Kiên cường “sáng đèn”

Bác Hồ đến thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ năm 1954
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ năm 1954
TP - Trong bom đạn Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” những người thợ điện Thủ đô đã không quản khó khăn, hy sinh, ngày đêm phục vụ quân và dân Hà Nội chiến đấu và sản xuất góp phần vào thắng lợi của một “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỳ tích giữ điện giữa làn bom

 Cuối năm 1972, Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc với mục tiêu đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Tất cả trạm điện, lưới điện đều là mục tiêu bắn phá. Khi đó, Nhà máy Đèn Bờ Hồ, tiền thân của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đang chia làm 2 phân xưởng, một là xưởng phát điện từ Nhà máy điện Yên Phụ và một phân xưởng quản lý, phân phối điện từ Nhà máy Bờ Hồ. Trong 12 ngày đêm lịch sử (từ đêm 18 đến 31/12/1972) gần như toàn bộ lưới điện đều bị bom Mỹ tàn phá, những người thợ điện không rời vị trí, kiên cường chiến đấu.

Theo trí nhớ của ông Hà Minh Thanh (82 tuổi), cựu Bí thư Đoàn Thanh niên Nhà máy Đèn Bờ Hồ giai đoạn 1965 - 1972, thời điểm đó lực lượng thanh niên của nhà máy chiếm đến 90%, nắm mọi hoạt động quản lý, sản xuất và bảo vệ lưới điện. Hầu hết các cơ sở Đoàn đều hừng hực khí thế với tinh thần “3 sẵn sàng” mà Thành Đoàn Hà Nội phát động trước đó.

 Thanh niên Nhà máy cùng nhau cắt máu ăn thề, song hành với những khẩu hiệu đã được những người thợ điện biến thành phương châm hành động như: “Cảm tử để bảo vệ dòng điện của Thủ đô”, “Tim có thể ngừng đập nhưng dòng điện không thể tắt”, “Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”, tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”…

Nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu chống lại cuộc tàn phá của đế quốc Mỹ và tham gia bảo vệ máy móc thiết bị, đảm bảo vận hành lưới điện thông suốt đã xuất hiện. Khi trạm trung gian Đông Anh bị bắn phá, máy biến áp 110kV Diesel bị mảnh bom xé toang cánh dầu, 5 tấn dầu phun chảy lênh láng, nếu không chặn ngay, lửa bén có nguy cơ nổ trạm. Công nhân trực trạm Nguyễn Đình Thanh đã nhanh trí, cởi áo bảo hộ, lao vào máy biến thế bịt vết hở ngăn không cho dầu chảy...

Viết tiếp truyền thống hào hùng

Ngược dòng lịch sử, sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô, ngày 21/12/1954, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ đã về thăm và động viên cán bộ công nhân viên (CBCNV) Xưởng phát điện Yên Phụ, sau đó về thăm Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Bác căn dặn CBCNV Nhà máy Đèn Bờ Hồ: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. 

Khi tiếp quản ngày 10/10/1954, Nhà máy Đèn Bờ Hồ chỉ có quy mô nhỏ bé, điện thương phẩm 17,2 triệu kWh và 319 km đường dây cả  trung thế và hạ thế.

Trải qua quá trình phát triển, hiện nay, EVN HANOI có 17 ban chức năng, 38 đơn vị trực thuộc, 1 công ty con với hơn 8.100 CBCNV. Đến tháng 12/2014, Tổng Công ty đang quản lý 698,95km đường dây 110kV và 36.402 km lưới điện trung hạ thế; 33 trạm biến áp 110kV; 14.666 trạm biến áp phân phối và trung gian, hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã có mặt trên toàn địa bàn thành phố. 

Từ năm 2008 đến tháng 12/2014, EVN HANOI đã tiếp nhận lưới điện hạ áp của 241 xã toàn bộ và 17 xã 1 phần, bán điện trực tiếp đến 588.986 hộ dân, đưa tổng số khách hàng sử dụng điện lên trên 2,1 triệu, tăng trên 1,2 lần so với số khách hàng sử dụng điện năm 2009. Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 là 12.561 triệu kWh, tăng 1,59 lần so với sản lượng điện thương phẩm năm 2009.

Để ánh điện trên địa bàn luôn là ánh sáng niềm tin, với trách nhiệm là đơn vị thay mặt cho ngành điện lực cả nước cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, tập thể cán bộ, công nhân viên EVN HANOI đang nỗ lực tiếp tục phấn đấu, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục cho các phụ tải của Thủ đô, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa Thủ đô. 

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.