Đạo diễn Việt Hương: Gái có công, chồng chẳng phụ

Đạo diễn Việt Hương: Gái có công, chồng chẳng phụ
TPCN - Công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam 7 năm, chị đã sớm khẳng định mình. Mới năm ngoái, chị vừa nhận được giải Video clip xuất sắc nhất “Mùa thu giấu em” trong cuộc thi VTV Bài hát tôi yêu.
Đạo diễn Việt Hương: Gái có công, chồng chẳng phụ ảnh 1
Nữ đạo diễn Việt Hương

Năm nay, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2006, Việt Hương đã giành 3 giải thưởng: Giải vàng cho bộ phim ca nhạc Khát vọng xanh, giải bạc cho bộ phim tài liệu Thuở bình minh tân nhạc và bằng khen cho chương trình ca nhạc Hương mùa xưa.

Học nhạc cụ cổ truyền tại Nhạc viện Hà Nội, rồi trở thành ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc TW, nhưng lại “bén duyên” với nghề đạo diễn. Sao vậy?

Bố tôi là nhạc sĩ Lê Việt Hòa. Ngay từ nhỏ, bố đã muốn cho tôi theo học sáng tác, lý luận. Nhưng tuổi trẻ thích thể nghiệm và phiêu lưu. Tôi đã thử nhiều nghề trước khi đi theo con đường của nghề đạo diễn.

Trước đây, tôi làm ca sĩ. Những năm 1984, 1985 tôi đã từng đi biểu diễn nhiều nơi cùng với cây đàn guitare gỗ. Ngày ấy còn quá trẻ, là thời kỳ tôi đang định hình con đường đi cho mình.

Sau này tôi mới phát hiện ra, nghề đạo diễn rất hợp với mình. Tôi yêu điện ảnh và muốn làm đạo diễn chuyên ngành âm nhạc. Những năm tháng học trước đây là viên gạch, nền móng, cái phông nâng đỡ cho  nghề nghiệp hiện tại của tôi.

Được biết, trong giải Sao Mai 2005, chị làm đạo diễn cho đêm chung kết khu vực Hà Nội. Chị còn là đạo diễn nữ duy nhất của chương trình “VTV Bài hát tôi yêu” bên cạnh là “một tập đoàn” các quý ông. Phụ nữ mà làm đạo diễn truyền hình thì vất vả lắm. Có bao giờ chị cảm thấy mất cân bằng không?

Bạn nói đúng! Đạo diễn là nghề tương đối vất vả. Để sống với nghề, chúng tôi phải lăn lộn. Phụ nữ mà đầu trần trong cái nắng chang chang, chỉ tập trung để ý làm sao cho khuôn hình tác phẩm được tốt hơn.

Mỗi lần bứt ra khỏi công việc, tôi lại phải tìm cách cân bằng lại. Làm nghệ thuật là sự khám phá. Được sống hết mình với công việc là một hạnh phúc.

Việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh cho một tác phẩm âm nhạc là điều không dễ chút nào…

Để có một video clip hấp dẫn thì việc tìm ý tưởng, ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện là việc rất quan trọng vì nó làm tăng lên rất nhiều sự hấp dẫn cho tác phẩm âm nhạc.

Hiện nay tôi đang theo học khóa cao học nghệ thuật điện ảnh với đề tài: “Giai điệu và khúc thức âm nhạc trong nghệ thuật tạo hình điện ảnh”.

Vừa đi làm, vừa đi học, thời gian nào chị dành cho gia đình?

Tôi và chồng tôi yêu nhau từ khi tôi còn là một ca sĩ. Ngày ấy, anh đã phải thường xuyên đi đêm về hôm đón tôi mỗi lần tôi đi biểu diễn. Đã yêu nhau thì việc gì cũng có thể thông cảm được.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải cố gắng sắp xếp, dành thời gian cho gia đình. Chồng càng thông cảm thì mình càng phải cố gắng. Tôi hoàn toàn có thể thu xếp và bố trí cho cuộc sống riêng tư của mình một cách ổn thỏa.

Tôi quan niệm: Nếu cuộc sống của chính mình không được hạnh phúc thì vất vả, cố gắng có ý nghĩa gì đâu?

Được biết, tác phẩm đầu tay cũng là bài tốt nghiệp trường điện ảnh - phim tài liệu “Người viết cảm tử quân” đã đoạt Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 12 tại Huế. Lần này, chị lại đoạt giải cho phim tài liệu “Thuở bình minh tân nhạc”. Có vẻ như chị rất “kết” dòng tân nhạc? Vì sao chị lại nảy sinh ý tưởng xoay ngược thời gian tìm về nhạc sĩ của dòng tân nhạc đã quá cố?

Ngày tôi còn học năm cuối trường điện ảnh, dường như người ta đã quên mất Hoàng Quý - một nhạc sĩ có tài, ông mất khi còn quá trẻ (26 tuổi), nhưng đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm lớn. Khi nghiên cứu, tôi được biết ông là con chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam.

Ông chính là nhạc sĩ được đặt tên phố đầu tiên ở Việt Nam. Tình cờ, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Chú cũng là người rất tâm đắc với đề tài này.

Vì lòng mến mộ và cảm phục người nhạc sĩ đã quá cố, hai chú cháu đã dốc công sức tìm lại những kỉ vật mà nhạc sĩ để lại. Cuối cùng thì bộ phim tài liệu Người viết Cảm tử quân đã ra đời.

Còn về bộ phim tài liệu Thuở bình minh tân nhạc, tôi muốn làm một cuốn phim tài liệu âm nhạc để nhớ ơn những người đóng góp cho nền nhạc mới.

Còn bộ phim đã đoạt giải vàng “Khát vọng xanh”?

Khát vọng xanh là một bộ phim ca nhạc mà tôi rất tâm đắc, ngoài việc phục vụ nhu cầu giải trí tôi cũng muốn đóng góp một chút công sức nho nhỏ của mình vào công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Để làm phim phóng sự tuyên truyền môi trường sẽ rất dễ, nhưng để làm bộ phim ca nhạc về môi trường quả thực không dễ chút nào. Phải làm sao để nó đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngọt ngào, đi vào lòng người mà không khiên cưỡng.

Tôi nghĩ ra tứ: “Một họa sĩ vẽ tranh bảo vệ môi trường, mỗi bức tranh là một đề tài bảo vệ môi trường. Có phóng sự đầu và kết nói lên hiện trạng đời sống hiện nay. Một phần do thiên tai, một phần do con người làm ra. Họa sĩ là sợi dây xuyên suốt tác phẩm. Khán giả xem thấy rất hiện thực, tự nhiên, không bị khiên cưỡng, gượng ép.

Chị là nữ đạo diễn “có duyên” với các giải thưởng. Mỗi lần “ôm” giải thuởng trong tay, cảm giác của chị thế nào?

Tôi yêu nghề nghiệp của tôi, và tôi đã sống hết mình với nó. Mỗi lần nhận giải thưởng, tôi nghiệm ra rằng: “Gái có công, chồng chẳng phụ” (cười..)

Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Thị Hồng Hà
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG