'Đạo' của Trần Văn Khê

TP - Một bách khoa thư về âm nhạc truyền thống, rất mạch lạc giữa chuyện riêng tư và công việc với “bộ não như được sắp xếp ngăn nào ra ngăn đấy…” là những điều ca nương Phạm Thị Huệ cảm nhận về người thầy lớn Trần Văn Khê. Và còn hơn thế nữa, giáo sư quan tâm tới môn sinh như người con trong gia đình. Đại gia đình mang tên “nhạc truyền thống Việt Nam”.

Cảm nhận của chị trong lần đầu tiên tiếp xúc với GS Trần Văn Khê?

Trong một hội thảo năm 2006, tôi thấy một cụ tóc bạc, ngồi xe lăn. Tôi đoán đấy là cụ Khê vì đã nghe anh Hiền (nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền- PV) kể rất nhiều lần và tôi đến để chào. Cụ cũng nghe anh Hiền kể về tôi nên nhận ra ngay, giữ lại nói chuyện. Ngay lần gặp đầu tiên đã cảm thấy cụ rất ấm áp nồng hậu, bao dung và uyên bác. Đầu tiên bao giờ cụ cũng hỏi thăm rất chi tiết về các nghệ nhân, sau đó hỏi thăm các thành viên trong giáo phường.

Tôi hỏi giáo sư có thời gian dự lễ mở xiêm y không, giáo sư rất bất ngờ không thể nghĩ giờ này còn có lễ mở xiêm y, cụ mừng lắm, gương mặt rạng rỡ hẳn lên: “Bác rất muốn tham dự. Từ khi nghiên cứu âm nhạc dân tộc, bác mong được chứng kiến những sự kiện như thế”.

Mới gặp nhưng thầy đối xử giống như một môn sinh đã nhận từ lâu. Thầy chăm sóc, luôn hỏi có gì cần giúp đỡ. Tôi ít gặp được những người mình cảm thấy cởi mở như thế. Thường thầy của mình bao giờ mình cũng rất tôn trọng và giữ khoảng cách, những người thực sự coi mình như người thân rất ít, lại trong thời gian rất ngắn.

'Đạo' của Trần Văn Khê ảnh 1 ca nương Phạm Thị Huệ.

Lời dạy nào của giáo sư về âm nhạc mà chị nhớ?

Về ca trù bác căn dặn rất cẩn thận là bằng mọi cách cố gắng giữ và truyền lại. Một trong những cách quảng bá chính là biểu diễn, vừa rèn luyện tay nghề cho mình, cho các em có trải nghiệm, vừa giới thiệu cho đông đảo công chúng. Vì thế cứ mỗi lần ra Hà Nội, bác yêu cầu các em phải đến gặp để bác tiếp lửa. Em nào đang có ý định bỏ nghề để đi theo môn khác, nếu bác biết, bao giờ cũng gọi ra trò chuyện, tìm căn nguyên hay dặn dò các em suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Bác cũng nhắc đi nhắc lại rằng học âm nhạc truyền thống là phải học theo phương pháp truyền khẩu, không qua solfège (ghi thành nốt nhạc kiểu phương Tây- PV).

NSND Bạch Tuyết nhận xét GS Trần Văn Khê có một cách sống và làm việc không tổn thương đến ai…

Chính xác. Không cần biết người nào là ai, bác vẫn dang rộng vòng tay. Một người nham hiểm đến gặp bác cũng mất hết khả năng nham hiểm! Bao giờ bác cũng có thói quen ôm và ghé má vào má mình một cái, yêu lắm thì hôn chút một cái vào má. Đấy là thói quen của người Pháp. Chỉ cần bác ôm vào người thôi thì giống như bác có một năng lượng ấm áp truyền sang. Cái đấy rất là lành. Nếu đang bối rối, buồn, căng thẳng chỉ cần ôm bác một cái, cười, trò chuyện với bác tự nhiên mình quên hết mọi thứ rắc rối, lấy lại cân bằng để trở lại làm việc. Đúng là như một vị Bồ Tát. Rất kỳ lạ, đặc biệt!

'Đạo' của Trần Văn Khê ảnh 2 GS Trần Văn Khê nói chuyện âm nhạc tại Hà Nội, khoảng 2005. Ảnh: N.M.Hà.

Từng nhiều lần đến thăm nhà giáo sư, chị có cảm nhận gì?

Bác sống một mình nhưng lúc nào cũng có mấy người phục vụ. Chú Bình bảo vệ lo vườn tược nhà cửa. Chị Na cơm nước, thuốc thang, vệ sinh như một người con chăm sóc cha. Tất nhiên chị nhận lương nhưng tôi thấy hiếm người nào tận tình như chị.

Nhưng bên cạnh bác không có ai liên quan đến âm nhạc. Đấy là cái bác rất buồn. Nhu cầu chia sẻ về âm nhạc của bác rất lớn. Cứ mỗi lần có ai cùng trong ngành âm nhạc, đặc biệt là truyền thống, vào thăm thì làm cho bác cảm thấy trẻ hơn, khỏe hơn. Nó như là được tiếp sức.

Tôi rất hy vọng lớp trẻ sẽ có người đủ tài đủ tâm đủ trí, cũng phải là nam giới mà có khi cũng phải sống độc thân thì mới đủ sức gánh vác tiếp công việc này. Bác dồn toàn tâm toàn sức vào âm nhạc truyền thống. Với bác âm nhạc chính là đạo. 

Ca nương Phạm Thị Huệ

Bác truyền năng lượng cho mình để mình vững vàng, tiếp tục. Còn mình đến, bác cũng nhận được năng lượng của mình. Bác biết người trẻ vẫn đang tiếp tục làm công việc mà bác rất tâm huyết, bác bớt được những lo lắng. Nên mỗi lần vào, thậm chí chỉ quá cảnh mà đủ thời gian, tôi cũng tạt vào thăm bác, đàn một tiếng, hát một câu xong lại đi. Có lần vào không báo trước nghĩ là bác sẽ không nhận ra vì giai đoạn sau mắt bác kém, nghe cũng không rõ, nhưng vào nắm tay một cái vẫn nhận ra ngay.

Chị còn nhớ lần cuối cùng gặp giáo sư?

Lần cuối vào thăm bác đã hôn mê rồi, sáng đó bác vừa mổ tim lần thứ hai nên bác sĩ không cho ai vào trong, chỉ được đứng ngoài cửa thôi. Lần cuối cùng nói chuyện điện thoại chắc là do có ai đọc Facebook của tôi nói lại, bác mới gọi điện hỏi thăm. Tôi cũng hỏi thăm sức khỏe của bác. Bác nói: “Gần đây không được khỏe lắm nhưng thầy vẫn đang cố gắng làm việc”. Giọng bác buồn buồn, không như mọi khi. Mọi khi kể cả bị bệnh, bác vẫn rất lạc quan. Lúc ấy tôi cũng hơi giật mình, lại hơi ân hận làm phiền cụ. Mình không muốn một người thầy lớn tuổi rồi còn đang bao nhiêu công chuyện lại phải nghĩ chuyện của mình để hỏi thăm, không đáng.

Tang lễ GS.TS Trần Văn Khê chính thức cử hành vào 10 giờ sáng ngày 26/6 tại nhà riêng của ông ở 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Có mặt tại tang lễ ông Hoàng Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VH-TTDL đã viết trong sổ tang: “Vĩnh biệt GS.TS Trần Văn Khê, cây đại thụ về âm nhạc của thế giới, của phương Đông và Việt Nam, một Nhà văn hóa lớn. GS đã để lại một di sản đồ sộ và vĩ đại cho dân tộc Việt Nam”. Cũng theo ông Ái, nghe GS Trần Văn Khê diễn thuyết, ông cảm thấy mình nhỏ bé trước một khối tri thức đồ sộ về âm nhạc và bản sắc dân tộc Việt Nam. Cũng như ông Ái, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, TS Nguyễn Nhã đều có những lời đầy trang trọng về GS.TS Trần Văn Khê.    

    Trọng Thịnh

MỚI - NÓNG