Nhớ lần gặp GS Trần Văn Khê ở Paris

Tác giả với GS Trần Văn Khê tại Paris 5/2000
Tác giả với GS Trần Văn Khê tại Paris 5/2000
TP - Paris tháng 5 năm 2000. Đầu hè mà đất Pháp còn se se lạnh. Sau chặng bay 13 tiếng đồng hồ, tiếp liền là lễ đón nghi thức nguyên thủ quốc gia giành cho TBT Lê Khả Phiêu tại sân bay Orly, chặng dừng chân đầu tiên của phái đoàn TBT Lê Khả Phiêu là ĐSQ Việt Nam. Chương trình ghi là TBT gặp thân mật đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp…

Cánh báo chí được phép đến trước may mắn được gặp anh Dũng, tùy viên báo chí của sứ quán. Anh Dũng cho biết bà con Việt kiều đã tề tựu từ mấy tiếng trước đó hiện đang ở hội trường tầng trệt.

Tôi gặp ở cuộc tụ hội vui vẻ này qua sự giới thiệu mau mắn nhiệt thành của anh Dũng. Nhà sư Thích Phước Đông định cư ở Pháp đầu những năm tám mươi đang trụ trì ngôi chùa có tên Trúc Lâm ở ngay Paris.  Cụ Phạm Văn Hy 85 tuổi quê ở Bắc Ninh là lính thợ sang Pháp từ năm 1938. Giờ cụ là Hội viên Hội Phụ lão cộng đồng người Việt tại Pháp.  Cụ Tường quê Khoái Châu, Hưng Yên năm ấy cũng tuổi 85 đi lính thợ sang Pháp từ năm 1940. Cụ đã 14 lần về quê và đã có 7 người con, 20 cháu chắt...

Còn đây- anh Dũng chỉ sang một vị đang ngồi phía khuất phục sức cũng như nhiều người com lê sẫm, cà vạt màu ấm nhưng có cái dáng tỳ tay lên chiếc can ngó rất sang- một người Việt nhưng danh vang khắp thế giới GS Trần Văn Khê…

GS Trần Văn Khê, cái người mà bảy năm trước cánh báo chí trong đó có người viết bài này đã nhỡ một cuộc gặp ở Điện Biên Phủ? Số là chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand lên Điện Biên Phủ, cánh báo chí mải bám theo sự kiện của nhân vật chính đã quên bẵng đi một số thành viên tháp tùng. Trong số  ấy, có một người Việt mà Tổng thống Pháp đã trân trọng mời làm thành viên tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức lần đầu đến Việt Nam là nhạc sĩ giáo sư Trần Văn Khê!

Mười lăm năm đã vèo qua từ buổi gặp ấy.  Thú thực bây giờ chiều kích Trần Văn Khê mới phát lộ nhiều góc độ tầm cỡ chiêm bái! Và nữa những tầng, tán của cây đại thụ Trần Văn Khê vừa òa vỡ ra một khoảng trống thăm thẳm mà dễ chi thời gian để cánh rừng âm nhạc Việt lẫn thế giới có thể thay và khép lại khoảng trống ấy? Nhưng thời điểm đó ở tầng trệt ĐSQ Việt Nam ở Paris, tôi có cảm giác, phàm là bà con Việt kiều đã cao niên đang tề tựu đây, ai mà chả có nhiều hoặc một chút tài? Như GS nhạc sĩ đây, tôi chỉ biết loáng thoáng từng tốt nghiệp tiến sĩ về âm nhạc ở Đại học Sorbone, từng nghiên cứu giảng dạy âm nhạc khắp thế giới và đặc biệt có nhiều công trình nghiên cứu truyền bá âm nhạc dân tộc Việt ra thế giới vv… Điều khiến tôi lấn cấn lẫn tò mò là phải như thế nào mà Tổng thống Pháp mới trân trọng vời một Việt kiều vào đội hình tháp tùng chuyến thăm của mình sang Việt Nam như thế?

Bàn tay GS mềm, ấm. Tóc mới hoa râm. Cái can bên khổ người đậm như một sự hợp lý của sự hài hòa chứ sức vóc GS thời điểm đó vẫn còn mạnh chán? Trong câu chuyện vội, tôi biết mình thô thiển khi dám ngắt cái mạch hồi tưởng chân thành lớp lang của GS bởi thời gian gặp quá ngắn…

Ngạc nhiên khi biết hồi mới tham gia kháng chiến chống Pháp, Trần Văn Khê ngoài lòng nhiệt tình còn có góp cái tài cùng NS Lưu Hữu Phước đặt các điệu kèn cho quân đội để thay thế các giọng kèn Tây thổi lúc sáng thức dậy, lúc chào cờ, lúc đi ngủ, v.v...  Trần Văn Khê đi kháng chiến, bản tánh hiếu hòa, tổ chức đoàn quân nhạc đi khắp vùng Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đến tận Cà Mau, Năm Căn, Cái Nước vừa giúp ban tuyên truyền Nam bộ trong việc huy động toàn dân kháng chiến…

Rồi khúc nhôi năm 1949, sau lần bị giam ở nhà lao Catina, ông biệt xứ sang Pháp…

Hóa ra ông không may mắn hanh thông. Lận đận tất tả nữa là khác. Mà ngả kiếm sống nào ông cũng đều ghi và phát lộ cái tài?  Chuyện ông từng thực hiện 52 buổi nói chuyện bằng tiếng Việt cho đài BBC Luân Đôn với các đề tài âm nhạc kịch nghệ và chuyện cổ tích Việt Nam. Rồi  từng là vai phụ  chính cho nhiều hãng phim ở Anh và Pháp, Úc. Có phim được lựa chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 1957. Ngoài đóng phim còn thủ vai lồng tiếng cho mấy chục phim Mỹ chuyển sang tiếng Pháp. Thi thoảng không ngần ngại đóng cả phim quảng cáo.

Bây giờ đờn ca tài tử và ca trù từng được thế giới vinh danh là Di sản. Nhưng khi đó tôi đã ngơ ngác lẫn ù ù cạc cạc khi nghe chất giọng thống thiết da diết của GS Trần Văn Khê đề cập đến hai loại hình này và cho biết ông đang dồn tâm sức và nhiều công trình để giới thiệu ra với thế giới…

Nhớ lần gặp GS Trần Văn Khê ở Paris ảnh 1

Điều tôi nhớ lâu hơn GS Trần Văn Khê có một viễn tổ đáng kính, cụ cố ngoại của ông là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Lại may mắn sinh ra trong gia đình nội ngoại đều là nhạc sĩ.

Thời điểm này GS Trần Văn Khê đã có người nối dõi?  Người con trai Trần Quang Hải vừa là nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học, làm việc cho Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp. Trần Quang Hải vừa là con và là học trò có khiếu nhứt của Trần Văn Khê, vừa bảo vệ truyền thống âm nhạc gia đình (đời thứ 5). Trần Thị Thủy Ngọc, con gái út của GS, giỏi đàn tranh. Thủy Ngọc đã giúp đỡ người cha trong việc dạy nhạc Việt và đàn tranh tại Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông phương gần 10 năm trời và đã cộng tác với hai đĩa nhạc Việt Nam với GS Trần Văn Khê.  Thủy Ngọc làm việc cho Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp.

Một chi tiết cuối buổi gặp với một Trần Văn Khê ấm áp, uyên bác…

Thấy tôi có vẻ tò mò về cái Trụ sở Đại sứ quán và tên phố của sứ quán, GS chia sẻ ngay như mọi thứ đã nằm lòng. Rằng tên phố này mang tên thi sĩ kiêm nhà phê bình Boileau thế kỷ 17.  Xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt, bố làm ở Nghị viện Paris. Boileau hồi còn trẻ đã nổi danh tài thơ rồi viết tiểu thuyết, viết phê bình. Boileau từng được chọn làm nhà chép sử cho Vua Loui XJV và là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Khi đó những khu đất dọc sông Sen đã có chủ. Một trong những lô thửa ấy đã tạo nên toà nhà có khu vườn rộng bao quanh mà ông chủ là thi sĩ Boileau.

Tại đây những năm 1660-1670 Boileau đã viết những tác phẩm mà hiện nay sách giáo khoa bậc trung học Pháp vẫn trích dẫn cho học trò trong đó có tập Châm biếm, Nghệ thuật thi ca... Rồi những là vật đổi sao dời. Bao biến thiên đã xảy ra trên đất Pháp nhưng những lô thửa những khu nhà vườn bên dòng sông Sen ấy bao giờ cũng có chủ cũng có giá. Thịnh tình của nhà nước Pháp đối với Việt Nam hơi bị nồng hậu. Bằng cớ là toà nhà vườn của thi sĩ Boileau chính quyền Pháp đã tạo điều kiện cho Bộ ngoại giao của nước Việt Nam DCCH sở hữu. Đầu tiên là cơ quan đại diện, đại biện và nâng cấp lên hàng đại sứ. Năm 1975, được phép của Chính phủ Pháp và chính quyền Paris, đại sứ nước ta đã cải tạo lại toà nhà vườn của thi sĩ Boileau rồi nâng cấp lên thành sứ quán! Nghe nói khi cải tạo nâng cấp, hậu duệ của Boileau đã tìm đến và khẩn khoản xin giữ lại hai cây sến cổ thụ ở góc vườn mà theo họ, đây là nơi thi sĩ ưa thích nhất thường ngồi viết lách dưới gốc sến...

Tôi phải sải bước để kịp theo nhịp can của GS. Phải nhô lên một nhịp cầu thang để có lối ra vườn. Trước chúng tôi, nơi góc vườn, hai cây sến cổ thụ đột ngột sừng sững lá ngằn ngặt xanh tán rợp khắp một vùng rộng.

Dưới gốc sến có một tấm bia đá đen khắc những dòng chữ mạ vàng tưởng niệm nhà thơ.

Tôi cũng được biết thêm, hồi chưa xây Sứ quán, có một sĩ quan VNCH cũ tên là Trần Hồng ngày 30/4/1976 đã liều lĩnh đưa hẳn cả một chiếc xe ủi bất ngờ quẹo vào sứ quán nhưng cảnh sát Pháp đã kịp thời ra tay. Hèn chi tôi thấy trước cuộc gặp của TBT Lê Khả Phiêu với bà con Việt kiều mà cảnh sát giăng đầy cả con ngõ nhỏ yên tĩnh mang tên một thi sĩ Pháp này?

Buổi đầu may mắn tri ngộ. Như là cơn cớ để xúi giục thêm động thái lật giở tiếp một bách khoa toàn thư Trần Văn Khê?

MỚI - NÓNG