Chiều 4/11, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ sự đồng tình về thực trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư “đang diễn ra rất nhiều”. Trong đó, theo ông Đồng, phần lớn là nhân lực chất lượng cao, việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng gặp khó khăn nhất định.
“Mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì nhân sự ở khu vực công là nhân sự làm chính sách”, ông Đồng nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Như Ý |
Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng cho rằng, Kỳ họp thứ 8 này, có lẽ cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ, nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách.
“Tôi cùng tổ thảo luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nghe bộ trưởng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới.
Tôi và chắc là nhiều đại biểu nữa đánh giá rất cao tinh thần này. Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thì thực sự cũng đang bị nghẽn”, ông Đồng cho hay.
Theo đại biểu, bao nhiêu năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Báo cáo của Bộ Nội vụ tại kỳ họp này nói rằng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng khi phát biểu ở tổ, Tổng Bí thư nói, việc này mới làm từ xã, huyện một số vụ, cục, tổng cục... Trung ương chưa làm được.
Đại biểu cũng dẫn lời Tổng Bí thư, nói ngân sách đang chi khoảng gần 70 % để trả lương, chi thường xuyên. Vậy tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa? Rồi ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều những phát biểu, tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
Nhưng ông còn băn khoăn khi, kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57 % là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. "Vậy như thế đã là đánh giá đúng tình hình chưa?”, ông Đồng đặt vấn đề.
Tiếp theo, về cải cách tiền lương, theo đại biểu, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Thế nhưng, dù vậy thì một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, dù xuất sắc đến đâu, lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác.
“Thế nên, rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài thì vẫn như lá mùa thu”, ông Đồng nhìn nhận.
“Tổng Bí thư nói, chúng ta cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn đang phải đối mặt để vượt lên được những khó khăn đó để phát triển. Kỳ họp này, như tôi đã nói ở trên, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ, nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế.
Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn. Tôi đề nghị, nên đột phá từ chính khâu này, mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước”, đại biểu đoàn Quảng Trị nêu.
Tinh gọn cả bộ máy ở Trung ương
Tranh luận sau đó về nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) viện dẫn câu nói “có bột mới gột nên hồ”. Theo ông Kim, Hàn Quốc đã cho ra đời chính sách khuyến khích nam, nữ thanh niên kết hôn, sinh con. Do vậy, ông cho rằng, nước ta phải quan tâm đến thách thức già hóa dân số. Có nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng những năm tới.
Ngoài ra, theo đại biểu đoàn Nam Định, tinh giản biên chế, bộ máy ở cấp huyện, xã là chưa đủ, mà phải tinh giản cả bộ máy Trung ương, các bộ, ngành. Theo ông Kim, có bộ trưởng nói với ông rằng: “Nếu bộ tôi giảm 30 – 40% biên chế cũng chẳng ảnh hưởng gì”.
Ông Kim nhấn mạnh, việc tinh giản biên chế không chỉ tiết kiệm chi phí cho bộ máy, mà còn giảm tình trạng sách nhiễu và tăng được cán bộ mẫn cán.
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai
Đề cập đến nhiệm vụ “từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, đây là nhiệm vụ đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới về kinh tế, xã hội cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức cho ngành giáo dục.
Rút kinh nghiệm những kết quả đạt được và những mục tiêu chưa đạt khi triển khai thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần có lộ trình, đề án tổng thể, toàn diện và lâu dài.
“Theo tôi, địa phương rất cần có sự chuẩn bị sớm cho việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên; cần thiết kế lại chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp và đặc biệt là cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để việc triển khai được thuận lợi”, bà Thanh nêu.