cách ly những người tiếp xúc trong lớp học để giảm thiểu gián đoạn việc học, giảm thiểu rủi ro, đồng thời sử dụng khẩu trang và hệ thống thông gió tốt”.

Mùa đông này, các ca mắc COVID-19 đang tăng kỷ lục ở nhiều nước châu Âu. Vì vậy, một số nước đang tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại, tập trung đông người, trong khi các nước khác như Áo, Hy Lạp, Ý… đưa ra các yêu cầu mới về tiêm vắc xin.

MỚI - NÓNG