Giáo sư Trần Văn Khê trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh
“Khi UNESCO tôn vinh đờn ca tài tử, nhiều người mới giật mình” - giáo sư nói. Đờn ca tài tử được chơi tại miền Nam, khi người miền Bắc, miền Trung đến đây lập nghiệp. Một vùng đất mà “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lèn tựa bánh canh”.
Để chống chọi với thiên nhiên, người Việt tìm mọi phương cách để mà sống, trong đó có sự giải trí. Đờn ca tài tử lúc đầu chỉ là trò chơi, là thú vui, phần nào giải tỏa sự xa cách, nhớ nhung quê hương. Trong đó có những câu hò câu lý, có nhạc lễ. Điều đó cho thấy sự gặp gỡ của những làn điệu dân ca các vùng miền Bắc và miền Trung. Miền Bắc thì có ca trù, quan họ, miền Trung có ca Huế và miền Nam thì có đờn ca tài tử.
Chung khảo phía Nam Hoa hậu Việt Nam được tổ chức tại Bạc Liêu, tôi rất hoan nghênh. Cần phải có phần thi trang phục áo dài, vì đây là văn hóa, là trang phục nước Việt Nam. Trong phần thi ứng xử, Ban tổ chức nên hỏi các thí sinh về đờn ca tài tử, cô nào cũng biết chút đỉnh đờn ca tài tử thì cái đó thật tuyệt vời. Áo dài là trang phục bên ngoài, đờn ca tài tử là nội dung bên trong, là văn hóa miền Nam nước Việt. Tôi mong rằng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức năm nay mang những tính chất đặc biệt như thế.