Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa chuyển tới VKSND Tối cao bản kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) – Tổng cục Thủy sản (TCTS); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN).
CQĐT đề nghị VKSND truy tố 7 bị can trong vụ án về tội giả mạo trong công tác gồm Bùi Đức Quý (SN 1955) – nguyên GĐ Trung tâm 3K; Nguyễn Thị Hà (SN 1980); Đỗ Thị Hà (SN 1988); Nguyễn Văn Dũng (SN 1985); Nguyễn Huy Bàn (SN 1979); Vũ Thị Thu (SN 1982, cùng là cán bộ Trung tâm 3K) và Lê Tuấn Anh (SN 1979) – nguyên Phó phòng Hành chính, TCTS.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 10/2013 đến 7/2014, Bộ NN&PTNT tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp (trong đó có thức ăn và chất cải tạo, xử lý trong nuôi trồng thủy sản).
Tuy nhiên, trong thời gian này, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm về Trung tâm 3K cùng với lượng hồ sơ tồn đọng trước đó tạo lượng lớn hồ sơ chưa được cấp phép.
Trước nhu cầu của các doanh nghiệp, các bị can nói trên đã cấu kết với nhau, lợi dụng vị trí công tác và chức vụ, quyền hạn được giao để phát hành 6 văn bản giả mạo văn bản của TCTS nhằm đưa thêm 946 sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam rồi hưởng lợi bất chính.
Các bị can thường ghép thêm danh sách các sản phẩm không đủ điều kiện vào phụ lục công văn cấp phép các sản phẩm đủ tiêu chuẩn của TCTS hoặc phát hành công văn trùng với công văn phát hành đúng quy định…
Các đối tượng cũng phô tô, cắt dán chữ ký của Phó Tổng cục trưởng TCTS ghép vào văn bản giả hoặc đưa cho Bùi Đức Quý ký nháy dù bị can này đã nghỉ hưu…. Cả 6 văn bản được làm giả đều ghi lùi ngày tháng về năm 2013 (sau tháng 10/2013, việc cấp phép tạm dừng hoặc phải trình lên Bộ NN&PTNT – PV).
Quá trình điều tra, các bị can khai nhận thời điểm làm giả 6 văn bản trên vào tháng 9 và 10/2014. Từ thời điểm này, Trung tâm 3K bắt buộc phải trình lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho ý kiến về việc công nhận, đăng ký lưu hành vật tư nông nghiệp.
Các đối tượng nhận thấy từ đây, việc thẩm định, đưa sản phẩm vào danh mục được phép lưu hành rất khó khăn thậm chí hồ sơ bị trả về. Ngược lại, nếu ban hành lùi về trước năm 2013 sẽ không phải trình lên cấp bộ trưởng và xử lý nhanh chóng được nhiều hồ sơ.
Từ đó, các bị can đã liên hệ các doanh nghiệp, đề nghị họ hỗ trợ từ 5 – 25 triệu đồng/1 sản phẩm để được cấp phép “nhanh”. Tổng cộng, các đối tượng đã hưởng lợi bất chính hơn 7,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, CQĐT cho rằng các doanh nghiệp trên không biết việc văn bản bị ban hành giả, thực tế họ có hoạt động kinh doanh… nên không có căn cứ xử lý hành vi đưa – nhận hối lộ.
Công an cũng xác định để vụ án xảy ra còn có trách nhiệm của ông Nguyễn Huy Điềm – nguyên Phó tổng cục trưởng TCTS khi không làm tốt công tác kiểm tra, quản lý... Ông Điềm đã nghỉ hưu và tuy không bị xử lý nhưng qua đây, CQĐT kiến nghị Bộ NN&PTNT phải hoàn thiện các thiếu sót trong cấp phép lưu hành vật tư nông nghiệp.
Ngoài ra, tháng 11/2017, CQĐT có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát, xác định 946 sản phẩm được cấp phép sai nói trên. Qua kiểm tra, TCTS xác định cả 946 sản phẩm này đều không chứa các chất cấm, các doanh nghiệp được cấp phép sai đã nộp lại văn bản trái quy định và cam kết không sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này.