Trần Văn Khê: Đã “nhẹ nương cánh nhạc đến thiên thai”

TP - Lần đầu tôi được nghe GS Trần Văn Khê nói chuyện là ở 19 Hàng Buồm - trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, cách đây gần 2 chục năm. Chưa từng thấy người nào nói chuyện hấp dẫn thông tuệ như vậy. Ông qua đời sáng 24/6 tại TPHCM, hưởng thọ 94 tuổi, Nhẹ nương cánh nhạc đến thiên thai như câu thơ ông đã viết.

Nhà truyền giáo về âm nhạc dân tộc

Ông nói về âm nhạc ba miền. Khi nói về cải lương và đờn ca tài tử, ông đúng là dân Nam Bộ gộc, hiểu biết khó ai bì về con người và nghệ thuật nơi đây thì đã đành- ông sinh ở Mỹ Tho. Nói đến Huế, đến nhạc cung đình, ca Huế, những Nam ai Nam bằng, ông lại biến thành người Huế, cứ như thể đời ông từng được tưới tắm bằng hoa trái và nghệ thuật xứ sở này từ tấm bé. Ông hát vài câu và đi sâu bình phẩm nghệ thuật ca trù, cảm tưởng trên đời này không gì hay hơn nó! Rồi chầu văn, hát xẩm, quan họ vân vân. Nghe Trần Văn Khê bình về âm nhạc truyền thống, bị một mặc cảm rằng mình thật tội lỗi vì đã mù mờ quá lâu, sính ngoại, phiến diện, dại dột bỏ qua một kho báu sờ sờ trước mắt.

Ông nói, nước ngoài họ nhiều nhạc cụ độc đáo lắm, có khi được tạo bởi cái ống bơ; sự độc đáo của đàn bầu, đàn klông-pút chưa thấm vào đâu, vậy thì mình phải có cái gì, phát huy được mặt mạnh nào mới nổi cái hay của mình lên. Ông từng phát biểu trên báo Tiền Phong: “Người ta nghe nhạc phương Tây chủ yếu để khâm phục về kỹ thuật, còn nhạc Việt Nam chỉ cần câu rao câu dạo cất lên là đã biết tâm hồn, tính tình của nghệ sĩ”.

Khi cần chuyển qua đề tài Âu- Mỹ, ông lại là một quí ông lịch lãm cực Tây. Trần Văn Khê nói ông yêu nước Việt đến từng đường gân thớ thịt, luôn xuất hiện với trang phục có đường nét và họa tiết kiểu dân tộc nhưng 55 năm sống ở Tây Âu, đi khắp thế giới đã biến ông thành một công dân quốc tế, giáo sư toàn cầu, văn minh khác gì người Tây nhưng lại tình cảm kiểu Việt Nam. Ông không hề hãnh diện mình thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp mà chỉ xem đó là phương tiện để giảng dạy âm nhạc Việt Nam ở các nước, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra quốc tế.

Thỉnh thoảng, nghe tin một loại hình văn hóa văn nghệ dân gian nào đó được UNESCO vinh danh, chúng ta vẫn đùa “chạy giỏi gớm”. Nhưng, quả tình là không ngạc nhiên nếu hồ sơ của những cuộc này được GS Trần Văn Khê “nhúng tay” vào. Hồ sơ chuẩn bị kỹ, lại được ông Trần Văn Khê thuyết trình bằng mấy thứ tiếng với giọng cực chuẩn, trình bày đến đâu đàn hát minh họa đến đấy thì chỉ có “chết”.

Trần Văn Khê nhận xét về tài năng phổ nhạc cho thơ của bạn thân- Phạm Duy “Hồn nhạc quyện hồn thơ, phổ như giỡn chơi nhưng lại rất đẹp, rất văn hóa”. Nghe Trần Văn Khê nói chuyện, không hề có một sự phô trương kiến thức mà ông cũng nói “như giỡn chơi” nhưng kiến thức âm nhạc, kiến thức đời sống sâu thăm thẳm cứ ào ào tuôn chảy như dòng suối. Sự thông minh kiệt hiệt hòa quyện tâm hồn, tính cách nghệ sĩ điển hình. Trong giới văn nghệ, Nguyên Ngọc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Ea Sola... đều là những người hiểu đời, nói giỏi không phải giữa đám đông mà ở chỗ thân tình, còn Trần Văn Khê thăng hoa mọi nơi mọi lúc. Chưa có người Việt nào mà chỉ sự trở về nước định cư cũng là đại sự kiện! Thật là một cuộc đời vinh quang cho đến khi nhắm mắt.

Trần Văn Khê: Đã “nhẹ nương cánh nhạc đến thiên thai” ảnh 1

Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Một gánh nhạc, một cuộc đời

Có duyên hạnh ngộ từ năm 1940, đến năm 1976 khi Trần Văn Khê từ Pháp trở về Việt Nam, Xuân Diệu đã viết tặng ông bài thơ trong đó có trích dẫn Kiều: “Rằng nghe nức tiếng cầm đài/Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Còn Huy Cận viết tặng bạn năm 2002: Một gánh nhạc, một cuộc đời/Nặng lưng truyền thống mách người năm châu/Sầm giang Chợ Giữa nguồn sâu/Mạch Khê như chảy một màu quê hương/Chân đi tám hướng mười phương/ Lòng dân tộc chỉ một đường trước sau.

Nghe lời ông nội dạy, từ năm lên 4, chú bé Khê mỗi khi ai hỏi lớn lên làm gì đều vòng tay ngoan ngoãn “Em học để nữa lớn sẽ giúp nhơn quần xã hội”. Lúc ấy chưa hiểu biết gì chỉ biết đó là câu hay, ngộ, nhưng “điều đó đã nằm trong tiềm thức của tôi và tôi đã thực hiện bằng cả đời mình”.

Đọc các hồi ký, tự truyện của Trần Văn Khê, ví dụ Những câu chuyện từ trái tim, thấy một cuộc đời từ khi còn là chú bé con, rồi một thanh niên yêu nước, khổ luyện thành tài, sang xứ người mưu sinh- có lúc cả bằng tiếng đàn ở tiệm ăn, cho đến khi trở về nước định cư, đến tận trước lúc nhắm mắt xuôi tay, là một nỗ lực không mệt mỏi, học và dạy, truyền đạo - đạo yêu văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tâm hồn nghệ sĩ yêu nghệ thuật, yêu thiên nhiên, nhớ nước thương nhà biểu hiện trong từng hành động, cung đàn lời thơ: “Đờn reo đất nước thấy thêm gần” “Đợi trăng gẩy mấy cung đờn/Sao trăng vẫn trốn, trăng hờn ta sao”.

Có một kỷ niệm được ông kể lại - loại kỷ niệm này chắc nhiều: Lâu rồi, trong một chương trình truyền hình ở Honolulu (Mỹ), người dẫn chương trình giới thiệu: “Nói đến Việt Nam là nghĩ về chiến tranh. Thế nhưng hôm nay chúng tôi may mắn gặp một người Việt mang theo một thông điệp văn hóa, thi ca, âm nhạc của đất nước này. Xin quý vị đừng bỏ lỡ chương trình”. Cuối buổi, nhiều khán giả gọi điện cảm ơn đài truyền hình đã giúp họ hiểu khác về Việt Nam.

Nhiều người nói, Trần Văn Khê bàn về ẩm thực cũng hấp dẫn như âm nhạc! Nhiệt huyết không vơi cạn, trí tuệ uyên thâm của một nhà văn hóa hạng nhất, ông đã sống một cuộc đời trường thọ để có cơ hội “mang theo thông điệp văn hóa, thi ca, âm nhạc của đất nước này” ra thế giới, ở mức không ai có thể làm được. Như GS Trần Quang Hải vẫn tự hào về cha: Năm châu nổi tiếng đàn dân tộc/Bốn bể vang danh nhạc nước nhà.

Cụ cố ngoại của Trần Văn Khê chính là Nguyễn Tri Phương người tuyệt thực tử tiết khi Pháp chiếm Hà thành. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Trần Văn Khê được cô ruột nuôi dưỡng cùng hai em. Gia đình nội ngoại là nhạc sĩ bốn đời. Ông có một cuộc đời sôi động, từng tham gia kháng Pháp, học đại học ở Hà Nội, đến năm 1949 thì sang Pháp du học. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sỹ Âm nhạc học năm 1958, giáo sư Đại học Sorbonne, Pháp. Sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc Đông Phương. Là thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống, chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc. Giải thưởng lớn của Hàn lâm viện đĩa hát Pháp, Giải thưởng đĩa hát Đức, Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng quốc tế âm nhạc, Huân chương Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp, Giải thưởng Âm nhạc quốc tế Koizumi Fumio của Nhật Bản, Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục Pháp, Giải thưởng Quốc tế của San Francisco “Đã cống hiến trọn đời cho việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam”,  Giải thưởng Phan Châu Trinh và Giải thưởng Đào Tấn… Ông còn từng đóng phim Pháp và Anh, lồng tiếng mấy chục phim Mỹ dịch sang tiếng Pháp.

Chiều 24/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và gia đình đã có thông tin chính thức về việc tổ chức lễ tang GS-TS Trần Văn Khê. Theo thông báo, lễ tang sẽ được tổ chức tại nhà riêng, số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 12h trưa ngày 26/6. Lễ động quan lúc 6h sáng 29/6. GS Trần Văn Khê sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.        

Trọng Thịnh

MỚI - NÓNG