Sáng 13/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã làm việc với Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM (KHKT). Tham dự buổi làm việc còn có phó chủ tịch UBND thành phố HCM Lê Thanh Liêm và lãnh đạo các sở ban ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, GS TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thuỷ lợi đề nghị TP. HCM xây dựng phương án đối phó, đảm bảo an toàn nếu hồ Dầu Tiếng gặp sự cố nghiêm trọng. Theo ông Niên, hồ Dầu Tiếng chứa 1,5 tỷ m3 nước, thực sự là một “quả bom nước”. Trường hợp vỡ đập, TPHCM và vùng hạ du sông Sài Gòn sẽ lâm nguy.
GS TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thuỷ lợi
“Năm 1986, hồ Dầu Tiếng xảy ra sự cố van, nước đổ về hạ du 600 m3/giây khiến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai bị ngập nặng, gây nhiều thiệt hại cho người dân” – GS TS Nguyễn Ân Niên nhớ lại.
Đề cập đến chống ngập, PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT cho rằng nên để Liên hiệp các hội KHKT phản biện độc lập vì TPHCM đang mắc nhiều sai lầm.
Cụ thể: Các cơ quan chức năm chỉ quan tâm đến việc hàng năm xoá bao nhiêu điểm ngập, chống ngập bằng cách nâng đường… mà quên rằng nước lưu thông theo nguyên lý bình thông nhau. Lấp chỗ này, nước tràn sang chỗ khác nên cứ rượt đuổi và không có điểm dừng, không biết đến bao giờ thành phố hết ngập.
Hồ Dầu Tiếng
Theo phó chủ tịch UBNDTP HCM Lê Thanh Liêm, hồ Dầu Tiếng do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý. Lãnh đạo TPHCM đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn của hồ. Nếu tích đủ nước (1,5 tỷ mét khối), hồ sẽ đạt cao trình 24 m. Chứa hết mức, hồ Dầu Tiếng đạt cao trình trên 25 m.
Mới đây, Bộ NN&PTNT làm thêm hồ Phước Hoà và hệ thống kênh dẫn, nếu mực nước hồ Dầu Tiếng tụt xuống thì sẽ đưa nước từ hồ Phước Hoà sang bổ sung phần thiếu hụt. Do chất lượng nước sông Sài Gòn – Đồng Nai ngày càng giảm sút, TPHCM đang nghiên cứu sử dụng nguồn nước thô hồ Dầu Tiếng xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho 10 triệu dân TPHCM. Phương án này sẽ tiết kiệm nguồn tài nguyên nước so với xả đẩy mặn như hiện nay.
“Thành phố đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các tỉnh liên quan. Trong quá trình quản lý, khai thác hồ Dầu Tiếng, vấn đề an toàn phải luôn đặt lên hàng đầu” – ông Liêm nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cho biết nếu được phản biện độc lập, khách quan, TPHCM yên tâm hơn khi ban hành các quyết sách.
“Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe ý kiến các nhà khoa học với tinh thần cầu thị và sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học làm việc, phát triển” – ông Thăng cam kết.