Lại lo ngại mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội

Người nghỉ hưu làm thủ tục nhận lương tại BHXH Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Người nghỉ hưu làm thủ tục nhận lương tại BHXH Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam còn thấp, thời gian đóng ít, nhưng tuổi thọ ngày càng tăng, và mức hưởng cao hơn mức đóng dẫn tới mất cân đối Quỹ BHXH, nên rất đáng lo ngại.

Tồn tại 2 nhóm lương hưu

Sáng 12/12, tại hội nghị tập huấn khu vực ASEAN về lương hưu và tuổi già do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi kể: Ông vừa có chuyến công tác tới một số quốc gia khu vực Nam Mỹ. Tại các nước này, ông thấy dù phát triển trước chúng ta hàng trăm năm, nhưng vấn đề về lương hưu và an sinh cho người cao tuổi vẫn là vấn đề lớn với quốc gia. Vì vậy, nếu không điều chỉnh chính sách và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ gặp các cú sốc, khó khăn không chỉ trước mắt mà cả tương lai.

“Từ kinh nghiệm áp dụng chính sách lương hưu và an sinh xã hội của Việt Nam, rõ ràng chúng ta đang gặp không ít thách thức. Trong vấn đề lương hưu và chính sách an sinh xã hội cho người dân thì điều quan trọng nhất là độ bao phủ, và đây cũng là vấn đề rất lớn của Việt Nam”, ông Lợi nói.

Ông Lợi dẫn chứng, Việt Nam chỉ có khoảng 2,2 triệu người già đang hưởng lương hưu, và hơn 2 triệu người cao tuổi hưởng chính sách bảo trợ mỗi tháng với mức chỉ 270.000 đồng - mức không đủ sống. Ngay trong hệ thống BHXH độ bao phủ theo quy định cũng chưa đạt, dù theo Bộ luật Lao động và Luật BHXH còn 6 triệu người đáng ra phải tham gia BHXH, nhưng thực tế không tham gia vẫn không xử lý được.

Đáng buồn hơn, theo ông Lợi, mỗi năm có hơn 1 triệu người mới tham gia BHXH, nhưng đồng thời có 500.000 người rút khỏi BHXH bằng chính sách hưởng bảo hiểm 1 lần và thêm 100.000 người về hưu. Như vậy, mỗi năm chỉ thêm được khoảng 500.000 người tham gia BHXH. Cùng với đó, hiện bình quân lao động Việt Nam về hưu trước 3-4 tuổi so với quy định của luật (dù quy định nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi mới nghỉ hưu).

Ngoài ra, Việt Nam đang tồn tại 2 nhóm lương hưu, một nhóm tính lương hưu theo mức đóng bình quân vài năm cuối (cán bộ công chức - PV); một nhóm trong quan hệ lao động (công nhân, người lao động ngoài nhà nước - PV) lại tính mức hưởng lương hưu theo bình quân cả quá trình tham gia BHXH. Điều này dẫn tới thực tế mất cân bằng về mức đóng – hưởng, khi người tính lương hưu theo mức bình quân lương vài năm cuối sẽ cao hơn (vì lương người sắp về hưu bao giờ cũng cao), còn người tính lương hưu theo mức lương bình quân cả quá trình đóng BHXH đương nhiên sẽ thấp hơn.

“Mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng ít, tuổi thọ ngày càng tăng (bình quân Việt Nam hiện là 73 tuổi), và mức hưởng cao hơn mức đóng dẫn tới mất cân đối Quỹ BHXH, rất đáng lo ngại”, ông Lợi nói. Theo ông Lợi, ai cũng biết phải nâng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn Quỹ BHXH, nhưng không đơn giản để người lao động chấp nhận nâng tuổi hưu.

Ngoài ra, theo ông Lợi, nhiều nước cũng khuyên Việt Nam phải cho phép Quỹ BHXH đầu tư để tăng trưởng và phát triển, không chỉ giữ ở mức bảo toàn trên danh nghĩa hiện nay. “Chúng ta phải phát triển tiền của người lao động đóng góp vào quỹ. Còn hiện nay chủ yếu cho Chính phủ và các ngân hàng vay nên mức lãi suất không cao”, ông Lợi nói thêm.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, BHXH Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động, công khai minh bạch quỹ theo hướng hình thành các tài khoản cá nhân của người tham gia BHXH.

Đa số người già sống dựa con cái

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam và khu vực châu Á ngày càng nhanh, nếu không có sự chuẩn bị kỹ và đồng bộ các chính sách an sinh sẽ gây ảnh hưởng tới cả xã hội nói chung và người cao tuổi nói riêng. Hiện Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt về nguồn lực, kinh nghiệm và chiến lược lương hưu với tuổi già để đảm bảo hiệu quả.

“Nước ta hiện chỉ một nhóm người già có lương hưu, đa số vẫn cần sự hỗ trợ từ gia đình, con cái. Trong khi chỉ 1/3 số người đang lao động tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí. Nên cần nhanh chóng có chính sách phù hợp để ứng phó với già hóa dân số trong dài hạn”, bà Lan nói.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Change-Hee Lee cho rằng, hiện ở châu Á, đa số người cao tuổi sống phụ thuộc vào gia đình (chiếm 53% số người cao tuổi). Cùng với số người cao tuổi gia tăng, các chính sách an sinh với người cao tuổi như lương hưu, quyền người lớn tuổi là trách nhiệm mỗi quốc gia phải thực hiện. Vì vậy, chính sách an sinh cũng phải mở rộng sang những người lao động khu vực phi chính thức.

Theo tổ chức ILO, tốc độ già hóa dân số toàn cầu đang diễn ra nhanh chưa từng có. Dự kiến, tới năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên trên toàn cầu sẽ chạm mốc 2 tỷ người (hiện là 600 triệu người), chiếm từ mức 10% dân số hiện nay lên 21% dân số toàn cầu. Đây sẽ là thách thức lớn với chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia.

MỚI - NÓNG